Người dân Hàn Quốc xuống đường tuần hành ở Seoul ngày 8-12 với yêu cầu luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol - Ảnh: REUTERS
Đảng Dân chủ - đảng đối lập lớn nhất trong Quốc hội Hàn Quốc - muốn luận tội ông Yoon bằng được để dẫn tới việc ông bị đình chỉ chức vụ tổng thống. Trong khi đó, Đảng Quyền lực nhân dân (PPP) cầm quyền lại đang nghĩ tới viễn cảnh trái ngược.
Phe nào cũng muốn giành thế chủ động
Trong cuộc họp báo ngày 8-12, lãnh đạo PPP cho biết sẽ thúc đẩy tiến trình "từ chức có trật tự" của Tổng thống Yoon nhằm giảm thiểu tối đa sự hỗn loạn đối với quốc gia và người dân. Trong khi đó, ông Han Dong Hoon - lãnh đạo đảng cầm quyền - nhấn mạnh sẽ thường xuyên gặp gỡ Thủ tướng Han Duck Soo để phối hợp giải quyết các vấn đề quốc sự trong giai đoạn chuyển giao trước khi Tổng thống Yoon chính thức rời nhiệm sở.
Trước đó, Tổng thống Yoon đã đưa ra lời xin lỗi công chúng về những bất tiện phát sinh do lệnh thiết quân luật (lệnh này đã được gỡ bỏ sau 6 tiếng ban bố - PV). Trong phát biểu trên, ông Yoon đồng thời thông báo sẽ chuyển giao quyền lực cho Đảng PPP và Thủ tướng nhằm sớm ổn định tình hình chính trị và tiếp tục triển khai các công việc quan trọng khác.
Tuy nhiên, phe đối lập đã phản đối việc PPP và Thủ tướng Han Duck Soo cùng tham chính, cho rằng điều này là vi hiến. Chủ tịch Quốc hội Woo Won Shik, một người thuộc Đảng Dân chủ, đã từ chối đến cuộc gặp ngày 8-12 với ông Han Duck Soo, đồng thời nhấn mạnh luận tội là tiến trình pháp lý duy nhất có thể giải quyết vấn đề. Lãnh đạo Đảng Dân chủ Lee Jae Myung thì tuyên bố sẽ đệ trình yêu cầu luận tội Tổng thống Yoon lên Quốc hội "mỗi tuần", cho đến khi bản kiến nghị luận tội được thông qua. Đáp trả lại cùng ngày 8-12, ông Han Dong Hoon nhấn mạnh Thủ tướng Han Duck Soo vẫn là người trực tiếp thực hiện các công việc của chính quyền còn PPP chỉ tích cực tham vấn với thủ tướng.
Với việc đang giữ quá bán số ghế tại Quốc hội, việc thông qua yêu cầu luận tội không khó với Đảng Dân chủ. Tuy nhiên họ sẽ phải cần sự đồng ý của khoảng 10 nghị sĩ từ PPP để bản kiến nghị được chấp thuận. Để tăng thêm sức ép, nhóm nghị sĩ đối lập nhấn mạnh sẽ không thông qua kế hoạch ngân sách tại Quốc hội cho đến khi PPP đồng ý với bản kiến nghị luận tội tổng thống. Điều này chắc chắn sẽ gây khó khăn cho Thủ tướng Han Duck Soo và PPP trong giải quyết các vấn đề quốc gia.
Toan tính của mỗi bên
Theo Hiến pháp Hàn Quốc (sửa đổi năm 1987), điều 71 cho phép thủ tướng thực hiện các quyền hạn của tổng thống trong trường hợp nguyên thủ quốc gia "không thể thực hiện nhiệm vụ vì bất cứ lý do gì" hoặc ghế tổng thống bị bỏ trống. Đây là cơ sở pháp lý để Thủ tướng Han Duck Soo tiếp quản các công việc, song không có quy định nào trong Hiến pháp đề cập đến việc đảng cầm quyền có thể thực hiện quyền hạn của tổng thống.
Theo một số nguồn tin nội bộ, Đảng PPP đã đồng thuận rằng việc Tổng thống Yoon phải kết thúc nhiệm kỳ sớm là điều không thể tránh khỏi nhằm khôi phục niềm tin của cử tri. Tuy nhiên, phương thức để ông Yoon rời nhiệm sở vẫn còn là chủ đề tranh cãi.
Có luồng ý kiến trong PPP cho rằng nên sửa đổi Hiến pháp để nhiệm kỳ của ông Yoon chỉ còn dưới 5 năm, nhằm tránh được một tuyên bố từ chức và một cuộc luận tội gây mất thể diện cho đảng. Song một luồng ý kiến khác cho rằng ông nên từ chức ngay trước khi cuộc luận tội do Đảng Dân chủ khởi xướng đi tới hồi kết, bởi nếu như thế thì quyền quyết định sẽ không còn nằm trong tay PPP.
Với phe đối lập, việc Tổng thống Yoon chấp thuận đơn từ chức của một bộ trưởng ngày 8-12 đã được sử dụng như bằng chứng cho thấy ông vẫn đang thực thi quyền hạn của mình. "Tuyên bố của ông Han Dong Hoon về việc Tổng thống Yoon bị tước quyền lực chỉ là một lời xảo trá", Đảng Dân chủ chỉ trích. Đảng này kế đó thông báo sẽ tiếp tục đưa ra yêu cầu luận tội ông Yoon vào ngày 12-12 tới và tiến hành bỏ phiếu về bản kiến nghị trong ngày 14-12.
Phe đối lập tin rằng chiến lược liên tục đề xuất luận tội và cản trở việc thông qua ngân sách có thể tạo áp lực buộc các nghị sĩ PPP hiện phản đối luận tội phải thay đổi quan điểm. Nếu bản kiến nghị luận tội được Quốc hội thông qua trong phiên họp toàn thể, Tổng thống Yoon sẽ tạm thời bị đình chỉ chức vụ, chờ phán quyết cuối cùng từ Tòa Hiến pháp, dự kiến không vượt quá 6 tháng.
Trước Tổng thống Yoon Suk Yeol, Hàn Quốc từng chứng kiến hai trường hợp tổng thống bị Quốc hội luận tội với kết quả trái ngược. Ông Roh Moo Hyun được Tòa Hiến pháp phán quyết giữ lại chức vụ, qua đó khôi phục quyền lực tổng thống. Trong khi đó, bà Park Geun Hye bị phế truất và sau đó phải chịu án tù giam.