Nima Rinji sáng 9/10 đặt chân lên đỉnh Shisha Pangma cao 8.027 m ở Tây Tạng, đạt cột mốc chinh phục 14 đỉnh núi cao nhất thế giới, được giới leo núi nhìn nhận là thành tích đỉnh cao của bộ môn.
"Đây không chỉ là đỉnh cao của cá nhân tôi, mà còn là tri ân dành cho những người Sherpa từng dám mơ ước vượt qua những ranh giới truyền thống. Chinh phục những ngọn núi là minh chứng cho sức mạnh, độ bền bỉ và niềm đam mê của chúng tôi", Rinji nói.
Nima Rinji trên đỉnh Annapurna cao 8.091 mét hồi tháng 4. Ảnh: AFP
Reinhold Messner, nhà leo núi người Italy, là người đầu tiên chinh phục 14 đỉnh núi cao nhất vào năm 1986. 41 nhà leo núi đã nối tiếp thành công của ông. Nhiều người khác đã chết trong hành trình này. Tất cả các ngọn núi đều nằm trên dãy Himalaya và dãy Karakoram lân cận, trải dài qua Nepal, Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan.
Trước khi Rinji đạt thành tích mới, người trẻ nhất từng chinh phục 14 đỉnh núi là Mingma Gyabu, chú của Rinji, ở tuổi 30 vào năm 2019.
Người dân tộc bản địa Sherpa ở Nepal là nhóm chuyên làm dịch vụ dẫn đường và khuân vác hành lý cho những nhà leo núi lên đỉnh, được xem là xương sống cho ngành du lịch leo núi tại dãy Himalaya.
Họ vốn ít được quan tâm, thường bị xem là cái bóng cho những nhà leo núi nước ngoài thuê họ. Nhưng năng lực, thành tích leo núi của họ gần đây ngày càng được chú ý.
"Đây là khoảnh khắc đáng tự hào với quốc gia. Thành tựu của anh ấy truyền tải thông điệp không gì là không thể nếu có lòng quyết tâm mạnh mẽ", Nima Nuru, chủ tịch Hiệp hội Leo núi Nepal, nói.
14 đỉnh núi cao nhất thế giới. Đồ họa: AFP
Rinji xuất thân từ gia đình có truyền thống leo núi, điều hành công ty thám hiểm lớn nhất Nepal. Anh leo núi từ bé, bắt đầu chinh phục 14 đỉnh núi cao nhất thế giới từ năm 16 tuổi.
"Tôi xuất thân từ gia đình khá giả, nhưng leo núi đã dạy cho tôi biết thế nào là khó khăn và giá trị thực sự của cuộc sống", Rinji nói. "Tôi học được rất nhiều điều về thiên nhiên, cơ thể, tâm lý con người từ những ngọn núi".
Đức Trung (Theo AFP, AP, Kathmandu Post)