Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất thép cuộn ở Canada - một trong những mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Mỹ - Ảnh: Reuters
Truyền thông quốc tế đánh giá mối đe dọa áp thuế của ông Trump là "tối hậu thư" nghiêm trọng đối với cả Mexico và Canada, vốn là những đối tác thương mại lớn bậc nhất của Mỹ, cũng như khiến hai quốc gia này như "ngồi trên đống lửa".
Canada cân nhắc đáp trả
Trong bối cảnh đó, truyền thông Mỹ và Canada ngày 29-11 cho biết Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã đến Palm Beach, bang Florida để gặp Tổng thống đắc cử Donald Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago.
Hãng tin AP trong tuần này đã dẫn lời một quan chức cấp cao Canada cho biết chính phủ nước này đang cân nhắc các biện pháp đáp trả tương tự trong trường hợp ông Trump tiến hành áp thuế quy mô lớn đối với các mặt hàng của Canada.
Ngoài ra, một quan chức Chính phủ Canada khác cho biết chính phủ đang chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra, cũng như bắt đầu lên danh sách các mặt hàng của Mỹ mà họ có thể áp thuế để trả đũa. Tuy nhiên hiện chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra, đồng thời Canada vẫn coi trọng mối quan hệ không thể tách rời với Mỹ.
Trước viễn cảnh trên, một số chuyên gia thương mại cho rằng nếu Canada muốn đáp trả trước mối đe dọa thuế quan từ Washington, chính phủ nước này nên nhắm vào những mặt hàng có thể gây ra những tổn thất về cả kinh tế lẫn chính trị cho nước Mỹ, theo Đài CBC (Canada).
"Cần tìm ra một số mặt hàng mang tính biểu tượng của nước Mỹ, có sức ảnh hưởng với những người ủng hộ ông Trump hoặc các nhóm cử tri mà ông ấy quan tâm. Nếu Canada áp thuế lên những sản phẩm này sẽ gây được sự chú ý lớn", ông Gary Hufbauer, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), nêu quan điểm.
Theo ông Gary Hufbauer, các mặt hàng có thể khiến Mỹ suy nghĩ lại về lời đe dọa áp thuế có thể là những sản phẩm nông nghiệp như sữa và cây trồng - vốn "rất nhạy cảm về mặt chính trị với Mỹ", hoặc một số sản phẩm công nghệ của các CEO có quan hệ với ông Trump như iPhone do CEO Apple Tim Cook phụ trách hay xe điện Tesla của đồng minh Elon Musk.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã đến Palm Beach, bang Florida để gặp Tổng thống đắc cử Donald Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago
Đây không phải lần đầu tiên Canada "đứng ngồi không yên" trước quy định áp thuế từ người hàng xóm Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã áp mức thuế 20% đối với gỗ xẻ mềm của Canada. Sau đó, Nhà Trắng tiếp tục áp mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm của xứ sở lá phong.
Đáp lại, Canada đã công bố mức thuế trả đũa trị giá 16,6 tỉ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ bao gồm thép, nhôm, hàng tiêu dùng, cà phê, sữa chua hay rượu... như một động thái trả đũa việc chính quyền Trump đánh thuế lên các mặt hàng thép và nhôm của nước này, theo mạng lưới tin tức Global News Canada.
Mexico lựa chọn hòa giải
Cùng chung cảnh ngộ với Canada, người hàng xóm khác của Mỹ là Mexico cũng đối mặt với đe dọa áp thuế 25% từ chính quyền Trump 2.0 nếu nước này không chặn dòng ma túy và người nhập cư tiến vào Mỹ từ biên giới phía nam. Tuy nhiên cho đến nay, Mexico vẫn lựa chọn cách tiếp cận hòa giải đối với vấn đề này.
Phản ứng trước lời đe dọa từ Mỹ, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum lựa chọn biện pháp đối thoại để tiến tới một thỏa thuận chung. Bà cho rằng việc áp thuế là không cần thiết, thay vào đó Mexico có thể phối hợp với Mỹ để giải quyết những lo ngại của chính quyền Trump 2.0 về vấn đề nhập cư và buôn lậu ma túy, trên tinh thần tôn trọng để đôi bên cùng có lợi, theo Hãng tin Bloomberg ngày 29-11.
"Sẽ không có cuộc chiến thuế quan nào xảy ra", bà Claudia Sheinbaum tuyên bố sau cuộc điện đàm với ông Trump tối 27-11 (giờ địa phương). Đây là tuyên bố mới nhất được lãnh đạo Mexico đưa ra, dù trước đó bà cho biết sẽ cân nhắc ban hành thuế trả đũa, có thể bao gồm các mặt hàng linh kiện ô tô nếu Mỹ áp thuế lên Mexico.
Vào năm 2019 trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng đe dọa áp thuế 5% đối với tất cả các mặt hàng từ Mexico và có thể sẽ tăng tới 25%, đồng thời đóng cửa hoàn toàn biên giới cho đến khi nước này giải quyết được vấn đề nhập cư bất hợp pháp.
Ở phía ngược lại, Mexico đã tìm cách đàm phán với Chính phủ Mỹ nhằm tìm cách ngăn chặn quy định này. Vào tháng 6-2019, nước này đạt được thỏa thuận với Mỹ khi đồng ý "thực hiện các biện pháp chưa từng có để tăng cường giải quyết dòng người nhập cư trái phép", bao gồm cả việc triển khai Lực lượng vệ binh quốc gia. Chính thỏa thuận này đã khiến ông Trump hủy bỏ kế hoạch áp thuế, theo tờ New York Times.
Nhập cư luôn là một trong những vấn đề nhức nhối trong quan hệ song phương Mỹ - Mexico. Vào cuối năm 2018, tổng thống Mexico lúc đó là ông Andrés Manuel López Obrador đã thiết lập mối quan hệ hữu hảo với ông Trump. Cả hai nhà lãnh đạo sau đó cũng đạt được thỏa thuận ngăn chặn người nhập cư, trước khi các lời đe dọa áp thuế từ Mỹ được triển khai.
"Đòn bẩy" để mở ra các cuộc đàm phán?
Hãng tin Reuters dẫn lời chuyên gia kinh tế David Kohl tại Ngân hàng Julius Baer (Thụy Sĩ) và một số nhà phân tích khác cho rằng kế hoạch áp thuế gây tranh cãi của ông Trump giống như một chiến thuật đàm phán hơn là chính sách thương mại.
Theo New York Times, ông Trump không trực tiếp đề xuất các cuộc đàm phán từ Canada hay Mexico, nhưng tổng thống đắc cử từng sử dụng thuế quan như một công cụ "đòn bẩy" cho các cuộc đàm phán. Phải chăng tuyên bố áp thuế chỉ là lời đề nghị kín đáo để mở ra các thỏa thuận trong tương lai?