Người lính Ukraine tạm biệt vợ và trở lại chiến trường sau kỳ nghỉ ngắn - Ảnh: Reuters
Sau hơn 1.000 ngày xung đột, sự mệt mỏi của người dân Ukraine đang trở nên rõ ràng. Các cuộc thăm dò gần đây của hãng điều tra khảo sát Gallup cho thấy có sự đồng thuận chung của người Ukraine về sự cần thiết phải kết thúc chiến tranh, nhưng lại có rất ít sự đồng thuận về cách kết thúc nó.
Hơn một nửa số người Ukraine được Gallup thăm dò (52%) đồng ý rằng "Ukraine nên tìm cách đàm phán để chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt", trong khi chỉ 38% muốn nước này "tiếp tục chiến đấu cho đến khi thắng cuộc".
Đây là sự thay đổi đáng chú ý so với một năm trước, khi 63% muốn tiếp tục chiến tranh và 27% ủng hộ đàm phán.
Tổng thống Zelensky không thể không thấy nỗi lòng của dân chúng trong bối cảnh ông Trump chỉ còn chưa tới 7 tuần nữa là sẽ nhậm chức tổng thống Mỹ với giải pháp hòa bình cho Ukraine riêng của mình.
Việc đạt được hòa bình bền vững ở Ukraine chắc chắn sẽ là một nỗ lực khó khăn dù cho bất kỳ ai thúc ép.
Sự ngờ vực sâu sắc về tham vọng chính trị và mâu thuẫn lợi ích cốt lõi trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine khiến con đường đi tới một giải pháp chính trị và ngoại giao gặp nhiều trở ngại.
Mong muốn chiến lược của Nga về một Ukraine trung lập trái ngược hoàn toàn với mục tiêu theo đuổi sự bảo đảm an ninh chắc chắn từ phương Tây của Ukraine.
Lo ngại sâu xa của Nga về sự mở rộng về phía đông của NATO xung đột trực tiếp với mong muốn gia nhập liên minh quân sự của Ukraine.
Ngoài ra, quyết tâm của Tổng thống Ukraine Zelensky giành lại vùng đất hiện bị quân Nga chiếm đóng kể từ năm 2022 do xung đột với khái niệm "đổi đất lấy hòa bình".
Điều cần thiết và quan trọng nhất đối với cả Nga và Ukraine hiện nay là cần phải có sự nhượng bộ và thỏa hiệp lẫn nhau. Một giải pháp bền vững chỉ có thể đạt được thông qua nỗ lực ngoại giao từ tất cả các bên để tránh leo thang và đổ máu thêm.
Các bước dễ đạt được hơn của cuộc xung đột chẳng hạn như thiết lập lệnh ngừng bắn, tạo điều kiện trao đổi tù nhân và quyết định chọn một giám sát viên trung lập để thực thi lệnh ngừng bắn nên được bàn thảo trước.
Tham vọng giải quyết tất cả vấn đề trong một thỏa thuận hòa bình là phương cách bất khả thi.
Các vấn đề phức tạp và gây tranh cãi hơn chẳng hạn như tính trung lập của Ukraine, tương lai của đường biên giới, cách xử lý đối với vùng lãnh thổ mà Nga hiện kiểm soát trong đó có bán đảo Crimea, các khoản bồi thường và cấu trúc an ninh khu vực trong tương lai... nên được thảo luận sau để tránh đổ vỡ.
Các nỗ lực thúc đẩy ngoại giao trước đây thường gặp trở ngại chính đầu tiên quay xung quanh liệu Ukraine đồng ý trung lập chính thức và lâu dài hay không. Mong muốn của Tổng thống Zelensky về gia nhập NATO chỉ làm cho cuộc xung đột phức tạp hơn.
Phương Tây cần phải đảm bảo với Nga rằng NATO không bao giờ chấp nhận Ukraine làm thành viên. Sự ngờ vực của Nga đối với tham vọng mở rộng về phía đông của NATO chưa bao giờ chấm dứt.
Liệu cuộc xung đột Ukraine sẽ bị đóng băng bằng một thỏa thuận ngừng bắn để dọn đường cho một thỏa thuận lâu dài hay không cũng sẽ tùy thuộc vào việc ai sẽ là người đứng ra bảo đảm cho việc thực thi của cả hai bên: Mỹ, Trung Quốc hay Liên Hiệp Quốc?