Chuyên mục  


base64-173678642864419664819.jpeg

Trực thăng bay phía trên đám cháy Palisades, đám cháy lớn nhất tại hạt Los Angeles, ngày 11-1- Ảnh: Reuters

Các nhà chức trách hạt Los Angeles cho biết những đám cháy hoành hành ở địa phương này trong sáu ngày qua đã khiến ít nhất 24 người chết tính đến ngày 12-1 theo giờ địa phương.

Cảnh báo các đợt gió khô

Cuối tuần qua, lực lượng cứu hỏa đã tận dụng thời tiết đứng gió để dập tắt hai đám cháy lớn nhất là Palisades và Eaton.

Theo Cục Lâm nghiệp và phòng cháy chữa cháy tiểu bang California, lực lượng cứu hỏa đã khống chế được 13% đám cháy Palisades, đồng thời kiểm soát 27% đám cháy Eaton. Cho đến nay đám cháy Palisades vẫn là đám cháy lan rộng nhất, thiêu rụi một khu vực rộng gần 9.600ha, xếp sau là đám cháy Eaton với hơn 5.600ha.

Dù đã thiêu rụi hơn 16.000ha trong suốt gần một tuần nhưng các nhà dự báo thời tiết ở Mỹ vừa ban hành thêm cảnh báo đỏ hiếm hoi về gió mạnh từ cuối ngày 13 đến 15-1. Điều này có thể khiến quá trình dập lửa trở nên khó khăn hơn cũng như nguy cơ các đám cháy lan rộng nhiều hơn.

Cụ thể hôm 12-1, Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NSW) thông báo những đợt gió Santa Ana dự kiến góp phần khiến các đám cháy bùng lên trở lại vào cuối ngày 13-1. 

Gió Santa Ana là những đợt gió khô và ấm, thổi sâu trong đất liền ở miền nam và miền bắc California ra các bờ biển. Hằng năm cứ vào mùa khô, những đợt gió Santa Ana đã gây ra các vụ cháy rừng tàn phá khu vực tiểu bang California.

NSW sẽ phát cảnh báo đỏ về tình huống đặc biệt nguy hiểm (mức cảnh báo nguy hiểm cao nhất theo thang đo của Mỹ) mà họ hiếm khi phải ban hành ở khắp các hạt Ventura và Los Angeles trong sáng sớm 14 đến trưa 15-1.

Ông Brian Hurley, một nhà khí tượng học tại trung tâm dự báo thời tiết của NSW, cảnh báo mặc dù đợt gió khô trong tuần này không mạnh bằng đợt gió hồi tuần trước nhưng thời gian kéo dài của đợt gió mới có thể khiến các vụ cháy rừng trở nên tồi tệ hơn.

Trong khi đó theo đài CNN, một số chuyên gia nhận định cháy rừng được thúc đẩy bởi một số yếu tố, trong đó có cả yếu tố tự nhiên và yếu tố con người. Tuy nhiên theo họ, sự nóng lên toàn cầu đang tạo điều kiện thuận lợi khiến quy mô của các đám cháy dữ dội hơn và nghiêm trọng hơn.

Đặc biệt, tại nam California, nơi vừa trải qua một trong những mùa hè nóng nhất trong lịch sử khu vực. Điều này đã biến những thảm thực vật thành mồi lửa, tiếp thêm "nhiên liệu" cho các đám cháy khiến những đám cháy rừng lan rộng nhanh chóng từ rừng xuống các khu dân cư ở hạt Los Angeles.

Quốc tế chung tay giúp California chống cháy rừng

Hồi năm 2023, khi Canada phải chiến đấu với các vụ cháy rừng thiêu rụi hơn 18,1 triệu ha ở tỉnh Alberta, thành phố Quebec và tỉnh British Columbia, Mỹ đã triển khai hơn 2.000 lính cứu hỏa đến hỗ trợ Canada dập lửa.

Và giờ đây Ottawa đang đáp lại mối ân tình xưa. Chính phủ Canada cho biết họ đang gửi máy bay tiếp dầu cùng hàng chục lính cứu hỏa chuyên thực hiện các nhiệm vụ ở vùng hoang dã đã được huấn luyện đặc biệt đến Los Angeles. Các máy bay tiếp dầu có thể cung cấp hàng nghìn gallon chất chống cháy hoặc nước.

Ngoài ra, các quan chức Ottawa tiết lộ thêm nhiều nhân sự và thiết bị ở tỉnh Ontario, thành phố Quebec và tỉnh Alberta đã sẵn sàng đợi lệnh để đến Mỹ hỗ trợ dập lửa. Trong đó, một nhóm chuyên viên kỹ thuật cấp cao từ British Columbia sẽ đảm nhiệm các vai trò chuyên môn trong nhiệm vụ cứu hỏa.

"Chúng ta đều biết rằng Canada và Mỹ không chỉ là những quốc gia láng giềng. Chúng ta còn là bạn hữu, đặc biệt là trong những lúc khó khăn. California luôn ở phía sau hỗ trợ chúng ta khi chúng ta đang chiến đấu với cháy rừng kinh hoàng ở phía bắc đất nước. Bây giờ đây Canada chúng tôi ủng hộ các bạn", Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói trên mạng xã hội X hôm 10-1.

Nước láng giềng phía nam của Mỹ là Mexico cũng nhanh chóng điều động một đội lính cứu hỏa đến Mỹ vào sáng sớm 11-1. Theo đài CBS News, thống đốc tiểu bang California Gavin Newsom thông báo vào chiều 11 rằng hơn 70 lính cứu hỏa từ Mexico đã đến sân bay quốc tế Los Angeles để tham gia cùng 14.000 nhân viên cứu hỏa đã chiến đấu với đám cháy Palisades.

"Chúng tôi là một đất nước phóng khoáng và đoàn kết", Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum nói trên X. Bà nói thêm rằng nhóm lính cứu hỏa của Mexico đã mang theo "lòng dũng cảm và trái tim của Mexico" để đến hỗ trợ người dân Mỹ.

Thống đốc California Newsom cho biết ông rất biết ơn sự hỗ trợ từ cả Canada và Mexico.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, hôm 12-1 Tổng thống Zelensky thông báo Ukraine sẵn sàng hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi các vụ cháy rừng ở California với 150 lính cứu hỏa nước này đã sẵn sàng lên đường đến "chảo lửa" Los Angeles.

"Hôm nay tôi đã chỉ thị bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine và các nhà ngoại giao của chúng tôi chuẩn bị cho khả năng Kiev cử lực lượng cứu hộ đến tham gia dập tắt các đám cháy rừng ở California" - báo Guardian trích dẫn bài đăng trên mạng xã hội X hôm 12-1 của Tổng thống Zelensky.

"Tình hình ở đó cực kỳ khó khăn và người Ukraine chúng tôi có thể giúp người Mỹ cứu sống các nạn nhân. Hiện chúng tôi đang phối hợp để thực hiện hỗ trợ và chúng tôi đã cung cấp các hỗ trợ cho Mỹ thông qua những kênh liên quan. 150 lính cứu hỏa của chúng tôi đã sẵn sàng", ông Zelensky nói thêm.

Thiệt hại người và của tăng lên

Trong số 24 người thiệt mạng có đến 16 nạn nhân tại khu vực đám cháy Eaton hoành hành, biến Eaton thành một trong những đám cháy chết chóc nhất trong lịch sử California. 16 người khác vẫn đang nằm trong danh sách báo cáo mất tích tại khu vực hai đám cháy lớn nhất, theo thông tin từ cảnh sát trưởng hạt Los Angeles Robert Luna.

Báo New York Times dẫn lời các quan chức địa phương cho biết số người thương vong và mất tích dự kiến còn tăng trong những ngày tới. Cũng tính đến ngày 12-1, các đám cháy đã thiêu rụi một khu vực rộng hơn 16.000ha ở Los Angeles, nhấn chìm hơn 12.000 nhà ở, công trình công cộng, ô tô trong biển lửa.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020