MVN&GAS&HTG&HVN&ACV&DCM&PVT&TVN&DBC&PHS:
Tính đến hiện tại, đã có hơn 12 doanh nghiệp công bố ước tình hình kinh doanh của cả năm 2024.
VIMC, GAS và Dệt may Hoà Thọ lãi kỷ lục
Trong đó, đạt kết quả kỷ lục có VIMC (mã chứng khoán MVN, tên cũ Vinalines - doanh nghiệp đầu ngành hàng hải) và Tổng Công ty khí Việt Nam (PV Gas).
Cụ thể, VIMC báo cáo doanh thu 24.813 tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch, lợi nhuận hợp nhất đạt 3.510 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2023.
Còn PV GAS thì đạt doanh thu gần 130.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 13.000 tỷ, vượt 82% kế hoạch qua đó đóng góp 25% tỷ trọng lợi nhuận toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Dệt may Hòa Thọ (mã chứng khoán HTG) cũng đạt kỷ lục với doanh thu 4.950 tỷ đồng, vượt kế hoạch 10%. Khấu trừ chi phí, HTG đạt lợi nhuận 336 tỷ đồng - mức cao nhất lịch sử.
Vietnam Airlines “ngắt” được mạch thua lỗ, đạt lãi 6.264 tỷ trong năm 2024
Với cụm thi đua 3 gồm 5 tổng công ty: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Tổng công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã có ước lợi nhuận cả năm 2024 tương tối tích cực.
Trong đó, nổi trội là Vietnam Airlines (mã chứng khoán: HVN) đứng đầu với doanh thu 113.577 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước thực hiện 6.264 tỷ đồng, vượt lần lượt 7% và 38,5% kế hoạch năm. Như vậy, Vietnam Airlines đã chính thức chấm dứt chuỗi 4 năm liên tiếp lỗ với mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục.
Cuối tháng 11, Quốc hội đồng ý thông qua các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 và cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với quy mô tối đa 22.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã chứng khoán ACV, chủ đầu tư dự án thành phần 3 sân bay Long Thành ) ghi nhận doanh thu 21.639 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9.980 tỷ đồng, vượt kế hoạch 6% dù quý 4 được nhận định có thể lỗ hơn 500 tỷ đồng do chi phí tăng cao.
Thông tin đáng chú ý, năm 2024, ACV đã ký kết hợp đồng với Liên danh Incheon Airport để cung cấp dịch vụ “Tư vấn quản lý, khai thác Cảng HKQT Long Thành”. ACV cùng các đơn vị quyết tâm phấn đấu đưa công trình về đích vào đúng dịp 30/4/2025 (rút ngắn 2 tháng so với hợp đồng).
DCM, PVT, TVN… hoàn thành chỉ tiêu cả năm với lợi nhuận hàng ngàn tỷ
Về đích kế hoạch có Công ty Đạm Cà Mau (mã chứng khoán DCM) vừa có tổng kết năm với doanh thu hợp nhất 13.661 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.270 tỷ đồng, hoàn thành chỉ tiêu được giao phó.
Công ty PVTrans (mã chứng khoán PVT) đạt doanh thu 12.000 tỷ đồng, tăng 26%; lợi nhuận trước thuế 1.800 tỷ, vượt kế hoạch 136%.
Đáng chú ý, VNSteel (mã chứng khoán TVN) hoàn thành năm ngoạn mục với mức lãi hàng trăm tỷ đồng, “ngắt” được mạch thua lỗ 2 năm liên tiếp. Cụ thể, TVN ghi nhận doanh thu 33.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 230 tỷ đồng, vượt 91,7% kế hoạch (năm ngoái Công ty vẫn còn lỗ cả trăm tỷ). Sự tăng trưởng mạnh mẽ từ thép cán nguội và tôn mạ giúp bù đắp những khó khăn từ thị trường thép xây dựng.
Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã chứng khoán DBC) ước lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 857 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm trước đó. DBC đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 30% năm 2025, với sự đột phá từ dự án vắc xin dịch tả lợn châu Phi.
Vẫn còn nhiều bên thua lỗ
Ở chiều ngược lại, ngành xi măng tiếp tục gặp khó khi Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) lỗ năm thứ hai liên tiếp khi lợi nhuận hợp nhất 2024 âm 1.400 tỷ đồng, thông tin này được nêu trong dự thảo báo cáo tổng kết năm 2024 của Bộ Xây dựng.
Vicem là doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng, có tuổi đời 45 năm. Vicem quản lý 10 nhà máy trên cả nước với 16 dây chuyền sản xuất, công suất 20 triệu tấn clinker và 27 triệu tấn xi măng mỗi năm. Hệ sinh thái nổi tiếng với các thương hiệu xi măng Hà Tiên, Hải Phòng, Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Bút Sơn, Hoàng Mai...
Đây cũng là đơn vị duy nhất trong số 6 doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng kinh doanh thua lỗ trong năm 2024. Cụ thể, lợi nhuận công ty mẹ của Vicem âm 236,8 tỷ đồng và lỗ hợp nhất 1.400 tỷ do thị trường kém khả quan. Dù vậy, kết quả này vẫn lần lượt thấp hơn kế hoạch của Vicem 59,6 tỷ và 177,5 tỷ đồng.
CTCP Chứng khoán Phú Hưng (mã chứng khoán PHS) dự báo doanh thu giảm 12%, lỗ sau thuế gần 11 tỷ đồng. Đây là công ty chứng khoán đầu tiên công bố kết quả không khả quan trong năm 2024.