Trong 7 tháng qua, nhà đầu tư đã rút ròng 11 tỷ USD từ quỹ định lượng Renaissance Technologies. Không hài lòng với tỷ suất sinh lời thấp, khách hàng hiện đã lấy lại tiền hoặc yêu cầu rút hơn 1/4 số vốn mà Renaissance quản lý trong các quỹ phòng hộ từ nguồn tiền bên ngoài. Theo nguồn tin thân cận, công ty hiện chủ yếu quản lý vốn nội bộ.
Việc các nhà đầu tư ồ ạt rút tiền đánh dấu một bước lùi với huyền thoại đầu tư Jim Simons. Ông là nhà toán học và coder quân sự. Ông đã sáng lập ra quỹ Renaissance và đưa nó trở thành một trong những công ty quản lý quỹ phòng hộ thành công nhất trong ngành.
Dòng vốn bị rút ra khỏi 3 quỹ của Renaissance từ tháng 12/2020.
Công ty này hiện đang nhận được rất nhiều sự chú ý trước một nghịch lý: Khách hàng chịu lỗ nặng, trong khi những người trong công ty lại thu về những khoản lời lớn và chính Simons cũng kiếm được hàng tỷ USD chỉ trong năm ngoái.
Từ tháng 12 đến tháng 2, các khách hàng đã rút hoặc yêu cầu rút khoảng 5 tỷ USD từ quỹ, theo Bloomberg. Các tài liệu khác cho thấy, tháng 6 Renaissance tiếp tục bị rút thêm 6 tỷ USD. Trong khi tỷ lệ rút vốn đạt mức kỷ lục trong tháng 4 thì tốc độ trong tháng 5 và tháng 6 đã chậm lại.
Renaissance - một trong những quỹ định lượng lớn nhất thế giới, chia hoạt động làm 2 phần: quỹ phòng hộ công khai - thay mặt đầu tư cho khách hàng và các tổ chức bên ngoài, cùng "con gà đẻ trứng vàng" là Medallion Fund - chỉ dành cho nhân sự công ty.
Hoạt động đầu tư được "tách đôi" vào năm 2005, khi Simons loại bỏ nhóm nhà đầu tư bên ngoài cuối cùng. Ông nhận thấy quỹ chỉ có thể xử lý một lượng vốn hạn chế trước khi lợi nhuận bắt đầu bị ảnh hưởng.
Theo đó, công ty đã cho ra mắt quỹ Institutional Equities (RIEF) dành cho nhà đầu tư bên ngoài đang tìm cách tiếp cận mô hình đầu tư bằng máy tính độc quyền. Institutional Diversified Global Equities (RIDGE) và các quỹ Institutional Diversified Alpha (RIDA) được công bố sau đó.
Nhà đầu tư rút hàng tỷ USD từ 3 quỹ của Renaissance.
Gần đây, không có quỹ nào dành cho nhà đầu tư bên ngoài nào thu về lợi nhuận. Cả 3 quỹ đều ghi nhận thành quả kinh doanh tồi tệ nhất từ trước đến nay vào năm 2020 và tiếp tục thua lỗ trong quý I năm nay. Dù đã cải thiện sau tháng 3, nhưng tỷ suất sinh lời vẫn tụt hậu so với thị trường trong tháng 5 tháng đầu năm 2021.
Hứng chịu cảnh thua lỗ trong khi thị trường tăng vọt, nhà đầu tư đã rút ròng 10,1 tỷ USD trong 3 quỹ trên từ 1/12 đến 30/4. Theo tài liệu được tổng hợp bởi Bloomberg, trong tháng 5, nhà đầu tư yêu cầu rút thêm 700 triệu USD và sẽ nhận lại thêm 400 triệu USD trong tháng này. Những con số này có thể sẽ được "bù đắp" nhờ dòng vốn trong tháng 6 hoặc trong trường hợp nhà đầu tư hủy yêu cầu rút vốn.
Phần lớn, nhà đầu tư rút tiền từ RIEF, khi quỹ này chứng kiến giá trị tài sản giảm hơn 25% kể từ tháng 6/2020. Trong khi đó, RIDA và RIDGE hiện là "bóng đen" của Renaissance, khi giá trị tài sản giảm 50% và 43% trong cùng thời gian.
Yêu cầu rút vốn từ nhà đầu tư cũng phản ánh tình trạng chung của các quỹ định lượng. Dữ liệu từ EurekaHedge cho thấy, tài sản trong các quỹ này đã giảm hơn 170 tỷ USD từ mức đỉnh năm 2017.
Trong trường hợp của Renaissance, sự sụt giảm này cho thấy rằng các mô hình máy tính không phù hợp với tình trạng đại dịch kéo dài và những động thái chưa từng có về chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương.
Troy Gayeski - đồng CFO của SkyBridgeCapital, cho biết: "Đây là một môi trường khó khăn dành cho các quỹ định lượng tập trung vào cổ phiếu trong thời gian gần đây. Bản chất phức tạp của các quỹ này khiến nhà đầu tư khó có thể hiểu tại sao nhà quản lý quỹ lại thua lỗ hoặc đang kiếm tiền như thế nào."
Tham khảo Bloomberg
Lục Lam
Theo Nhịp sống kinh tế