Trong phiên họp toàn thể hàng tuần của chính phủ Campuchia dưới sự chủ trì của Thủ tướng Hun Sen hôm 4/2 vừa qua, các Bộ trưởng nước này vừa thông qua dự thảo luật về biện pháp bảo vệ thực vật và kiểm dịch động thực vật.
Người phát ngôn của Chính phủ Campuchia cho biết dự thảo luật vừa được các bộ trưởng thông qua được xây dựng dựa trên các các chính sách và chiến lược của Chính phủ Hoàng gia, phù hợp với cơ sở pháp lý liên quan có hiệu lực của Campuchia, cũng như các hiệp định và công ước khu vực, quốc tế về bảo vệ thực vật và kiểm dịch động thực vật.
Theo VOV, mục tiêu của dự thảo luật vừa được các bộ trưởng thông qua là để ứng phó với xu hướng phát triển của ngành nông nghiệp trong khuôn khổ an ninh lương thực, nâng cao chất lượng nông sản, tăng cường xuất khẩu nông sản và phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh hội nhập kinh tế toàn cầu.
Theo đó, dự thảo luật nêu các quy định chi tiết về quan lý an toàn thực vật, các biện pháp bảo vệ thực vật, kiểm dịch động thực vật, bảo vệ tài nguyên thực vạt, ngăn ngừa sinh vật gây hại lây lan, nâng cao năng suất nông nghiệp, an ninh lương thực, vệ sinh, chất lượng và an toàn nông sản, kiểm dịch các sản phẩm thực vật và hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại.
VOV cho biết dự thảo luật về biện pháp bảo vệ thực vật và kiểm dịch động thực vật này được coi là một trong những nỗ lực trong chính sách phát triển nông nghiệp của Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhằm đưa nước này trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu khu vực.
Ảnh: Khmer Times
Năm 2021 rực rỡ của nông nghiệp Campuchia
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia, trong năm 2021, nước này đã xuất khẩu 7,98 triệu tấn nông sản, tăng 63,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Veng Sakhon cho biết tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Campuchia đạt gần 5 tỷ USD trong năm 2021.
Các sản phẩm nông nghiệp của Campuchia đã được xuất khẩu tới 68 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với các mặt hàng chủ đạo là gạo, cao su, sắn, xoài, chuối, tiêu, ngô, v.v...
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá, Thịt và Rau củ An toàn của Campuchia, Sok Yorn, trả lời tờ Phnom Penh Post rằng hoạt động trồng rau củ và trái cây của nước này đã tăng trưởng liên tục trong 2-3 năm qua.
Việc tăng trưởng các hoạt động nông nghiệp là điều tích cực đối với ngành này - vì nó không chỉ tạo ra việc làm cho người dân mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế xã hội, chẳng hạn như giảm nhập khẩu, tăng cường sản xuất mặt hàng nông nghiệp nội địa chất lượng cao.
Tuy nhiên, ông Sok Yorn cho biết phần lớn nông sản Campuchia vẫn chưa đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng và kiểm dịch thực vật để xuất khẩu, do đó ông kêu gọi nhà nông và các quan chức nông nghiệp cần chú ý hơn nữa để giải quyết vấn đề này.
Theo ông Sok Yorn, ngành nông nghiệp Campuchia cũng cần củng cố các quy định về nhập khẩu để khuyến khích sản xuất trong nước và bình ổn giá.
Về phía Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp, Bộ trưởng Sakhon cho biết Bộ đang triển khai hàng loạt chính sách nhằm hỗ trợ và thúc đẩy canh tác, sản xuất nông sản, và đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Ảnh: Khmer Times
Nông sản Campuchia: Việt Nam là khách hàng lớn nhất
Thương vụ Campuchia tại Việt Nam xác nhận, trong năm 2021, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về nhập khẩu nông sản của Campuchia - đóng góp hơn 3,5 tỷ USD cho tổng giá trị xuất khẩu gần 5 tỷ USD của Campuchia và tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Nhiều mặt hàng nông sản của Campuchia đã tăng sản lượng xuất khẩu sang Việt Nam, thậm chí tăng đột biến. Chẳng hạn, sản lượng xuất khẩu thóc của Campuchia sang Việt Nam năm 2021 đạt 3,5 triệu tấn, tăng 61% so với năm 2020. 99% sản lượng hạt điều của Campuchia được xuất khẩu sang Việt Nam tương đương gần 1 triệu tấn, tăng 4,6 lần so với cùng kỳ 2020.
Theo Sputnik, các loại nông sản khác của Campuchia như hạt điều, sắn tươi, bắp, đậu xanh, đậu tương, hồ tiêu, trái cây (bưởi, chuối, xoài) cũng tăng sản lượng xuất khẩu sang Việt Nam, tỷ trọng tăng từ 9% đến 400% so với cùng kỳ năm 2020.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng xác nhận Campuchia là thị trường lớn thứ 2 (chỉ sau Mỹ) xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản cho Việt Nam. Trong 11 tháng của năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 3,3 tỷ USD nông sản Campuchia, với hạt điều là mặt hàng chiếm giá trị cao nhất./.
https://soha.vn/thoi-toi-can-khong-kip-sau-nam-2021-ruc-ro-lang-gieng-viet-nam-huong-toi-muc-tieu-khung-2022020612142024.htmTheo Hồng Anh
Doanh nghiệp và tiếp thị