Chuyên mục  


Điểm yếu nguồn cung năng lượng Mỹ và châu Âu

Ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022, Mỹ đã cấm mọi hoạt động nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và than đá từ Nga. Nhưng không phải tất cả các nguồn cung năng lượng đều nằm trong lệnh trừng phạt của Mỹ và các đồng minh châu Âu.

Ngược lại, các cường quốc phương Tây còn cẩn thận không làm gián đoạn dòng chảy nguyên liệu từ tập đoàn hạt nhân khổng lồ Rosatom và công ty con Tenex của Nga.

Điều đó phơi bày những yếu điểm trong nguồn cung cấp năng lượng của Mỹ và châu Âu, đặc biệt là trong lĩnh vực hạt nhân. Hơn 1/5 nhiên liệu uranium làm giàu để cung cấp năng lượng cho lò phản ứng hạt nhân của cả Mỹ và châu Âu đều đến từ Nga.

Nguồn cung uranium vốn bị ảnh hưởng sau thảm hoạ Fukushima tại Nhật Bản năm 2011 và nhiều năm bị bỏ bê. Từ đó, Mỹ và châu Âu dần phụ thuộc vào Nga. Và uranium có hàm lượng cao, độ làm giàu thấp (HALEU) là một ví dụ điển hình.

HALEU là một vật liệu quan trọng cần thiết để phát triển và triển khai các lò phản ứng tiên tiến, đáp ứng nhu cầu năng lượng. Hiện tại, trên thế giới chỉ có công ty Tenex của Nga độc quyền bán thương mại HALEU . Điều này đặt ra nhiều thách thức về nguồn cung.

Kể từ năm 2022, các công ty Mỹ đã tranh thủ dự trữ nhiên liệu hạt nhân trong trường hợp nguồn cung cấp của Nga bị gián đoạn. Cùng lúc đó, Washington chi hàng tỷ USD để xây dựng lại chuỗi cung ứng hạt nhân của mình.

Đến ngày 13/5/2024, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp cấm nhập khẩu uranium từ Nga. Nội dung đạo luật nêu rõ sau 90 ngày kể từ khi được ban hành, các sản phẩm uranium làm giàu thấp (LEU) chưa qua chiếu xạ sản xuất ở Nga hoặc do các công ty Nga sản xuất không được phép nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Tổng thống Biden cho rằng lệnh cấm là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ và giảm sự phụ thuộc vào Nga đối với các nguồn năng lượng quan trọng.

Nhưng liệu các công ty Mỹ có kịp thời tìm được nguồn cung uranium thay thế, trước nguy cơ 93 lò phản ứng hạt nhân của nước này sẽ bị gián đoạn do thiếu nhiên liệu?

Bước tiến mới của Mỹ

Trong bối cảnh đó, ngành năng lượng hạt nhân của Mỹ đã có một bước tiến khi công ty TerraPower do Bill Gates hậu thuẫn đã tìm được cách đảm bảo nguồn cung cấp ổn định HALEU.

TerraPower sẽ bắt tay với công ty ASP Isotopes để xây dựng một cơ sở làm giàu HALEU tại Nam Phi. Cùng với đó, công ty sẽ tận dụng công nghệ làm giàu dựa trên laser tiên tiến của ASP Isotopes.

image15-1730764504234-17307645043282065670423.png

Cơ sở này dự kiến sẽ hỗ trợ dự án lò phản ứng Natrium hàng đầu của TerraPower tại tiểu bang Wyoming của Mỹ. Đây sẽ là dự án đầu tiên trên thế giới chuyển đổi năng lượng từ than sang hạt nhân. Dự án 4 tỷ USD này sẽ chứng minh tiềm năng của năng lượng hạt nhân thế hệ tiếp theo.

CEO Chris Levesque của TerraPower bày tỏ sự tin tưởng vào năng lực và tiến độ của ASP Isotopes: “TerraPower đã nỗ lực làm việc để đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng HALEU, đảm bảo an toàn cho các lò phản ứng Natrium”.

Ngoài việc đáp ứng nhu cầu trước mắt của TerraPower, thỏa thuận này còn góp phần vào mục tiêu sâu xa hơn của TerraPower là đảm bảo nguồn cung HALEU trong nước và giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nước ngoài.

Bản thân lò phản ứng Natrium là lò phản ứng nhanh, làm mát bằng natri, với công suất 345 Mwe. Lò này bao gồm hệ thống lưu trữ năng lượng dựa trên muối nóng chảy có khả năng tăng sản lượng lên 500 MWe trong hơn 5 giờ, bổ sung đáng kể cho các nguồn năng lượng tái tạo.

Theo TerraPower, các hoạt động xây dựng đã được tiến hành vào mùa hè này, trở thành dự án lò phản ứng tiên tiến đầu tiên chuyển từ thiết kế sang xây dựng. Dự án lò Natrium được kỳ vọng sẽ cung cấp giải pháp năng lượng bền vững đồng thời giúp Mỹ đạt được các mục tiêu về khí hậu.

ASP Isotopes chuyên về công nghệ làm giàu dựa trên laser tiên tiến. Công ty có tiềm năng cung cấp phương pháp làm giàu uranium hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn so với các phương pháp truyền thống.

Theo FT, Wonderful Engineering

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020