Nông dân Gia Lai xay xát cà phê nhân để bán cho các đại lý trong niên vụ 2023-2024 - Ảnh: TẤN LỰC
Ngày 4-11, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai và Công ty cổ phần Giao dịch hàng hóa Sài Gòn Invest tổ chức hội thảo "Phòng ngừa rủi ro giá cà phê và các phương thức giao dịch mua bán cà phê trên sàn giao dịch hàng hóa".
Giá cà phê Việt Nam phụ thuộc sàn London
Tại hội nghị, ông Đoàn Ngọc Có - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai - cho hay tỉnh này có 105.000ha cà phê. Giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt gần 500 triệu USD và năm 2024 tính tới thời điểm này đã vượt 650 triệu USD.
Gia Lai đang định hướng phát triển cà phê đặc sản và tuân thủ các quy định chống phá rừng của EU để tạo điều kiện xuất khẩu thuận lợi đi các thị trường.
Ông Có đánh giá sàn giao dịch hàng hóa là hướng đi tốt phát triển ngành hàng cà phê, đem lại lợi ích cho nông dân, hợp tác xã và các bên tham gia ngành hàng cà phê.
Trên thực tế, giá cà phê thường biến động thất thường bởi nhiều yếu tố như thời tiết, cung cầu, chính sách… khiến người trồng gặp khó khăn trong dự đoán giá cả và lên kế hoạch sản xuất, dẫn tới bấp bênh về thu nhập.
Theo Công ty cổ phần Giao dịch hàng hóa Sài Gòn Invest, từ lâu các nước sản xuất cà phê hàng đầu đều đã đưa cà phê lên sàn giao dịch như Brazil, Colombia, Indonesia, Ethiopia…
Việt Nam là nước có sản lượng cà phê Robusta lớn nhất thế giới nhưng cà phê lại do doanh nghiệp nước ngoài đưa lên sàn giao dịch ICE của London và một số sàn châu Á. Do chưa có sàn giao dịch riêng nên giá cà phê Việt Nam hiện vẫn do doanh nghiệp nước ngoài quyết định.
Ông Trần Văn Bình - tổng giám đốc Công ty cổ phần Giao dịch hàng hóa Sài Gòn Invest - nói với vị thế nước xuất khẩu hàng đầu, Việt Nam cần thành lập sàn giao dịch cà phê để làm giá tham chiếu cho cà phê thế giới và tự chủ về giá để phát triển thị trường xuất khẩu, không để doanh nghiệp nước ngoài thao túng giá cà phê như lâu nay.
Việc lập sàn giao dịch sẽ minh bạch giá cả, giúp nông dân tiếp cận thông tin thị trường, tối ưu hóa lợi nhuận. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch cà phê đặc sản, nâng cao giá trị sản phẩm và thu hút nhà đầu tư trong ngoài nước.
Ông Bình cho rằng việc đưa cà phê lên sàn sẽ giải quyết được câu chuyện mua bán non, ép giá, bỏ cọc, bùng nợ... như thời gian qua.
Khắc phục các bất ổn trong giao dịch cà phê
Đại diện doanh nghiệp trong ngành, ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm - giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Classic (Gia Lai) - cho hay hiện ngành cà phê đang đối diện rủi ro khi mua xa, bán xa do biến động giá, nhất là với diễn biến bất ngờ của giá cà phê 2 năm qua.
Việc giao dịch cà phê qua sàn có thể khắc phục được tình trạng này, đảm bảo các giao dịch tương lai diễn ra như cam kết, đảm bảo an toàn nguồn cung cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Tuy nhiên để sàn giao dịch thành công phải hấp dẫn người dân và doanh nghiệp tham gia, phải đảm bảo an toàn giao dịch và chất lượng hàng hóa cho các bên.
Công nhân đóng bao cà phê nhân tại kho hàng của một doanh nghiệp thu mua cà phê tại Ia Grai, Gia Lai - Ảnh: TẤN LỰC
Trong khi đó, bà Đào Thị Thu Nguyệt - phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai - nhìn nhận khi có sàn giao dịch cà phê, bà con sẽ an tâm sản xuất, không chịu thiệt vì chênh lệch giá thế giới và nội địa. Từ đó làm chuyên nghiệp ngành sản xuất, xuất khẩu cà phê.
Nhưng để đưa cà phê lên sàn, theo bà Nguyệt, cần giám sát chặt chẽ chất lượng từ khâu sản xuất đến chế biến và xuất khẩu.
Thay đổi nếp nghĩ, nếp làm của nông dân
Là người lâu năm hoạt động trong ngành nông nghiệp, ông Đỗ Thanh Năm - chủ tịch Công ty Nông sản Naracuqua - chia sẻ rằng để nâng cao chất lượng và giá trị thương hiệu cho hàng nông sản, cần phải thay đổi nếp nghĩ, nếp làm của nông dân.
Ông Năm nói từng hợp tác với một doanh nghiệp tại Mang Yang (Gia Lai) để hỗ trợ phân, giống cho nông dân trồng rau, quả sạch. Dù vậy, gần đến ngày thu hoạch giá thị trường cao hơn giá bao tiêu nên nông dân... phun thuốc trừ sâu để không đạt tiêu chuẩn thu mua nhằm bán ra bên ngoài thu lợi.
Ở hướng ngược lại là câu chuyện thương lái bỏ cọc hàng loạt dẫn tới khủng hoảng giá cam sành Vĩnh Long mới đây.
Dẫn chứng hai câu chuyện trên, ông Năm nhắn nhủ nông dân - doanh nghiệp phải giữ chữ tín, tôn trọng đối tác mới mong làm ăn bền vững, lâu dài.