Theo thống kê của chúng tôi, tính đến hết 31/7 tất cả cả các doanh nghiệp trong nhóm VN30 công bố BCTC.
Trong số này, có đến 28 cái tên báo lợi nhuận tăng, trong đó có 22 công ty có mức tăng 10% trở lên và 16 trong đó có mức tăng trên 20%.
Tổng lợi nhuận trước thuế của cả nhóm đạt gần 107.300 tỷ đồng, tăng 18.300 (21%) so với cùng kỳ. Nhóm ngân hàng với 13 đại diện đạt tổng lợi nhuận 65.600 tỷ, tăng thấp trưởng thấp hơn một chút so với mức bình quân của cả nhóm, đạt 19%.
Tuy vậy thì lũy kế 6 tháng tổng lợi nhuận trước thuế của cả nhóm chỉ tăng 7%, lên hơn 196.000 tỷ đồng. Trong đó các ngân hàng tăng trưởng 14% còn 17 doanh nghiệp khác có tổng lãi giảm 4%, chủ yếu là do lợi nhuận của Vinhomes ở mức rất thấp trong quý 1.
Vinhomes (VHM) là doanh nghiệp lãi lớn nhất trong nhóm VN30. Cụ thể, trong quý 2/2024, doanh nghiệp này đạt hơn 28.200 tỷ đồng doanh thu, lãi trước thuế 12.248 tỷ đồng. Dù lợi nhuận của doanh nghiệp này có giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng đã tăng mạnh so với 2 quý gần đây.
Kết quả của Vinhomes trong quý này cải thiện với hai quý trước đó là nhờ hoạt động kinh doanh bất động sản được cải thiện. Tại thời điểm 30/06/2024, Vinhomes có tổng tài sản và vốn chủ sở hữu đạt 494.461 tỷ đồng và 206.783 tỷ đồng, tăng lần lượt 11,2% và 13,2% so với tại thời điểm đầu năm.
Vietjet là doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận trước thuế mạnh nhất trong quý 2/2024, đạt 635 tỷ đồng, tăng 19.500%. Quý 2/2023, hãng hàng không này chỉ lãi 'vỏn vẹn' 3 tỷ đồng.
Thế Giới Di Động (MWG) là doanh nghiệp tiếp theo ghi nhận lợi nhuận tăng trên 4 chữ số. Trong quý 2/2024, công ty này mang về doanh thu thuần đạt 34.234 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khấu trừ chi phí, MWG lãi trước thuế 1.513 tỷ đồng, 1.516 tỷ đồng, tăng hơn 1.000%. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.172 tỷ đồng, gấp 69 lần (tương đương tăng 6.800%) so với cùng kỳ 2023. Đây là quý thứ 4 liên tiếp doanh nghiệp bán lẻ này tăng trưởng dương so với quý liền trước và cũng là mức lãi ròng cao nhất trong vòng 9 quý trở lại đây.
Tính đến cuối quý 2, số cửa hàng TGDĐ (bao gồm Topzone) đạt 1.046 cửa hàng, giảm tới 24 cửa hàng so với đầu tháng. Tương tự ĐMX cũng ghi nhận thu hẹp về quy mô khi số lượng cửa hàng giảm 87 so với đầu tháng, xuống con số 2.093. Tương tự, số lượng nhà thuốc An Khang cũng giảm mạnh 45 cửa hàng trong tháng 6 xuống con số 481 cửa hàng.
Trong nhóm VN30, còn ba cái tên tăng trưởng trên 100% là Masan Group (MSN), Becamex IDC (BCM) và Hòa Phát (HPG).
Với Becamex IDC, doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh dù doanh thu giảm. Nguyên nhân chính là phần lãi từ công ty liên doanh, liên kết tăng mạnh. Còn Masan Group lãi lớn nhờ sự sự cải thiện của các mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ, sự phục hồi của các hoạt động/mảng không cốt lõi và chi phí tài chính ròng giảm 138 tỷ đồng.
Còn về phía Hòa Phát, doanh nghiệp này báo lợi nhuận tăng đến 120% so với cùng kỳ nhờ việc doanh thu tăng và chi phí tài chính giảm.
Trong VN30, các ngân hàng là nhóm áp đảo về số lượng và vốn hóa. Những tên tuổi lớn như Vietcombank (VCB), BIDV (BID), Vietinbank (CTG), Sacombank (STB), ACB (ACB)... đều báo lãi tăng trưởng. Trong đó, Vietcombank vẫn tiếp tục là ngân hàng lãi lớn nhất, đạt 10.116 tỷ đồng, tăng 9%.
Chỉ có duy nhất VIB (VIB) là ngân hàng duy nhất báo lãi trước thuế giảm 29% còn hơn 2.100 tỷ đồng.