Chuyên mục  


Những đồn đoán trên mạng xã hội về ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, đã ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch ngày 28-3. Một lần nữa, nhóm cổ phiếu liên quan Tập đoàn FLC và ông Trịnh Văn Quyết gồm: FLC, ROS, KLF, AMD, HAI, ART đã bị bán kịch sàn ngay từ khi thị trường mở cửa.

Việc Tập đoàn FLC cuối tuần qua bị Ủy ban Chứng khoán nhà nước xử phạt vi phạm hành chính gần 500 triệu đồng do công bố thông tin không đúng quy định và những thông tin trái chiều về việc ông Trịnh Văn Quyết bị cơ quan điều tra ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh trong thời gian 1 tháng và mời lên làm việc càng khiến thị trường khó khăn.

Tác động tiêu cực từ nhóm cổ phiếu FLC lan khắp thị trường, nhất là các mã vừa và nhỏ có tính đầu cơ cao và nhóm cổ phiếu bất động sản. Chỉ trong 10 phút đầu phiên chiều, VN-Index đã giảm hơn 24 điểm, xuống 1.473,8 điểm.

Nhóm cổ phiếu liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết một lần nữa khiến các nhà đầu tư “đứng ngồi không yên”. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Sau đó, lực cầu bắt đáy xuất hiện khi VN-Index về vùng hỗ trợ đã giúp các cổ phiếu thu hẹp đà giảm. Nhiều nhóm cổ phiếu như phân bón, dầu khí, dệt may, thủy sản, bán lẻ hồi phục và bật tăng mạnh giúp VN-Index chỉ còn giảm 15,32 điểm (-1,02%), chốt phiên ở mức 1.483,18 điểm.

Dù vậy, nhóm cổ phiếu FLC vẫn duy trì tình trạng trắng bên mua từ đầu đến hết phiên tương tự hồi tháng 1. Tổng lượng dư bán sàn và dư bán tại phiên khớp lệnh đóng cửa (ATC) của nhóm cổ phiếu FLC lên tới hơn 230 triệu đơn vị. Đây là lượng dư bán sàn quy mô lớn, đạt mức kỷ lục của sàn chứng khoán trong suốt 20 năm thị trường đi vào hoạt động. Dù lượng bán mạnh nhưng giao dịch khớp lệnh mỗi mã chỉ đạt vài triệu cổ phiếu.

Trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư cho biết đã cố đặt lệnh bán các cổ phiếu thuộc nhóm FLC từ tối 27-3, sau khi đọc các thông tin trên mạng nhưng đến giờ vẫn chưa khớp lệnh, những người không đặt lệnh kịp đành "cắn răng" nhìn tiền đầu tư của mình "bốc hơi" từ 7%-10% vì trót đầu cơ nhóm này. Một vài nhà đầu tư khác nói gần đây thấy Tập đoàn FLC công bố sẽ đầu tư nhiều dự án lớn nên mới bỏ tiền mua cổ phiếu nhưng không ngờ lại bị "nhốt sàn" nhiều đến vậy.

Ngoài nhóm cổ phiếu liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, nhiều mã cổ phiếu đầu cơ khác cũng giảm kịch sàn đến cuối phiên như DTL, HAR, NBB, LDG, QCG, VPH, VRC, DIG… với áp lực bán rất mạnh. Mã HQC cũng không thoát khỏi giá sàn với lượng dư bán sàn lên tới gần 12,7 triệu cổ phiếu.

Bộ 3 trụ cột gồm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và thép đều trong trạng thái giảm điểm khi sắc đỏ bao phủ gần hết toàn ngành. Trong đó, nhóm ngân hàng có phần tiêu cực hơn khi các mã có biên độ giảm khá sâu như STB giảm 5,35%, BID giảm 4,26%... khiến thị trường không có động lực để phục hồi thêm.

Quan sát diễn biến của thị trường, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Đông Á (DAS), đánh giá mức giảm 15 điểm của VN-Index không phải quá lớn. Bởi chỉ số đã lình xình trong thời gian khá lâu, việc rũ bỏ, tạo đà để tăng tiếp là hết sức bình thường. Theo ông Tuấn, những tin đồn liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết chỉ ảnh hưởng một phần đến đà giảm của thị trường trong phiên này. Ngoài nhóm cổ phiếu trong nhóm FLC thì những mã ngân hàng có dư nợ cho vay liên quan nhóm FLC như: BID, STB, OCB… cũng bị vạ lây.

Trong khi đó, một chuyên gia khác cho rằng đã có hàng loạt minh chứng được phơi bày cùng với những cảnh báo về mức độ rủi ro của nhóm cổ phiếu đầu cơ, trong đó có nhóm FLC sau đợt "nhốt sàn" hồi tháng 1. Tuy nhiên, trong cơn "say" thì tất cả lời khuyên đều trở nên vô nghĩa. Nhiều nhà đầu tư vẫn lao như thiêu thân vào nhóm cổ phiếu nóng với kỳ vọng mức giá "trên trời" dù nội tại doanh nghiệp yếu kém.

Theo chuyên gia này, trong khi cổ phiếu đang đà lao dốc, việc quan trọng nhất là nhà đầu tư phải tỉnh táo, bình tĩnh và phân tích kỹ lưỡng để tìm ra hướng xử lý. Khi có cơ hội, cần thoát khỏi cổ phiếu một cách nhanh nhất và tuyệt đối không nên sử dụng phương pháp bình quân giá vì rất dễ khiến nhà đầu tư rơi vào cảnh lỗ chồng lỗ.

Ông Trịnh Văn Quyết: "Tôi đang bận!"

Ngày 28-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc trên mạng xã hội xôn xao tin đồn liên quan việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, bị áp dụng biện pháp tố tụng để điều tra một số nội dung liên quan hoạt động đầu tư kinh doanh, một lãnh đạo Cơ quan CSĐT Bộ Công an khẳng định thông tin ông Trịnh Văn Quyết bị bắt giam là không chính xác.

Ngoài ra, vị này cho hay đã cử người xác minh, truy tìm thông tin cho rằng Cơ quan CSĐT đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trịnh Văn Quyết. "Tôi không phải là người ký quyết định hoãn xuất nhập cảnh đối với ông Quyết. Hiện tại, tôi đang cử anh em đi kiểm tra xem tại sao lại có thông tin đó" - lãnh đạo Cơ quan CSĐT Bộ Công an thông tin.

Chiều cùng ngày, phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ ông Trịnh Văn Quyết để tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, qua điện thoại, ông Trịnh Văn Quyết chỉ nói ngắn gọn: "Tôi đang rất bận" rồi ngắt máy. Phóng viên tiếp đó đã nhắn tin và gọi điện thoại nhiều lần vào số máy của ông Quyết để tìm hiểu thêm thông tin nhưng chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC vẫn không nghe máy hay phản hồi.

Ng.Hưởng

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020