Ngày 25/3, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho tập đoàn năng lượng Gazprom chấp nhận thanh toán bằng đồng ruble đối với các hợp đồng mua khí đốt của khách hàng châu Âu.
Gazprom hiện còn 4 ngày để tìm cách chuyển đổi các hợp đồng trị giá hàng tỷ USD được thanh toán bằng đồng bạc xanh.
Theo hãng tin Reuters, phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ Tổng thống Putin đã chỉ thị cho Gazprom chấp nhận thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng ruble. Tập đoàn này còn 4 ngày để triển khai hệ thống thanh toán mới.
Trước đó, ngày 23/3, Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ chỉ chấp thuận thanh toán bằng đồng ruble cho các hợp đồng chuyển khí đốt tới “những nước không thân thiện," trong đó có tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), sau khi Moskva phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt chưa từng có từ phương Tây liên quan vấn đề Ukraine.
Ngay sau tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga, đồng ruble - vốn mất giá nghiêm trọng kể từ khi xảy ra xung đột ở Ukraine, đã tăng giá so với đồng USD và đồng euro, trong khi giá khí đốt tăng.
Hiện khí đốt từ Nga chiếm khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ ở châu Âu. Lượng khí đốt nhập khẩu của EU từ Nga trị giá trong khoảng 200-800 triệu euro/ngày. Hợp đồng thanh toán bằng đồng euro chiếm 58% tổng số hợp đồng xuất khẩu khí đốt của Gazprom, trong khi hợp đồng thanh toán bằng đồng USD chiếm 39% và bằng đồng bảng Anh chiếm 3%.
[Nga yêu cầu châu Âu thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng ruble]
Cùng ngày, theo hãng tin Nga RIA, Bộ Noại giao Nga cảnh báo về tình trạng phá sản toàn cầu nếu các quốc gia từ chối thanh toán hợp đồng nhập khẩu khí đốt của Nga bằng đồng ruble. Bộ này cũng nhấn mạnh việc loại Nga khỏi Tổ chức Thương mại thế giới (WTP) sẽ là hành động phản tác dụng.
Ngày 23/3, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo việc cấm vận hoàn toàn dầu khí của Nga sẽ dẫn đến sự sụp đổ các thị trường năng lượng toàn cầu và khiến giá cả leo thang không thể dự đoán.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày 25/3, Anh đã sửa đổi hướng dẫn trừng phạt của nước này nhằm làm rõ rằng các giao dịch liên quan đến vàng đều nằm trong phạm vi lệnh cấm nhằm vào Nga.
Bản tóm tắt hướng dẫn đăng trên trang web của Chính phủ Anh nhấn mạnh văn bản này đã được cập nhật để làm rõ rằng việc cấm cung cấp dịch vụ tài chính cho mục đích dự trữ ngoại hối và quản lý tài sản cũng áp dụng cho các giao dịch liên quan đến vàng./.