Tại hội nghị chuyên đề về mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh (BCG Symposium) trong khuôn khổ năm APEC 2022 được tổ chức tại Thái Lan ngày 20-5, bà Trần Hoàng Phú Xuân, Tổng Giám đốc Công ty CP Kết Nối Thời Trang (Faslink), đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự hội nghị, đã chia sẻ thành công trong hành trình thương mại hóa các loại sợi vải "xanh" và hướng tới sự phát triển bền vững của ngành thời trang Việt Nam.
Làm vải từ sợi cói, tre, sen, cà phê...
Là một trong những doanh nghiệp (DN) đặc biệt yêu thích các loại vải sợi "xanh" và tiên phong đưa ra thị trường nhiều loại vải làm từ sợi sen, cà phê, bạc hà, tre than đá và hàu…, thời gian qua Faslink đã gặt hái một số thành công nhất định và truyền cảm hứng cho những DN khác cùng khai phá lĩnh vực mới này. Hiện tại, Faslink đang có nhiều đối tác sản xuất lớn tại Trung Quốc và Đài Loan và một số khách hàng ở Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan. "Ngoài ra, Faslink còn cung cấp vải cho các nhãn hàng thời trang lớn và cả những hãng mới nổi như: GUMAC, Viettien, Jody, Ninomax, Routine, IVY moda, Tokyolife, Lucas, Pentio, Belluni…" - bà Phú Xuân thông tin.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jeans, cũng cho biết đã sử dụng vải sợi tre, hàu, cà phê… vào một số sản phẩm của công ty nhưng chủ yếu làm theo đơn đặt hàng của đối tác nên số lượng chưa đáng kể. "Quá trình chuyển đổi sang nguyên liệu "xanh" trong ngành dệt may ngày càng rõ nét. Giới trẻ Việt Nam và các nhà thiết kế trong nước cũng dần chuyển sang vải sợi "xanh" - ông Việt nói.
Ông Jurin Laksanawisit, Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan (hàng đầu, thứ 2 từ trái qua) quan tâm chiếc áo Polo làm từ bã cà phê của Faslink tại BCG Symposium. Ảnh: HỒNG NGỌC
Ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, nhìn nhận khách hàng trong nước chưa chú trọng nhiều đến nguyên liệu "xanh" nhưng khách hàng quốc tế, đặc biệt là khách hàng Nhật rất quan tâm. "Một số khách hàng của Thành Công từng yêu cầu sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường, làm bằng sợi tái chế và chúng tôi đã đáp ứng. Trước đó, từ năm 2015, công ty đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh chuyên nghiên cứu, phát triển các dòng sản phẩm thân thiện với môi trường (tái chế từ chai nhựa, mía, bắp, quần áo cũ…), dòng sản phẩm tính năng theo mùa và dòng sản phẩm tiện dụng cho cuộc sống. Từ trung tâm này, Thành Công đã cho ra đời một số sản phẩm vải chống cháy, vải từ bã mía, bắp… và sản xuất hàng may mặc từ các loại vải này" - ông Tùng thông tin.
Theo các DN, nguyên liệu "xanh" trong ngành dệt may tại Việt Nam vẫn đang ở bước dò đường. Bản thân họ đã gặp không ít trở ngại trong quá trình phát triển phân khúc sản phẩm này. Trong đó, khó khăn lớn nhất là giá thành vải làm từ các loại sợi "xanh" còn quá cao so với các nguyên liệu khác, nhà mua hàng phải trả thêm 30%-40%, thậm chí 70%-80% chi phí để mua sản phẩm từ vải sợi "xanh" so với sợi thông thường.
Không đáp ứng được thì không đặt hàng
Sử dụng nguyên liệu "xanh" chỉ là một phần nhỏ trong tiến trình "xanh hóa" ngành công nghiệp dệt may. Ông Trần Như Tùng cho biết cuối tuần này, Vitas sẽ có buổi làm việc về xuất khẩu dệt may sang thị trường Mỹ, trong đó có đề cập xu hướng "xanh hóa". "Xanh hóa là xu hướng bắt buộc các nhà sản xuất tại Việt Nam phải thực hiện nếu muốn phát triển bền vững. Ngày càng có nhiều khách hàng yêu cầu "xanh hóa" từ nguyên liệu, con người và quản trị DN. Gần đây, rất nhiều khách hàng yêu cầu vấn đề này, đặc biệt là khách châu Âu; DN nào không đáp ứng thì họ không đặt hàng" - ông Tùng nêu thực trạng. Theo ông, đầu tư cho "xanh hóa" là cả một quá trình và tốn kém chi phí nên không phải DN nào cũng mặn mà. Tuy nhiên, "xanh hóa" sẽ dần trở thành yêu cầu bắt buộc, DN phải thực hiện nếu muốn tiếp tục nhận đơn hàng. "Đơn cử, Thành Công rất tuân thủ các quy định về môi trường, xả thải, vấn đề xã hội, con người… Gần đây, công ty còn triển khai lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời để tiết kiệm năng lượng. Đây đều là những chương trình nhằm từng bước đẩy mạnh "xanh hóa" - ông Tùng bày tỏ.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng "xanh hóa" ngành dệt may là xu thế toàn cầu, DN bắt buộc phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng xuất khẩu vào các thị trường lớn mà Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do. Dệt may là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, giải quyết việc làm cho khoảng 3 triệu lao động và đang có đà tăng trưởng tốt, với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 39 tỉ USD (tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019); kỳ vọng sẽ hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 43,5 tỉ USD năm 2022, theo kịch bản tích cực nhất mà ngành đề ra.
Theo chuyên gia này, "xanh hóa" ngành dệt may nghĩa là ngành sẽ hoạt động theo hướng sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, giảm chất thải; loại bỏ các chất gây lo ngại và loại trừ phát sinh vi sợi; biến đổi cách thức thiết kế quần áo, bán và sử dụng sao cho có thể giảm thải ra tự nhiên; cải thiện triệt để khả năng tái chế bằng cách thay đổi thiết kế, thu hồi và tái sản xuất; hướng tới sử dụng nguồn nhiên liệu tái tạo. Làm được như vậy sẽ giúp ngành dệt may tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu các ảnh hưởng bất lợi của quá trình sản xuất đến môi trường. "Các DN dệt may đứng trước nhiều áp lực và cả động lực bởi xu hướng phải "xanh hóa" quy trình sản xuất theo yêu cầu của đối tác để giữ được đơn hàng. Hơn 250 nhãn hàng may mặc thời trang trên thế giới đã đưa ra các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử có trách nhiệm với môi trường với các nhà cung cấp. Bên cạnh đó, "xanh hóa" cũng giúp quản lý chặt chẽ hơn tiêu thụ năng lượng điện, nước, khí thải, nước thải, hóa chất, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả và năng lực cạnh tranh. DN tham gia "xanh hóa" và kinh tế tuần hoàn sẽ được nhà nước hỗ trợ thị trường tiêu thụ, cho vay ưu đãi..." - TS Phong cho hay.
Chờ tín hiệu tích cực hơn từ thị trường
Đại diện Vitas cho hay ngoài yếu tố giá, các sản phẩm làm từ nguyên liệu thiên nhiên, tái chế có mặt hạn chế là chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng chưa đa dạng nên chưa đáp ứng được hết các kiểu dáng thời trang.
Về lâu dài, khi nhu cầu gia tăng và công nghệ phát triển, các sản phẩm "xanh" sẽ được sản xuất đại trà với chi phí thấp hơn, DN sẽ thuận lợi hơn. "Quan trọng nhất vẫn là đầu ra. Nếu sản phẩm có thị trường tiêu thụ tốt, đầu ra mạnh thì DN sẽ chủ động đầu tư nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu và sản phẩm may mặc thân thiện với môi trường nhiều hơn. Còn hiện tại, nhu cầu thị trường chưa lớn nên trong nước chưa có nhiều DN đi theo hướng này" - ông Trần Như Tùng giải thích.