Sau khi thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng giá kỷ lục trong những tuần gần đây, cảnh sát tỉnh Giang Tây đã tăng tải đoạn video về một tài xế đỗ xe nhiều giờ trên làn khẩn cấp trên đường cao tốc. Người này giải thích anh ta không nghe thấy lời cảnh báo của các tài xế khác vì… bận giao dịch cổ phiếu.
Tài xế này không phải người duy nhất “chơi với lửa”. Hàng triệu người Trung Quốc khác cũng “dán mắt” vào tài khoản môi giới trong vài ngày qua trong những ngày giao dịch đầy biến động.
Các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã đổ xô vào đợt tăng giá chóng mặt của thị trường đại lục vào cuối tháng 9, sau khi NHTW Trung Quốc công bố các biện pháp kích thích thị trường chứng khoán và bất động sản. CSI 300 tăng 24% trong 5 ngày giao dịch, sau đó tăng 11% sau 1 tuần nghỉ lễ.
Nhưng chỉ trong vòng vài giờ, sau khi Bắc Kinh công bố một đợt kích thích khác không đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư, đợt tăng giá kỷ lục trở thành phiên giảm mạnh nhất trong hơn 4 năm.
Sự bùng nổ đột ngột của thị trường đánh dấu sự trở lại của nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Trung Quốc, sau khi nhiều trong số đó đã rời khỏi thị trường vì diễn biến ảm đạm.
Diễn biến của CSI 300 từ Q1/2022 đến Q4/2024.
Những biến động mạnh của thị trường cũng thể hiện rõ rủi ro của cuộc “chay đua” quay lại thị trường chứng khoán đầy biến động của Trung Quốc. Một số người còn sử dụng cụm từ “ge jiucai” (tỏi tây cắt nhỏ) để nói về những nhà đầu tư “đu đỉnh” rồi phải nhanh chóng cắt lỗ.
Mou, nhà đầu tư nhỏ lẻ có kinh nghiệm 20 năm đến từ Côn Minh, cho biết: “Nếu nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm đang cố kiếm tiền thì chắc chắn họ sẽ chịu lỗ.”
Tuy nhiên, nhà đầu tư đổ xô đầu tư chứng khoán là xu hướng rất rõ ràng. Khối lượng giao dịch nhỏ lẻ tăng vọt sau khi có thông báo về gói kích thích vào ngày 24/9, với gần 3 nghìn tỷ NDT (424 tỷ USD) được mua vào chỉ riêng trong ngày 8/10, theo hãng cung cấp dữ liệu Wind. Theo công cụ theo dõi tâm lý của Goldman Sachs, số lượng nhà đầu tư giao dịch ký quỹ mới (cần vốn hơn 500.000 NDT) đã tăng 30.000 trong 6 ngày giao dịch.
Các nhà môi giới cho biết, ở thời điểm đó, họ làm việc hết công suất để ký hợp đồng với rất nhiều khách hàng mới. Một nhân viên quản lý tài khoản tại Thượng Hải cho biết: “Khách hàng còn liên hệ với tôi vào lúc 2h sáng để mở tài khoản. Điện thoại ở văn phòng reo lên ngay khi vừa đặt xuống.”
Khoảng 200 triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ Trung Quốc từ lâu đã “nắm quyền kiểm soát” một phần với thị trường chứng khoán nước này. Theo tính toán của Huaxi Securities, các nhà đầu tư thông qua công ty môi giới hoặc tài khoản đầu tư, nắm giữ 55% lượng cổ phiếu lưu hành tự do của Trung Quốc (được gọi là cổ phiếu A) vào cuối quý II. Con số này chưa bao gồm những người nắm giữ thông qua quỹ tương hỗ.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc không đổ phần lớn tài sản vào cổ phiếu mà ưa chuộng bất động sản, trái phiếu và MMF hơn.
Các chuyên gia trong ngành cho biết việc thúc đẩy nhà đầu tư “gắn bó” hơn với thị trường chứng khoán có thể thay đổi bối cảnh đầu tư.
Beeneet Kothari, giám đốc điều hành quỹ phòng hộ Tekne Capital, cho biết: “Khoảng 12 nghìn tỷ USD tiền gửi hộ gia đình đang ‘mắc kẹ’ trong các quỹ MMF có lợi suất thấp. Việc Trung Quốc cải cách thị trường vốn và tái cấu trúc ngành bất động sản sẽ giúp giải phóng nguồn tiền này. Tổng lượng vốn đổ vào thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ chiếm hơn 350% tổng vốn hoá thị trường của cổ phiếu A.”
Song, nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại diễn biến năm 2015 sẽ lặp lại. Khi đó, Shanghai Index đạt đỉnh vào tháng 6 và giảm gần 40% trong 1 tháng. Cả đợt tăng giá và sụp đổ này đều bị ảnh hưởng bởi các thông báo về chính sách.
Một nhà quản lý quỹ đầu tư tư nhân tại hàng Châu cho biết anh đã tận dụng “tín hiệu tăng giá” từ cuộc họp báo của PBOC vào tháng 9, nhưng lại cắt giảm vị thế vào cổ phiếu từ gần 100% xuống còn 40% khi các chính sách thúc đẩy chi tiêu tài chính không đáp ứng kỳ vọng thị trường.
Một nhân viên ngân hàng ở tỉnh An Huy thì cho rằng các biện pháp kích thích mới không mang lại lợi ích lâu dài. Người này cho biết, cuối cùng, chỉ các nhà đầu tư nhỏ lẻ phải chịu thiệt.
Tham khảo FT