Những hình ảnh đầu tiên về cửa hàng TopZone của Thế Giới Di Động cuối cùng cũng được tìm thấy. Cửa hàng này đang được thi công ở một góc đường nhộn nhịp tại TP.HCM. Điều này xóa tan giả thuyết về việc chuỗi TopZone được mở ở nước ngoài.
Dù vậy, do cửa hàng được trùm kín mít toàn bộ, những người quan tâm vẫn chưa thể dự đoán chính xác ngành nghề kinh doanh của TopZone là gì. Nhưng việc đặt cửa hàng này cạnh bên Thế Giới Di Động là dữ kiện cho thấy rất có thể hai chuỗi có liên quan với nhau, như cách nhà thuốc An Khang thường chung vách với Bách hóa Xanh.
Hiện có 8 đáp án được đưa ra về ngành nghề kinh doanh của TopZone: chuỗi ở nước ngoài, chuỗi bán hàng công nghệ cao cấp, chuỗi cửa hàng thời trang, chuỗi brandshop của Samsung hoặc của Oppo…
Sau khi đáp án mở chuỗi nước ngoài bị loại bỏ, các lựa chọn còn lại đang được đưa ra mổ xẻ. Hai đáp án sau cùng, TopZone là cửa hàng brandshop của Samsung hoặc của Oppo, được lược bỏ nhanh nhất. Vì logo đầy màu sắc của TopZone cho thấy cửa hàng này sẽ bán hàng hoá đa dạng chứ không phải của một thương hiệu cụ thể nào. Thêm vào đó, màu đen chủ đạo của cửa hàng đang thi công không gắn với màu thường được Samsung hay Oppo sử dụng. Chưa kể, bản thân chỉ một thương hiệu Samsung hay Oppo khó có thể thu hút số đông khách hàng như câu slogan của TopZone: "Nơi bạn muốn dừng chân".
Thực tế, hiện nay chỉ còn hai đáp án khả dĩ nhất về TopZone: kinh doanh hàng công nghệ cao cấp hoặc bán quần áo thời trang.
Nhiều người thiên về khả năng TopZone là một chuỗi bán hàng công nghệ cao cấp, thể hiện rõ nét nhất ở nền đen chủ đạo trong thiết kế của cửa hàng. Cửa hàng này lại đặt sát cạnh bên Thế Giới Di Động như thế, rõ ràng phải có liên quan tới yếu tố công nghệ. Với kinh nghiệm sẵn có, Thế Giới Di Động hoàn toàn có thể mở một chuỗi chỉ bán điện thoại, laptop, phụ kiện công nghệ cao cấp, thu hút thêm một bộ phận khách hàng mới mẻ hơn so với nhóm khách hiện tại.
Lập luận trên nghe có vẻ hợp lý nhưng cũng dễ bị một nhóm ý kiến khác bẻ lại. Nhìn vào logo trẻ trung và màu sắc của TopZone, nhiều người nghiêng về giả thuyết đó là một chuỗi cửa hàng thời trang dành cho giới trẻ. Chưa kể các tấm billboard quảng cáo "2 vạch" rất genZ cũng thể hiện khá rõ nhóm khách hàng mà TopZone nhắm tới, dường như không phải nhóm cao cấp.
Ngoài ra, Thế Giới Di Động vẫn đang bán những chiếc iPhone, những chiếc Samsung Galaxy giá hàng chục triệu đồng ở quy mô lớn nhất thị trường như vậy thì khó có lý do tách ra mở thêm một chuỗi chỉ để bán đồ cao cấp, lại đặt sát bên cửa hàng hiện tại như vậy. Do đó, để mở ra cơ hội lớn hơn, có thị trường rộng mở hơn, làm mới mẻ hình ảnh hơn, có lẽ Thế Giới Di Động đã chọn một nhánh kinh doanh trái ngành hoàn toàn: mảng kinh doanh thời trang. Trước đây, tập đoàn này từng chọn kinh doanh hàng thiết yếu với chuỗi Bách hóa Xanh và dược phẩm với chuỗi nhà thuốc An Khang, thì việc mở thêm ngành thời trang tuy khó nhưng không phải chưa có kinh nghiệm.
Tóm lại, các ý kiến vẫn xoay quanh đáp án cửa hàng công nghệ cao cấp hoặc chuỗi bán lẻ thời trang, tuy nhiên mọi thứ vẫn chỉ đang dừng ở mức dự báo. Cuối cùng, iPhone 13, iPad, Apple Watch và Airpods Pro vẫn đang chờ những chủ nhân có khả năng dự báo chính xác và may mắn nhất. Kết quả sẽ được đích thân CEO của Thế Giới Di Động livestream giải đáp vào ngày 16/10/2021.
Ánh Dương
Theo Nhịp sống kinh tế