Chuyên mục  


ttxvn_quoc_hoi_dau_tu_cong_0211.jpgBộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 2/11, Quốc hội đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư côngngân sách nhà nước. Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Cần sửa luật để tháo gỡ cho đầu tư công

Buổi sáng, Quốc hội đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024...

Tại phiên họp, các đại biểu cơ bản thống nhất với những nội dung trong Báo cáo của Chính phủ về đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm định, thẩm tra về nội dung này.

Các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, giúp cho hoạt động đầu tư công đạt được kết quả, góp phần hoàn thành mục tiêu của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua.

Các đại biểu đánh giá, trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ đã rất quyết liệt, năng động, thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để có nguồn ngân sách thực hiện các chương trình đề ra. Đồng thời, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp miễn giảm thuế, phí, giúp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tuy nhiên cũng làm ảnh hưởng tới chính quyền địa phương khi bị giảm nguồn thu.

Phát biểu làm rõ một số ý kiến được đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, một nền tài chính vững mạnh phải dựa trên một nền kinh tế phát triển. Về chính sách tài khóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, Chính phủ đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, nghĩa là chính sách tài khóa thâm hụt thì phải giảm thuế nhưng vẫn tăng chi ngân sách.

[Đại biểu Quốc hội: Cơ sở nào để chi trả 50% khi rút bảo hiểm một lần?]

Trong 3 năm qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Quốc hội giảm các loại thuế, dự kiến năm nay giảm khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Theo Bộ trưởng, đây là nỗ lực rất lớn. Sau khi giảm thuế, để tiếp tục giữ cán cân tài khóa, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, phải đưa vào nền kinh tế 347 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Về vấn đề giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng cho hay, đến nay mới giải ngân đạt được 57% theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, còn nếu theo cả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các địa phương thì mới giải ngân được 52%. Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận định, nếu không sửa Luật này thì chúng ta vẫn tiếp tục vướng mắc trong giải ngân đầu tư công, do đó đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật.

Phủ rộng hơn chính sách bảo hiểm xã hội

Chiều 2/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có nhiều điểm đáng chú ý như: Độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sẽ hạ xuống 75 thay vì 80 tuổi như quy định hiện hành; giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; người đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm không đủ điều kiện hưởng lương hưu, nếu không rút bảo hiểm một lần cũng sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng ngay khi đủ tuổi nghỉ hưu.

ttxvn_quoc_hoi_dau_tu_cong_0211_2.jpgBộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Về vấn đề giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: theo nguyên lý bảo hiểm xã hội và thông lệ quốc tế, người lao động để được hưởng lương hưu phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu.

Riêng điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành là phải đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội. Quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu là phải đủ 20 năm như hiện hành đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm.

Do vậy, Điều 64 của dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng. Quy định này góp phần giảm số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu. Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài hơn vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.

Chiều 2/11, tại tổ thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều đại biểu cho ý kiến về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo luật đề xuất 2 phương án. Trong đó, phương án 1 quy định việc hưởng một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Nhóm 1, đối với người lao động đã tham gia trước khi luật sửa đổi có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng có nhu cầu thì được nhận một lần. Nhóm 2, đối với người lao động bắt đầu tham gia từ ngày luật sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận một lần. Chỉ giải quyết hưởng một lần trong các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.

Phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội./.

PV (TTXVN/Vietnam+)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020