Chuyên mục  


Theo hãng tin Bloomberg, Google đã đình chỉ ứng dụng thương mại điện tử Pinduoduo của PDD Holding sau khi phát hiện mã độc trong những phiên bản không được cấp phép, qua đó giáng một đòn mạnh vào một trong những nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Trung Quốc.

Cụ thể, Google cho biết đã điều tra vụ việc và quyết định đình chỉ việc tải ứng dụng Pinduoduo trên chợ Play Store của mình vì lý do bảo đảm an toàn cho người dùng. Mặc dù vậy, Google không nhắc đến Temu, ứng dụng mua sắm trực tuyến của Pinduoduo tại thị trường Mỹ, vốn hiện vẫn đang tải được từ chợ ứng dụng.

Động thái của Google diễn ra trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đang cáo buộc Tiktok của Trung Quốc đe dọa đến an ninh quốc gia.

Mặc dù Pinduoduo chủ yếu được dùng tại Trung Quốc, còn Temu mới là nền tảng được dùng nhiều ở Mỹ nhưng việc Google gỡ bỏ một ứng dụng cỡ lớn như vậy là điều hiếm khi xảy ra trừ phi có tranh chấp, kiện tụng nghiêm trọng.

Ngay sau thông tin trên, giá cổ phiếu của PDD đã giảm 14% trong phiên 20/3, mức giảm mạnh nhất trong 5 tháng, nhưng lại tăng 1,6% trở lại ngày sau đó.

photo-2-16794543206991697826926.png
Giá cổ phiếu của Pinduoduo cao gấp nhiều lần so với JD.com tại Mỹ (tỷ lệ)

Trong thông cáo của mình, PDD cực lực phủ nhận cáo buộc ứng dụng của họ có mã độc, cho rằng kết luận của Google là không có cơ sở, đồng thời cho biết tập đoàn Mỹ này đã đồng thời chặn tải xuống nhiều ứng dụng có liên quan đến Pinduoduo nhưng không nêu chi tiết là những nền tảng nào.

“Chúng tôi cực lực phản đối việc cáo buộc Pinduoduo có mã độc dựa trên những kết luận không có cơ sở từ Google. Một vài ứng dụng đã bị đồng loạt chặn tải xuống trên Google Play và chúng tôi thấy là rằng tại sao hãng tin Bloomberg lại nêu bật tên Pinduoduo lên”, email của PDD đáp trả câu hỏi từ hãng tin Bloomberg.

Phía Google thì cảnh báo người dùng nên gỡ bỏ ứng dụng Pinduoduo đã được cài đặt sẵn ngoài hàng khi mua điện thoại về. Hiện chưa rõ những ứng dụng khác từ các công ty Trung Quốc như của Huawei, Xiaomi hay Tencent có bị dính đến các cáo buộc này hay không.

Theo Bloomberg, Pinduoduo chủ yếu phục vụ hơn 700 triệu người dùng tại Trung Quốc, đồng thời được tải nhiều trên nền tảng của quốc gia này, nơi Google không khả dụng. Bởi vậy việc gỡ bỏ trên được cho là mang tính chất chính trị hơn là có tác dụng thực tế.

Hiện người phát ngôn của các hãng Tencent, Huawei hay Xiaomi đều không có bình luận gì về vụ việc này.

“Google đã thực hiện chế độ bảo vệ người dùng bằng cách chặn tải xuống những ứng dụng bị nghi có mã độc. Những người dùng đã tải ứng dụng bị nghi có mã độc xuống đều sẽ được cảnh báo và khuyến nghị gỡ bỏ”, người phát ngôn của Google nói.

Đồng quan điểm, nhà sáng lập Shawn Chang của công ty an ninh mạng HardenedVault cho biết mã code của những phiên bản Pinduoduo trước trên GitHub cũng cho thấy có mã độc. Tuy nhiên hãng tin Bloomberg chưa xác thực được mã code của Pinduoduo trên GitHub.

“Dựa trên những thông tin công khai có sẵn, PDD đã khai thác lỗ hổng nday/0day (ám chỉ những lỗ hổng phần mềm chưa được biết đến và khắc phục) nhằm giải tuần tự hóa các bưu kiện của Android nhằm giành được các đặc quyền điều khiển hệ thống”, ông Chang cho biết.

Mất uy tín?

Hãng tin Bloomberg cho hay Pinduoduo những năm gần đây đã trở thành ứng dụng thương mại điện tử trỗi dậy mạnh mẽ, lấy mất thị phần của những ông lớn hàng đầu thị trường như Alibaba hay JD.com. Thậm chí PDD còn mở nền tảng Temu tại Mỹ nhằm tiếp cận thị trường đầy tiềm năng này, qua đó tạo nên cơn sốt bất ngờ đe dọa đến những ông lớn như Amazon.

Trước khi vụ Google Play diễn ra, cổ phiếu của PDD đã lên mức cao nhất hơn 1 năm qua, qua đó chứng thực về một startup chỉ 8 năm tuổi đã giành chiến thắng trong cuộc chiến thu hút người tiêu dùng Trung Quốc như thế nào.

photo-1-16794543168911442262688.jpg

Hãng PDD mới được thành lập vào năm 2015, chủ yếu hướng tới phân khúc thị trường ngách mà Alibaba và JD.com bỏ lại, như mảng bán lẻ ở các khu vực nông thôn, những thành thị cấp cấp nghèo khó ở Trung Quốc.

Kể từ đó đến nay, PDD đã thành công dịch chuyển dần lên kinh doanh những mặt hàng đắt tiền hơn, tiếp cận các thành phố đông đúc, lấy dần thị phần của các ông lớn và thậm chí biến Temu tại Mỹ thành một nền tảng bán lẻ online nổi tiếng.

Cũng tương tự như cách hãng thời trang nhanh Shein của Trung Quốc hoạt động, Temu thu hút được người dùng Mỹ nhờ chiến lược giá rẻ trong bối cảnh người dân thắt chặt chi tiêu.

Hiện Temu đang là ứng dụng được tải nhiều nhất trên App Store của thị trường Mỹ suốt vài tháng qua. Chỉ trong 5 tháng đầu tiên hoạt động, chỉ số tổng giá trị giao dịch (GMV) của Temu đã đạt 500 triệu USD. Riêng trong tháng 1/2023, doanh số của nền tảng này đã lên đến gần 200 triệu USD. Sang tháng 2, Temu tiếp tục mở rộng hoạt động sang thị trường Canada.

Tại Trung Quốc, PDD ghi nhận mức doanh thu 39,82 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 5,78 tỷ USD cho quý IV/2022, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước.

Với việc mở rộng sang thị trường nước ngoài bằng Temu, chi phí hoạt động của PDD đã tăng 291% lên 1,64 tỷ Nhân dân tệ trong quý cuối năm 2022. Ngoài ra, chi phí bán hàng và marketing cũng tăng 56% lên đến 17,73 tỷ Nhân dân tệ vì các chiến dịch quảng bá ở nước ngoài cho nền tảng mới Temu.

*Nguồn: Bloomberg, Nikkei Asian Review

Theo Băng Băng

Nhịp sống thị trường

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020