Chuyên mục  


ngan_hang_svb.jpgKhách hàng đứng đợi bên ngoài một chi nhánh của ngân hàng SVB tại Wellesley, Massachusetts, Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Vụ phá sản của Ngân hàng Sillicon Valley (SVB) cho thấy đã đến lúc cần nhìn nhận lại về toàn bộ hệ thống tài chính hiện nay, trong đó có tác động của công nghệ.

Đây là đánh giá của nhà kinh tế học nổi tiếng Joseph Stiglitz, cựu Phó Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), người từng đoạt giải Nobel Kinh tế vào năm 2001.

Theo ông Stiglitz, các động thái của chính phủ Mỹ nhằm bảo vệ người gửi tiền như hiện nay là phản ứng phù hợp và đúng đắn, và hầu hết các ngân hàng đang vận hành tốt hơn so với năm 2008.

Tuy nhiên, ông cho rằng rất khó để xác định liệu đã ngăn chặn được nguy cơ về một cuộc đại khủng hoảng ngân hàng hay không.

Hệ thống ngân hàng có chuyển biến, dù rằng không nhiều như mong muốn, trong khi các công nghệ mới giúp vận hành hệ thống dễ dàng hơn nhưng chưa được đánh giá đầy đủ.

Nhà kinh tế học 78 tuổi cho rằng cần suy nghĩ lại về sự ổn định của hệ thống tài chính, trong đó ghi nhận tác động của các công nghệ mới.

Ông nhận thấy trước khi xảy ra vụ sụp đổ của SVB, người ta không nhắc nhiều đến việc công nghệ đã làm thay đổi như thế nào khả năng hoạt động của ngân hàng. Điều đó giờ đã thay đổi.

Theo đánh giá của ông Stiglitz, hệ thống ngân hàng rất phức tạp và luôn tràn ngập những đồn đoán về khả năng chống chịu của các ngân hàng, và sẽ không thể nào xác minh được những đồn đoán này nếu không cân nhắc đủ các yếu tố như báo cáo tài chính, mức độ rủi ro và khả năng kiểm soát... của ngân hàng đó.

Trong trường hợp của SVB, trước đây không có tin đồn thất thiệt nào về danh mục cho vay của ngân hàng này. Tình hình này khác với năm 2008, thời điểm có những ý kiến phàn nàn rằng các ngân hàng đã cung cấp các khoản vay dựa trên tài sản thế chấp mà về cơ bản là lừa đảo.

Mức độ gian lận nghiêm trọng mà tất cả các ngân hàng lớn có liên quan chỉ được phơi bày rõ sau hàng loạt vụ kiện, cho thấy hoạt động cho vay tồn tại rất nhiều vấn đề.

Tuy nhiên, trong trường hợp của SVB, vấn đề không nằm ở các khoản vay mà nằm ở sự chênh lệch đáo hạn giữa tài sản có/nợ phải trả và điều này có thể xảy ra ở bất kỳ đâu trong nền kinh tế.

Nhận định về cách thức phản ứng của Chính phủ Mỹ trước vụ việc của SVB, ông Stiglitz cho rằng Chính phủ nước này đã đưa ra những quyết định đúng đắn, nhưng sẽ tốt hơn nếu các biện pháp được triển khai khẩn trương hơn.

[Vụ SVB phá sản: Moody’s hạ triển vọng hệ thống ngân hàng Mỹ]

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, về mặt kinh tế vĩ mô, là các nhà chức trách đã đảm bảo những người có số tiền gửi trên 250.000 USD sẽ không bị mất tiền.

Trong trường hợp không có biện pháp trấn an đó, ông Stiglitz cho rằng nhiều khả năng sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính lớn.

Ông Stiglitz nhấn mạnh toàn bộ nhân viên ngành tài chính đã phải đối mặt với sức ép lớn từ vụ việc này, thậm chí có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực trong lâu dài.

SVB, một trong những ngân hàng lớn nhất ở Thung lũng Silicon và lớn thứ 16 ở Mỹ, bị tuyên bố đóng cửa hôm 10/3 chỉ trong vòng 48 giờ sau khi khách hàng đổ xô rút tiền do lo lắng về tình hình tài chính của ngân hàng này.

Chỉ riêng ngày 9/3, khách hàng đã rút tổng cộng 42 tỷ USD. Vụ việc đã làm rúng động ngành tài chính và công nghệ, đồng thời gây lo ngại cho các doanh nghiệp nhỏ cũng như những người gửi tiền vào SVB.

Cuối tuần qua, Chính phủ Mỹ tuyên bố bảo đảm cho tất cả tiền gửi ở SVB nhằm trấn an khách hàng./.

Hoàng Châu (TTXVN/Vietnam+)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020