Chuyên mục  


Bếp ăn từ thiện Mãn Tự nấu 4.000 đến 5.000 suất ăn mỗi ngày trong vài tháng qua

Theo chia sẻ trên Thanh Niên vào đầu tháng 7/2021, bếp ăn thiện nguyện Mãn Tự tại 201 Nguyễn Thị Minh Khai – phường Cư Trinh – Quận 1 – TP.HCM, hoạt động suốt 2 tháng qua tại TP.HCM. Bắt đầu với 1.000 phần ăn từ kinh phí quán tự bỏ ra.

Chỉ sau ít ngày, khi dịch Covid-19 phức tạp, các điểm phong tỏa ngày càng nhiều, bà con khắp nơi chung tay, số suất ăn bếp nấu phát đi có khi lên tới hơn 7.500 phần; còn công suất bình thường khoảng 4.000 đến 5.000 suất ăn/mỗi ngày.

Người góp tiền, người góp sức, cứ vậy, những phần ăn với đầy tình yêu thương được chở đi khắp Sài Gòn. Chị Đỗ Thị Ngọc Phượng – 39 tuổi, quê Sóc Trăng, chủ chuỗi quán chay Mãn Tự cho biết, để hoạt động của bếp thiện nguyện này liên tục kéo dài đến hết dịch, chị đã lên kêu gọi tài trợ trên fanpage của chuỗi quán chay Mãn Tự. Đã có mẹ của người quen chị ủng hộ 100 triệu, một người bạn khác bên Nhật ủng hộ 30 triệu.

Ngoài ra, không ít bạn bè từng đi làm các công tác thiện nguyện trước đây với chị Phượng và nhiều người thấy thông tin trên fanpage Bếp thiện nguyện Mãn Tự, đã tình nguyện đến giúp sức, đến bếp sơ chế nguyên liệu hoặc trực tiếp nấu ăn, phụ giúp các công việc khác trong bếp.

Ví dụ: Anh Nguyễn Tuấn Lĩnh (40 tuổi) chủ yếu phụ khuân vác, vận chuyển, phát cơm, lái xe đến các điểm phong tỏa. Trước đây, anh Lĩnh làm kinh doanh bất động sản và nông nghiệp. Vì dịch, mọi công việc của anh đều bị ngưng lại. Để không lãng phí thời gian, cả ngày anh đến bếp ăn thiện nguyện góp sức cùng mọi người.

Hay chị Hứa Mỹ Thuận (39 tuổi, Q.8) mới biết đến bếp ăn thiện nguyện qua mạng xã hội, 2 ngày nay đã chạy xe mỗi ngày 1 tiếng cả đi và về để giúp sức cho bếp. Chị bộc bạch: "Mình giúp được gì thì cứ giúp, người có của giúp của, mình có sức giúp sức, mỗi người giúp một ít chứ cứ ở không hoài cũng buồn lắm".

Vì nấu với số lượng lớn, nên dù nhân công đông, mọi người vẫn phải luôn tay từ sáng sớm đến tối mịt mới hoàn tất công việc.

Một tình nguyện viên của bếp từ thiện Mãn Tự đang sơ chế rau củ. Ảnh: Thanh Niên.

Để chuẩn bị được số phần cơm "kỷ lục" trên, nhóm bắt đầu công việc từ 5 giờ 30 sáng và kết thúc khi đồng hồ đã điểm sang ngày mới. Có hôm, nhóm phải chuẩn bị sẵn rau củ từ 1 - 2 giờ sáng cho một ngày nấu ăn.

Số lượng xe chở các phần ăn, rau củ đến khu phong tỏa có hạn nên nhiều phường chủ động cho xe đến bếp để nhận các phần ăn, rồi chở đến phát cho người dân trong đấy. "Để hoạt động được chính danh, đến đúng điểm cần, chúng tôi đã xin ý kiến của chính quyền nơi đó, chính quyền đồng ý rồi chúng tôi mới đem phần đó đến", chị Phượng kể.

Chợ rau củ 0 đồng mỗi ngày cung cấp 20 tấn

Như đã nói ở trên, 20 tấn rau củ xuất hiện mỗi ngày ở địa điểm 201 Nguyễn Thị Minh Khai, ngoài phục vụ bếp ăn từ thiện Mãn Tự còn để phục vụ các bếp ăn từ thiện khác trong thành phố, cũng như phát cho bà con nghèo ở các khu cách ly.

Được biết, toàn bộ số rau củ này có xuất xứ từ Đà Lạt và được một nhóm thiện nguyện khác mua giúp chị Phượng với giá rẻ. Chị Phượng thông tin cụ thể với VNEWS: rau củ nhập về sẽ được phân loại, sau đó xe lực lượng hỗ trợ phòng dịch sẽ đến nhận và đem về phát cho người dân ở khu vực mình quản lý.

Chị cho hay, thời gian này mọi người tuy vất vả nhưng ai nấy đều nỗ lực để giúp đỡ phần nào cuộc sống bà con đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Chợ rau 0 đồng phía trước cửa hàng Mãn Tự ở đường Nguyễn Thị Minh Khai - Quận 1.

Chị Trần Huỳnh Yến – chi hội trưởng phụ nữ khu phố 1A, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 là 1 vị khách thường xuyên ghé lấy rau tại chợ 0 đồng, chia sẻ: "Chúng tôi lấy rau về, tặng một ít cho bà con trong chốt phong tỏa, một ít cho những hộ dân khó khăn hoặc trong khu phòng trọ ở địa phương. Còn lại, tôi nấu khoảng 150 suất cơm đem tặng.

Được nhận nguồn rau củ ở đây như là một món quà, như cái phao lúc mình đang chơi vơi ở ngoài khơi. Thật ra, tôi rất trân quý vì ở đây, của cho không bằng cách cho; họ cho rất là nhiệt tình và tôi cảm thấy rất trân trọng về điều đó".

Phần mình, chị Phượng cũng tiết lộ, chị vẫn đang cố tìm mọi cách để duy trì bếp ăn từ thiện Mãn Tự và chợ rau 0 đồng này, vì: "Tôi mong tất cả người dân tại Sài Gòn cảm thấy không bị bỏ lại phía sau, không chỉ riêng bếp Mãn Tự mà rất nhiều bếp khác cũng nấu cơm nhưng sức người có giới hạn. Nên nếu mình tặng rau củ quả có lẽ sẽ ít có người bị bỏ lại hơn. Có thể mang một tình yêu thương và hơi ấm để động viên cho bà con khu cách ly", bà chủ chuỗi quán chay Mãn Tự bày tỏ.

Bà chủ chuỗi quán chay Mãn Tự - gương mặt thân quen trong giới thiện nguyện Sài Gòn

Trước Covid-19, trong năm 2019, chuỗi quán ăn Mãn Tự nổi lên như một mô hình kinh doanh độc đáo trong giới ẩm thực Sài Gòn. Mãn Tự Vegan là nhà hàng chay kiểu buffet, ra đời trong năm 2017 và có 3 chi nhánh ở quận 1, quận 5 và quận Bình Chánh trong năm 2019.

Khởi thủy của Mãn Tự là một không gian nhỏ xinh nằm nép mình trong 1 con hẻm yên tĩnh tại đường Tôn Thất Đạm – Quận 1; sau khi danh tiếng của quán ngày càng lan xa, thì chị Đỗ Thị Ngọc Phượng mở thêm 2 quán nữa ở Bình Chánh và đường Nguyễn Thị Minh Khai – nơi bếp ăn thiện nguyện Mãn Tự và chợ rau 0 đồng đang hoạt động, mà chúng ta đã nhắc ở trên.

Chân dung cơ sở thứ 2 của chuỗi cửa hàng chay Mãn Tự - nơi đang vận hành bếp ăn từ thiện và chợ rau củ 0 đồng.

Cái đặc biệt nhất của chuỗi quán chay này khiến nó vô cùng nổi tiếng trong giới ẩm thực Sài Gòn là kiểu ‘trả tiền tùy tâm’, sau khi ăn xong, khách trả bao nhiêu thì trả, quán không đưa ra mức giá cụ thể. Tuy nhiên, trong những ngày rằm hoặc đầu tháng, thỉnh thoảng Mãn Tự sẽ set giá, tất nhiên là số lượng và chất lượng sẽ thay đổi so với ngày thường, nhằm xứng với mức giá mà khách bỏ ra.

"Có những quán chay 1000 đồng, 2000 đồng, 5000 đồng; nhưng những quán này không thu hút nhiều các bạn trẻ, giới công chức. Vậy nên khó để tuyên truyền chuyện ăn chay, cũng như tư tưởng làm từ thiện", chị Phượng kể về ý tưởng mở Mãn Tự.

Mặt khác, để thu hút đối tượng khách hàng kể trên, chị cũng phải đầu tư các món ăn sao cho ngon miệng, hấp dẫn và chất lượng. Như vậy, những ai khó khăn cũng được ăn ngon, mà những người khá giả hơn cũng không cảm thấy "tiếc" khi đóng góp.

Mô hình kinh doanh 'trả tiền tùy tâm' của chuỗi quán chay Mãn Tự trước Covid-19.

Chị giải thích rằng hình thức này lấy cảm hứng từ mô hình ở Hà Lan: người trước ăn rồi trả dư tiền ra cho người sau, xong họ viết giấy, ghi rằng tôi đã trả cho bạn rồi, người sau không phải trả nữa. Tuy nhiên, mô hình này khá phức tạp và khó phổ biến cho người Việt và nếu bạn đặt vấn đề để người ta trả dư ra một phần thì có vẻ hơi "cưỡng ép".

Vậy nên chị nghĩ ra chuyện tuỳ tâm. Khách không phải lo về việc họ cho thêm một con số nhất định nào, những người khó khăn thì cũng không ngại khi phải trả thiếu, hay không có tiền để trả.

Quan điểm của chị là: "Tôi cũng làm từ thiện nhưng tôi muốn làm từ thiện theo cách thông minh". Tuy chị có thể sẵn sàng bỏ ra một số tiền để giúp người khác, song số tiền này sẽ không xoay chuyển, không sinh ra thêm cái gì nữa, giúp một lần rồi là xong. Nhưng với hình thức này, thay vì mỗi tháng phải chi trả rất nhiều thì nhờ vào tấm lòng của những người khách đi ăn, chị có thể duy trì quán lâu dài.

"Điều kì diệu ở đây là, nó (quán) tự nuôi nó", chị khẳng định và quán có thể giúp đỡ những ai cần và đồng thời cũng là cơ hội cho cộng đồng chung tay làm từ thiện.

Theo Quỳnh Như

Doanh nghiệp và tiếp thị

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020