Theo thống kê của Bộ Tài chính, có 25.171 doanh nghiệp FDI đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Trong số đó, chỉ 10.125 doanh nghiệp FDI, tương đương 40,2% tổng số kinh doanh có lãi năm 2020, trong khi đó có tới 14.108 doanh nghiệp FDI, tương đương khoảng 56% tổng số kinh doanh lỗ, với số lỗ là 151,064 tỷ đồng.
Tổng tài sản của các doanh nghiệp báo lỗ năm 2020 là 2.476.870 tỷ đồng, tăng 22% so với tổng tài sản của các doanh nghiệp báo lỗ năm 2019. Doanh thu của các doanh nghiệp báo lỗ năm này là 1.072.816 tỷ đồng, tăng 27% so với doanh thu của các doanh nghiệp báo lỗ năm 2019.
Lợi nhuận trước thuế năm 2020 của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đạt 406.585 tỷ đồng, tăng 37.245 tỷ đồng, tương đương 10,08% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 341.786 tỷ đồng, tăng 35.652 tỷ đồng, tương đương 11,65% so với năm 2019.
Đây cũng là năm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020 ghi nhận số thu nộp ngân sách nhà nước của khối doanh nghiệp FDI giảm so với năm trước đó khi số thu nội địa (không kể dầu thô) của khu vực doanh nghiệp FDI năm 2020 là 206.088 tỷ đồng, giảm 6.111 tỷ đồng so với năm 2019.
Bộ Tài chính lưu ý, mặc dù doanh thu và lợi nhuận trước thuế vẫn có sự tăng trưởng qua các năm nhưng tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ, doanh nghiệp lỗ lũy kế, doanh nghiệp lỗ mất vốn vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Thậm chí, một số doanh nghiệp FDI kinh doanh trong mảng viễn thông, phần mềm, được cho là hưởng lợi từ bối cảnh dịch bệnh Covid-19 cũng báo lỗ.
Doanh thu nhóm doanh nghiệp FDI ngành viễn thông, phần mềm đạt 43.985 tỷ đồng trong năm 2020, trong đó hai dự án FDI có doanh thu chiếm tỉ trọng lớn nhất nhóm ngành này là Công ty Airpay đạt 4.555 tỷ đồng (chiếm 10,35%) và Công ty Shopee 2.329 tỷ đồng, chiếm 5,25% tổng doanh thu nhóm ngành này. Hai doanh nghiệp này đều báo lỗ, đặc biệt là Shopee lỗ mất vốn, vốn chủ sở hữu âm 1.463 tỷ đồng. Số nộp vào ngân sách nhà nước của hai doanh nghiệp này chỉ ở mức 67,8 tỷ đồng (Shopee) và 48 tỷ đồng (Airpay).
Bộ Tài chính đánh giá, việc thu hút doanh nghiệp FDI có quy mô vốn lớn chưa hẳn là đã có đóng góp tích cực hơn vào nguồn thu ngân sách nhà nước, cũng như tác động tích cực đối với các chỉ tiêu tài chính của ngành.
Bộ cũng nhận định rằng, hiện vẫn còn tồn tại hiện tượng chuyển giá, trốn thuế gây thất thoát, thiệt hại nguồn thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và sự cạnh tranh lành mạnh.
Xét theo các đối tác, theo báo cáo, nhóm các quốc gia châu Á có số lượng doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam lớn nhưng khả năng sinh lời thấp hơn so với khu vực châu Âu.
Cụ thể, báo cáo của Bộ Tài chính chỉ ra sự chênh lệch rõ rệt về chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE). Nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của các nhà đầu tư đến từ châu Âu (Luxembourg, Hà Lan, Pháp, Đức…) có chỉ số ROE ở mức cao. Ví dụ, chỉ số ROE của nhóm doanh nghiệp đến từ Hà Lan là 29,9%; Pháp là 83,2%... Trong khi, con số này ở các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc chỉ là 11%; Nhật Bản là 16,1%.
https://cafef.vn/doanh-nghiep-fdi-tang-doanh-thu-van-dua-nhau-bao-lo-shopee-am-von-chu-so-huu-ca-nghin-ty-20220315062150162.chnThái Quỳnh
Theo Nhịp sống kinh tế