Chuyên mục  


Theo báo cáo thường niên của ESP Capital và Cento Ventures, với việc thu hút vốn đầu tư vào startup Việt đạt hơn 1,3 tỷ USD trong năm 2021, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3 trong hệ sinh thái khởi nghiệp ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đầu tư khởi nghiệp giảm một nửa so với năm 2019 với 874 triệu USD, nhưng sự phục hồi nhanh chóng đạt đỉnh và là mức kỷ lục trong năm 2021 và kỳ vọng năm 2022, các quỹ đầu tư tiếp tục "đổ vốn" vào startup Việt.

Nguồn vốn không ngừng đổ vào hệ sinh thái đã khích lệ tinh thần startup Việt và Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường tiềm năng.

Tính đến hết năm 2021, Việt Nam có khoảng 208 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động và đầu tư cho các startup tại Việt Nam, trong số đó có gần 40 quỹ đầu tư nội địa.

Những tên tuổi quỹ lớn và tích cực hoạt động trên thị trường gồm VSV Capital - Vietnam Silicon Valley, Mekong Capital, 500 Startups Vietnam, Vietnam Investment Group, IDG Ventures Vietnam, Nextrans, Do Ventures và Genesia Ventures.

Làn sóng đầu tư startup Việt "nóng" ngay từ đầu năm

Năm 2022, chỉ hơn 2 tháng đầu năm, startup Việt đã liên tục "nóng" lên với các vòng gọi vốn thành công.

Ở mảng nông nghiệp, hồi tháng 1 startup nông sản Việt có tên Mio vừa gọi thành công 8 triệu USD trong vòng Series A. Cùng trong tháng 1, Foodmap - startup thương mại điện tử hoạt động trong lĩnh vực nông sản tại Việt Nam vừa gọi vốn thành công 2,9 triệu USD ở vòng pre-Series A được dẫn dắt bởi Vulpes Ventures, Beenext cùng Ascend Vietnam Ventures và Wavemaker Partners.

Mới đây, ứng dụng thương mại điện tử giao hàng siêu tốc Rino vừa huy động thành công 3 triệu USD trong vòng đầu tư pre-seed từ một nhóm các nhà đầu tư bao gồm: Global Founders Capital (GFC), Sequoia Capital India, Venturra Discovery, và Saison Capital. Nguồn vốn mới được Rino sử dụng để mở hàng trăm "dark store". Các "dark store" là trung tâm thực hiện đơn hàng, không phục vụ khách hàng mua trực tiếp.

Với mảng công nghệ tài chính, trong vòng gọi vốn Series C+ hồi tháng 2, fintech Funding Societies đã huy động được tổng cộng 144 triệu USD, dẫn dắt bởi SoftBank Vision Fund 2 cùng với các nhà đầu tư mới: VNG Corporation, Rapyd Ventures, Indies Capital, K3 Ventures và Ascend Vietnam Ventures. Riêng phía VNG ghi nhận khoản đầu tư 22,5 triệu USD vào Funding Societies (hoạt động với tên gọi Modalku tại Indonesia).

Trong khi đó, startup Việt Infina cũng vừa huy động thành công thêm 4 triệu USD tại vòng gọi vốn hạt giống,từ Sequoia Capital, Y Combinator, Saison Capital, Starling Ventures, Alpha JWC và AppWorks.

Mảng nền tảng thương mại điện tử, vào cuối tháng 2, startup thương mại điện tử xuyên biên giới OpenCommerce Group (OCG) vừa huy động 7 triệu USD, trong vòng gọi vốn Series A dẫn dắt bởi kỳ lân công nghệ VNG cùng sự tham gia của quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures.

Bên cạnh đó, Selly - nền tảng thương mại điện tử ứng dụng tương tác cộng đồng (social commerce) vừa huy động thành công 2,6 triệu USD từ các quỹ đầu tư CyberAgent Capital, Do Ventures, Genesia Ventures, JAFCO Asia và KVision.

Hồi tháng 2, Pharmacity đã công bố đầu tư 4 triệu USD vào nền tảng bán lẻ RELEX Solutions, giúp dự đoán nhu cầu mua sắm, cung cấp các sản phẩm phù hợp cho khách hàng và sẽ đi vào hoạt động ở hệ thống Pharmacity vào tháng 4 năm nay.

Lĩnh vực xe điện cũng trở nên sôi động trong năm qua với nhiều thương vụ đình đám trên thế giới. Trong đó, tại Việt Nam ngay đầu năm 2022, StoreDot, công ty tiên phong trong công nghệ pin sạc siêu nhanh (XFC) cho xe điện, thông báo hoàn tất vòng gọi vốn Series D đầu tiên với khoản tiền lên đến 80 triệu USD.

Nhà đầu tư hàng đầu dẫn dắt vòng gọi vốn này là thương hiệu sản xuất xe điện tầm cỡ đến từ Việt Nam - VinFast, công ty đang mở rộng quy mô sản xuất và triển khai tính năng sạc siêu nhanh phát triển bởi StoreDot trong các kiến ​​trúc xe điện tương lai của mình.

Cuối tháng 1, Selex Motors - startup Việt trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất xe máy điện, pin và hệ thống trạm thay pin, vừa gọi vốn thành công 2,1 triệu USD vòng tiền hạt giống. Dẫn đầu bởi Touchstone Partners, vòng gọi vốn này còn có sự tham gia của các nhà đầu tư như ADB Ventures - quỹ đầu tư mạo hiểm của Ngân hàng Phát triển Châu Á và Nextrans - một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc tích cực nhất tại Việt Nam.

Vốn đầu tư khởi nghiệp năm 2022 có thể đạt 2 tỷ USD

Thực tế, Việt Nam nên được nhắc đến như trung tâm công nghệ mới của thế giới bởi những startup thế hệ mới sẽ là động lực tăng trưởng của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, những startup thế hệ mới với đặc thù cạnh tranh với nhiều đối thủ trong nước và quốc tế, thế hệ startup này sớm có tầm nhìn ra khu vực và toàn cầu và các startup này hiểu rằng để phát triển bền vững phải mở rộng tư duy, hoạt động và mạng lưới vươn ra toàn cầu.

Các chuyên gia công nghệ nhận định trong thời đại hiện nay, việc định hướng và đẩy mạnh xu hướng xuất ngoại cho startup Việt Nam là một vấn đề lớn và trọng tâm của quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia nói chung và lĩnh vực đổi mới sáng tạo nói riêng.

Trao đổi với Nhadautu.vn chiều 11/3, ông Hoàng Công Đoàn - Chủ tịch CLB Đầu tư và Khởi nghiệp Việt Nam cho hay, "khẩu vị" của nhà đầu tư năm nay vẫn không thay đổi, trọng tâm là các startup lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ.

Ông Hoàng Công Đoàn - Chủ tịch CLB Đầu tư và Khởi nghiệp Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

"Đầu tư vào khởi nghiệp tuy rủi ro nhưng lợi nhuận khá cao, vì tăng trưởng của startup rất nhanh. Do đó, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục đổ xô vào đầu tư vào các startup. Đây cũng là một trong những cơ hội để cho các bạn trẻ khởi nghiệp gọi vốn. Tôi cho rằng, năm nay nguồn vốn đầu tư vào startup tại Việt Nam xấp xỉ 2 tỷ USD", ông Đoàn nói.

Nhắc đến vấn đề tồn tại hiện nay của các startup, ông Đoàn cho rằng, từ trước đến nay của các startup đều gặp tình trạng chung thiếu nguồn vốn, thiếu kiến thức quản trị doanh nghiệp và tìm hiểu thị trường. Do đó, một doanh nghiệp muốn kêu gọi đầu tư, cần xây dựng được bộ máy công ty tương đối chuyên nghiệp và phải giữ được thương hiệu riêng của mình. Đồng thời, cần có ý tưởng đặc sắc, chiếm lĩnh thị trường trong tương lai.

Theo ông Đoàn, kể cả khi startup kêu gọi được vốn thì vẫn phải tập trung sâu hơn vào chiến lược của doanh nghiệp và giá trị cốt lõi.

"Nhiều doanh nghiệp sau khi có chút vốn và có chút thương hiệu thì chạy đua theo hình ảnh "bóng bẩy" bên ngoài, sinh ra duy ý chí. Từ đó, không để ý chăm chút vào sản phẩm của mình, đương nhiên sẽ bị tụt hậu, đẫn đến mất thị trường và sụp đổ rất nhanh", ông Đoàn nhận định.

Theo Mạnh Quân

Nhà đầu tư

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020