Trong thông báo mới đây, đại diện Grab Việt Nam chính thức xác nhận rằng bà Nguyễn Thái Hải Vân sẽ rời Grab Việt Nam để theo đuổi một cơ hội nghề nghiệp mới.
"Chúng tôi vô cùng trân trọng những đóng góp của bà Hải Vân trong những năm qua. Bà Hải Vân đã lãnh đạo Grab Việt Nam vượt qua giai đoạn đại dịch Covid-19 nhiều bất ổn và thử thách, dẫn dắt hoạt động kinh doanh của Grab tại Việt Nam đạt được những tăng trưởng ấn tượng, cũng như mang đến những đóng góp tích cực cho cộng đồng thông qua các chương trình Grab Vì Cộng Đồng. Bà Hải Vân đã nhận được sự hỗ trợ của một đội ngũ nhân sự lãnh đạo vững mạnh, những người sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động kinh doanh của Grab phát triển hơn nữa trong tương lai.
Chúng tôi chúc bà Hải Vân mọi điều tốt đẹp nhất trên chặng đường sắp tới, chúng tôi tin rằng chặng đường đó cũng sẽ có nhiều thành công và tràn đầy cảm hứng như tại Grab", phía Grab cho hay.
Được biết, thông tin Giám đốc điều hành Grab Việt Nam – bà Nguyễn Thái Hải Vân - từ nhiệm khỏi vị trí lãnh đạo được đưa ra vào sáng 11/3/2022. Trên thị trường chứng khoán Mỹ, giá cổ phiếu Grab nhanh chóng phản ứng và rớt từ mức 13,06 USD/cổ phiếu (giá mở cửa ngày 2/12/2021) xuống còn 3,29 USD/cổ phiếu vào ngày này. Từ vốn hóa 40 tỷ USD khi IPO, hiện mức vốn hóa của Grab chỉ còn 12,3 tỷ USD.
Trở lại với thông tin lãnh đạo, bà Nguyễn Thái Hải Vân gia nhập Grab Việt Nam từ ngày 1/11/2019, sau 17 năm làm việc tại Unilever Việt Nam. Bà chính thức được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc điều hành ngày 1/2/2020, thay người tiền nhiệm Jerry Lim. Nhiệm vụ của bà Vân lúc bấy giờ là tập trung vào việc hoạch định chiến lược phát triển cho tất cả hoạt động kinh doanh của Grab tại Việt Nam. Bà cũng tiếp tục thúc đẩy sự phát triển tổng hòa của các dịch vụ đặt xe công nghệ, giao nhận hàng hóa, giao nhận thức ăn và hợp tác fintech trên nền tảng siêu ứng dụng của Grab, mang đến ngày càng nhiều lợi ích của nền kinh tế số đến với người dân Việt Nam và các doanh nghiệp nhỏ khắp cả nước. Như thông báo từ Công ty có nhấn mạnh, bà Vân gia nhập Grab trong thời điểm Covid-19 đầy khủng hoảng của Công ty nói chung và toàn thị trường nói riêng.
Dù vậy, 2 năm vừa qua Grab vẫn liên tục mở rộng dịch vụ cũng như phạm vi kinh doanh của mình. Gia nhập thị trường Việt Nam từ đầu năm 2014, Grab ban đầu đăng kí hoạt động với danh nghĩa là dịch vụ kết nối cho loại xe chở khách dưới 9 chỗ (theo hình thức xe hợp đồng điện tử) và thí điểm tại 5 địa phương gồm: Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hoà.
Chỉ sau 5 năm hoạt động, đến năm 2019 Grab tuyên bố đã có đến 25% dân số Việt Nam đang sử dụng dịch vụ Grab với 190.000 tài xế (hãng gọi là đối tác chứ không phải nhân viên) tham gia mạng lưới vận chuyển này.
Đình đám nhất là thương vụ thâu tóm Uber, từ đó Grab giữ thế độc tôn tại thị trường Việt Nam và bắt đầu kế hoạch "bành trướng" rất nhanh. Liên tục ra mắt các dịch vụ mới như GrabFood (giao đồ ăn), GrabExpress (giao hàng), thanh toán (GrabPay), khách sạn, cho vay tiêu dùng, cổng thông tin điện tử, Grab TV…
Về kinh doanh, sang năm 2020, doanh thu của Grab Việt Nam tăng gần 20 lần, từ gần 200 tỷ đồng năm 2016 lên gần 3.800 tỷ đồng năm 2020. Đặc biệt, Grab Việt Nam công bố đã có lãi gần 250 tỷ đồng.
https://cafef.vn/grab-viet-nam-chinh-thuc-xac-nhan-giam-doc-dieu-hanh-se-tu-nhiem-de-theo-doi-co-hoi-nghe-nghiep-moi-20220314162501714.chnBảo An
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị