Lãi suất cao, thị trường lao động có nguy cơ suy yếu và bầu khí chính trị bất ổn chỉ là một phần trong nhiều rào cản mà nền kinh tế trị giá gần 30.000 tỷ USD của Mỹ phải đối mặt. Nhưng với việc người tiêu dùng kiên trì trước lạm phát dai dẳng, lợi nhuận của các doanh nghiệp một lần nữa dự kiến tăng vọt và triển vọng tươi sáng, phần lớn Phố Wall giữa tâm lý lạc quan khi bước sang năm mới.
Nhà kinh tế trưởng Joseph Brusuelas tại RSM cho biết: “Nền kinh tế này có khả năng sẽ tăng tốc vào năm 2025… Đây là nền kinh tế mà chúng ta mong muốn. Đây là nền kinh tế mà chúng ta cần”.
Trong kịch bản khả thi nhất, ông dự đoán 50% khả năng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế sẽ tăng ở mức 2,5% vào năm 2025. Trường hợp thứ hai là mức tăng trưởng trên 3%. Ông ước tính rằng chỉ có 15% khả năng xảy ra suy thoái.
Những con số trên cao hơn dự báo tăng trưởng 2,1% của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và ước tính 2,2% từ Khảo sát các nhà dự báo chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chúng phù hợp với triển vọng chung tích cực cho cả nền kinh tế và thị trường chứng khoán.
Các nguồn tiếp sức mạnh cho nền kinh tế 30.000 tỷ USD
Nhà kinh tế Brusuelas cho biết động lực chính sẽ là mức tiêu dùng hộ gia đình mạnh mẽ và đầu tư kinh doanh vững chắc. Ông đặc biệt lạc quan vào việc các công ty đầu tư vào thiết bị, phần mềm và sở hữu trí tuệ để nâng cao năng suất và chuẩn bị cho cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI).
Ông chỉ ra câu chuyện thực sự thúc đẩy đầu tư đang ẩn trong nền kinh tế mà các nhà quản lý danh mục cần bám sát. Phần lớn câu chuyện kinh tế được thảo luận gần đây có liên quan đến chương trình nghị sự của Tổng thống đắc cử Donald Trump về việc cắt giảm thuế nội địa, lược bớt các quy định và chi tiêu mạnh mẽ của chính phủ cho thăm dò năng lượng và AI.
Tuy nhiên, những sáng kiến đó nhiều khả năng sẽ là câu chuyện của năm 2026. Vì những đề xuất của ông Trump có thể vấp phải phản đối của Quốc hội. Thay vào đó, động lực ngắn hạn có thể xuất phát nhiều hơn từ đổi mới công nghệ và đầu tư kinh doanh, cùng với sự kiên cường của người tiêu dùng.
Hình ảnh minh hoạ
Chi tiêu cho thiết bị đã tăng vọt trong năm 2024, đạt mức tăng quý 2 và quý 3 lần lượt là 9,8% và 10,8%. Chi tiêu của người tiêu dùng cũng tăng mặc dù giá cả tăng cao. Theo Cục Thống kê Dân số, doanh số bán lẻ tăng 3,8% trong cả năm tính đến tháng 11. Lợi nhuận của các công ty cũng được dự đoán sẽ ghi nhận một năm bùng nổ. Theo FactSet, các công ty S&P 500 được dự báo sẽ tăng trưởng 14,8%, hoặc gần gấp đôi mức bình quân 10 năm trước đó.
Những mối lo còn tồn tại
Vẫn còn những lo ngại dai dẳng về tình trạng của thị trường lao động. Việc tuyển dụng vẫn ổn định nhưng đã hạ nhiệt đảng kể. Hoạt động sa thải thấp, nhưng số người thất nghiệp dài hạn vẫn tăng đều. Những người thất nghiệp trong 27 tuần trở lên ở mức cao nhất gần 3 năm vào tháng 11.
“Chúng tôi vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng về lý do tại sao lại như vậy”, nhà kinh tế Brusuelas cho biết. Ông cam kết sẽ có phương pháp cụ thể để thực sự hiểu rõ vấn đề này trong thời gian sớm nhất.
Trong khi đó, một mối lo lớn khác đó là sự liên kết giữa yếu tố lãi suất, lạm phát và chính sách của Fed. Các quan chức Fed gần đây đã nâng dự báo lạm phát năm 2025 lên 2,5% và dự kiến không đạt được mục tiêu 2% cho đến năm 2027.
Chủ tịch FED Jerome Powell
Tuy nhiên, vào tháng 9, Fed bắt đầu thực hiện một nước cờ mạnh mẽ và bất thường đó là hạ lãi suất chuẩn 0,5%. Dù đã cắt giảm thêm hai lần 0,25% vào tháng 11 và 12, lộ trình phía trước vẫn không rõ ràng. Fed dự kiến sẽ chỉ thực hiện từ 1-2 đợt cắt giảm lãi suất vào năm 2025. Điều này có khả năng khiến chi phí đi vay tăng cao, gây áp lực lên hàng nghìn tỷ USD nợ của các doanh nghiệp, cá nhân và chính phủ Mỹ.
Một trong những lo ngại lớn khác là đề xuất tăng thuế nhập khẩu của ông Trump. Nhiều chuyên gia cho rằng chúng có thể thổi bùng lại lạm phát, mặc dù lạm phát vẫn ở mức thấp trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump từ năm 2017 đến năm 2021.
Nhà kinh tế học Brusuelas cho rằng thuế nhập khẩu dường như không gây ra mối đe dọa ngay lập tức, nhưng có thể ảnh hưởng lâu dài. “Chúng ta đang nói về một cuộc đụng độ thương mại hay chiến tranh thương mại?”
Ông cho biết nếu nói về cuộc đụng độ thương mại như năm 2018 và năm 2020, ông không lo lắng về sự gia tăng lạm phát. Giá cả sẽ cao hơn đối với những hàng hóa bị đánh thuế. Nhưng nếu có một cuộc chiến thương mại “ăn miếng trả miếng” thực sự, ông sẽ e ngại.
Theo CNBC