Tập đoàn FPT gia nhập thị trường Mỹ từ năm 2008 và trở thành đối tác tin cậy của hơn 300 khách hàng, trong đó có hơn 30 công ty nằm trong danh sách Fortune 500 (bảng xếp hạng 500 công ty hàng đầu thế giới tính theo doanh số hằng năm).
Tiến sâu hơn vào thị trường Mỹ
Bước đi chiến lược tiếp theo của FPT là thành lập Công ty CP Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) vào tháng 3-2022, tập trung vào mảng chip. Đến nay, sản phẩm chip nguồn (PMIC - Power Management IC) của FPT Semiconductor đã qua giai đoạn R&D (nghiên cứu và phát triển), đến giai đoạn sản xuất hàng loạt (production phase).
Với thị trường Mỹ, tại Hội nghị Cấp cao Việt Nam - Mỹ về đổi mới sáng tạo và đầu tư trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden vào tháng 9-2023, FPT đã công bố đầu tư 100 triệu USD và gần 1.000 nhân lực tại đây mỗi năm. Với những khoản đầu tư liên tục vào Mỹ, tập đoàn kỳ vọng sẽ tạo ra hơn 3.000 việc làm vào năm 2028 và đạt doanh thu 1 tỉ USD vào năm 2030 từ một trong những thị trường quan trọng nhất này.
"FPT mong muốn Chính phủ Mỹ có chính sách hỗ trợ toàn diện, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có hệ sinh thái bán dẫn (Semiconductor Ecosystem), đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp (DN) lớn như Boeing, AT&T, Qualcomm, Intel, Ford... đầu tư vào Việt Nam. Về phía Việt nam, chúng tôi đề xuất được tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý và cam kết đầu tư phát triển đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn khoảng 30.000 - 50.000 người" - Chủ tịch FPT Trương Gia Bình bày tỏ.
Đáng chú ý, sau khi FPT công bố hợp tác chiến lược toàn diện với LandingAI - công ty tiên phong trong lĩnh vực thị giác máy và trí tuệ nhân tạo tại Silicon Valley (Mỹ), hai bên đã chính thức ký kết biên bản hợp tác vào ngày 22-9 vừa qua. Biên bản nhấn mạnh cam kết phát triển nguồn nhân lực bán dẫn và phát triển kinh doanh ở lĩnh vực giàu tiềm năng này.
Cụ thể, FPT Semiconductor, Trường ĐH FPT cam kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho các công ty bán dẫn tại Mỹ bên cạnh việc thành lập Trung tâm Đào tạo bán dẫn Việt Nam. Ngoài ra, FPT cung cấp IP (Intellectual Property) trên nền tảng của Silvaco để Silvaco cung cấp cho khách hàng. Silvaco và FPT cũng hợp tác phát triển kinh doanh trong lĩnh vực StandardCell, IO, Memory design. Về lâu dài, Silvaco trở thành nhà đầu tư chiến lược của FPT Semiconductor và FPT là đối tác phân phối độc quyền cho Silvaco.
Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình trao đổi với các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ bên lề Hội nghị Cấp cao Việt Nam - Mỹ về đổi mới sáng tạo và đầu tư trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden vào đầu tháng 9-2023
Giấc mơ lớn của doanh nghiệp dẫn đầu
Trở lại với giấc mơ bán dẫn của người Việt, từ hơn 40 năm trước - 1979, Việt Nam đã có Nhà máy Z181 sản xuất bán dẫn, cung cấp số lượng lớn thiết bị này cho thị trường Đông Âu. Thời điểm đó, công nghệ sản xuất bán dẫn của Việt Nam được đánh giá là không kém gì các cường quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu.
Dấu ấn ban đầu đáng tự hào là vậy nhưng qua thời gian, ngành sản xuất chip bán dẫn của Việt Nam dường như bị lãng quên, nếu không muốn nói là tụt hậu nhanh chóng. Gần đây, các tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam như FPT, Viettel, Vingroup... tuy đã bắt tay vào nghiên cứu, sản xuất chip nhưng sản phẩm còn khiêm tốn; chip Việt chưa có tên trên bản đồ bán dẫn thế giới. Trong khi đó, tiềm năng của lĩnh vực này ngày càng rộng mở và cơ hội cho DN còn rất lớn.
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch FPT Semiconductor, nhìn nhận 2 năm xảy ra đại dịch COVID-19 khiến thế giới vốn thiếu hụt chất bán dẫn lại càng thiếu trầm trọng hơn. "Ngành chip từng trải qua 2 giai đoạn sụt giảm là sự kiện "bong bóng dotcom" và "sự sụp đổ của Lehman Brothers" nhưng đã hồi phục sau đó. Nhìn tổng quan, cơ bản là ngành chip có chu kỳ đi lên. Riêng Việt Nam, với tiền đề từ năm 1979 và bối cảnh hiện nay, chúng ta có nhiều tiềm năng để phát triển ngành này" - ông Hòa phân tích.
Chủ tịch FPT Semiconductor cũng chỉ ra cơ hội lớn cho Việt Nam khi đang có sự dịch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang và nhu cầu tiêu thụ chip trong thời gian tới sẽ còn tăng trưởng nhiều hơn. Việt Nam cũng có thể trở thành điểm cung cấp nguồn lực kỹ sư bán dẫn cho các công ty Mỹ hoặc công ty ở Mỹ.
Trước thời cơ "có một không hai" này, tập đoàn công nghệ hàng đầu FPT đương nhiên không bỏ qua cơ hội. Thực tế, theo Chủ tịch FPT Semiconductor, FPT đã bắt đầu phát triển mảng bán dẫn từ 10 năm trước với lộ trình 3 bước - như là một sự chuẩn bị sớm cho tương lai.
Ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Công ty CP Bán dẫn FPT (hàng trước, bên trái), nhận biên bản hợp tác với đại diện Công ty Silvaco (Mỹ) (Ảnh do Tập đoàn FPT cung cấp)
Cụ thể, bước 1 là phát triển nguồn nhân lực, triển khai dự án với khách hàng Nhật Bản, Mỹ. Kỹ sư của FPT có kinh nghiệm thiết kế chip trên những công nghệ tiên tiến hiện nay, gồm công nghệ 7 nm, 5 nm, 3 nm; trong khi công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới đang là 2 - 3 nm. Bước 2 là thiết kế IP, solution cung cấp cho khách hàng và bước 3 là sản xuất chip "make in Vietnam", "made by FPT".
"Việc thành lập FPT Semiconductor là bước tiếp nối giấc mơ bán dẫn của nhiều thế hệ cha anh từ năm 1979 đến nay" - ông Trần Đăng Hòa nhấn mạnh.
Thế hệ sản phẩm đầu tiên của FPT Semiconductor là dòng chip nguồn - Power Management IC. Trong năm 2022, FPT đã thiết kế, sản xuất được 3 dòng chip nguồn, dự kiến năm 2023 sẽ có thêm 7 dòng chip mới.
"Dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) ở lĩnh vực y tế với tiêu chí "chip make in Vietnam, made by FPT" ra mắt năm 2022 đã đánh dấu tên tuổi của FPT Semiconductor trên bản đồ công nghệ chip thế giới. Đây được xem là một bước đột phá trong hành trình khẳng định trí tuệ Việt" - lãnh đạo FPT Semiconductor không giấu sự tự hào.
Trong năm 2023 và đầu năm 2024, FPT Semiconductor sẽ tiếp tục thiết kế, sản xuất dòng chip IoT platform cho ứng dụng thiết bị thông minh, IoT cho nông - lâm - thủy hải sản. Để tối ưu về chi phí và doanh thu, FPT lựa chọn công nghệ thông dụng trên thế giới là loại 130 nm và 180 nm.
Về tầm nhìn chung, trao đổi tại một hội thảo mới đây, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nêu rõ: "Bài học của tôi là đứng trên vai người khổng lồ, hợp tác với những công ty lớn trên thế giới". Theo Chủ tịch FPT, đây sẽ là bước khởi đầu vô cùng quan trọng vì tâm lý chung của các tập đoàn nước ngoài là "trâu ăn theo đàn".
Cần sự hỗ trợ từ Chính phủ
Chủ tịch FPT Semiconductor Trần Đăng Hòa cho rằng để tham gia lĩnh vực sản xuất chip, DN Việt Nam cần chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư vào R&D, cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tuân thủ quy định về sở hữu trí tuệ, quản lý dữ liệu và tăng cường đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, DN cũng cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi từ Chính phủ để khuyến khích sự hợp tác giữa khu vực nội và các DN trên thế giới, bao gồm việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận thương mại, tạo ra môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch, đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ...
Đã có đơn hàng gấp 3 lần kế hoạch
Lãnh đạo FPT Semiconductor cho biết DN đã nhận được đơn đặt hàng 70 triệu chip trong 2 năm 2024 và 2025 của các khách hàng Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản trong lĩnh vực thiết bị y tế và nhiều ứng dụng điện tử. Con số này gấp gần 3 lần so với kế hoạch đã đề ra.
Về đào tạo nguồn nhân lực, mới đây, Trường ĐH FPT công bố thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn. Khoa này dự kiến đón lớp học viên, sinh viên đầu tiên vào năm 2024 với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, thực hiện nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam.