Chuyên mục  


Mùa nước nổi đến, những người dân ở vùng đầu nguồn sông Hậu thuộc huyện An Phú, lại bắt đầu hối hả với công việc mưu sinh bằng nghề "bà cậu". Những ngày này, ai có dịp về với xã Phú Hội, huyện An Phú, từ sáng sớm đã thấy những người phụ nữ ngồi trước nhà, bên cạnh là vài thau cá, tấm thớt, cây dao và đôi tay luôn thoăn thoắt làm cá.

Siêng năng thì mùa nào sống cũng được

Còn ở bến sông, những chiếc cầu ván đã bị nước nhấn chìm, con nước "hung hăng" tràn lên sát mé đường. Vài chiếc ghe, chiếc xuồng của những người làm nghề đánh bắt cá vẫn còn neo đậu. Ghé lại hỏi thăm những người làm cá bên đường, tôi được bà Nguyễn Thị Ngoan, người dân xã Phú Hội, cho biết thông thường những người đi bắt cá ở các cánh đồng xa tận bên Campuchia. Họ đi từ khuya và tới sáng mới về nhà, nhưng cá thì họ đã bán hết ngoài chợ, chỉ còn chừa lại vài ký đem về gia đình ăn.

Phụ nữ làm cá là hình ảnh quen thuộc mỗi sáng sớm ở Phú Hội

Ông Nguyễn Văn Minh, một nông dân chăm chỉ canh tác trên cánh đồng xã Phú Hội vào mùa khô, thì nay đến mùa nước nổi, ông lại trở thành ngư dân thứ thiệt đi bắt cá ở tận trên Campuchia.

"Mấy năm trước, gia đình tôi chỉ làm nghề bắt cá trên cánh đồng của xã. Năm nay thấy nhiều người quanh đây làm dớn (một ngư cụ bắt cá) rồi thuê đất trên Campuchia để đặt, gia đình tôi cũng mua 20 cái dớn để đi làm. Tôi thuê đất của chủ lô (đơn vị phân chia khu vực bắt cá) hết 40 triệu đồng, nhưng tính từ đầu mùa nước nổi đến giờ, gia đình cũng kiếm đủ tiền đó rồi. Khoảng thời gian con nước sắp tới là mình kiếm thêm. Nói chung cực mà có ăn" – ông Minh nói.

Những chiếc xuồng máy neo đậu tại các bến sông sau một đêm lênh đênh ở cánh đồng phía Campuchia

Ở xã Phú Hội, hầu như nhà nào cũng có mớ câu, mớ lưới, cái lờ, cái lọp, thậm chí cái đăng, cái dớn để đánh bắt cá vào mùa nước nổi. Người ít vốn thì đánh bắt ở đồng gần, người có điều kiện hơn thì họ thuê hẳn một khu vực trên cánh đồng bên Campuchia để đánh bắt cá nhiều hơn.

Công việc của những người đánh bắt cá đồng xa bắt đầu từ 1 giờ sáng. Họ chạy xuồng máy băng vào màn đêm đen mịt và bắt đầu công việc bên chiếc đèn pin đội trên đầu. Cá bắt được chứa vào khoang xuồng, đến khi trời sáng, họ quay về. Tầm 5 giờ sáng, chợ Kênh Ruột, xã Phú Hộ, bắt đầu nhộn nhịp. Những chiếc ghe cỡ lớn của những thương lái thu mua cá neo đậu sẵn. Những chiếc xuống đánh bắt cá cũng về neo đậu vào đây. Họ lựa cá theo từng loại, từng kích cỡ rồi cân cho thương lái. Đến khoảng 6 giờ sáng, chợ cá này trở nên nhộn nhịp.

Cá bắt được mùa nước nổi khá đa dạng

Cái độc đáo của chợ cá tại Kênh Ruột là chỉ có người bán cá và thương lái thu mua. Chợ hình thành ngay trên mặt nước, lênh đênh bên bờ Kênh Ruột, ai muốn đến đây đều phải di chuyển bằng xuồng, ghe. Những ai hiếu kỳ muốn tận mắt thấy cái rộn ràng của chợ cá này thì có thể thuê xuồng từ kênh 16 chạy máy thẳng ra chợ. Giờ tan buổi chợ khá sớm, sau 9 giờ sáng, những chiếc xuồng, chiếc ghe rời đi, lúc này chợ cá chỉ còn là một cánh đồng nước mênh mông.

Cá heo đuôi đỏ bắt ngoài tự nhiên được người dân thu mua lại để nuôi với giá 200.000 đồng/kg

Nghề bắt cá theo con nước của người dân đầu nguồn huyện An Phú thường kéo dài khoảng 4 tháng. Nguồn thủy sản mang đến cho người dân cuộc sống tốt hơn. Nói như ông Nguyễn Văn Minh: "Mình siêng năng thì mùa nào sống cũng được. Nước về lớn thì mình làm nhiều ngư cụ đánh bắt cá, nước nhỏ thì mình làm nhỏ. Có vất vả, nhưng người dân ở đây quen rồi" – ông Minh nói.

Lý do đánh bắt đồng xa

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Khang, cũng ngụ tại Phú Hội, cho biết đi đặt dớn ở Campuchia có tiền nhiều hơn. Nếu may mắn trúng con nước, cá chạy nhiều thì có ngày kiếm được 3 - 4 triệu đồng. Còn không ngay luồng, bắt được cá ít hơn thì cũng kiếm được tầm hơn 1 triệu đồng mỗi ngày.

Những bó bông súng được nhổ trên đồng cũng đem lại thu nhập thêm cho nhiều gia đình

"Mình bắt cá là chính, nhưng đổ lưới mà có rắn, lươn, cá lớn thì có nhiều tiền. Nhưng "êm" nhất phải là cá heo đuôi đỏ, người ta mua để thả nuôi. Hiện giá cá heo được 200.000 đồng/kg. Nếu một ngày bắt được khoảng 2kg cá heo là xem như đủ vốn rồi. Còn lại cá, cua, lươn, rắn khác thì mình lời"- ông Minh khẳng định.

Không đi bắt cá đồng xa, nhiều người chọn bắt cá trên các sông và cánh đồng gần nhà

Đánh bắt ở đồng xa thì vất vả, làm gần như xuyên đêm, nhưng những người đánh bắt cá đồng gần cũng gian nan chẳng kém. 5 giờ sáng, ông Nguyễn Văn Khanh đã cùng vợ chạy xuồng máy ra cánh đồng xã Phú Hội dỡ vài cái dớn. Đến hơn 8 giờ thì xong, vài chục ký cá bắt được ông đem bán, chỉ chừa lại cá heo đuôi đỏ về bán mối quen và những con cá lớn để gia đình ăn trong ngày.

"Làm nghề cá này không cực lắm, chỉ cần siêng năng thì có cái ăn, cái mặc, dù không giàu, nhưng mưu sinh thì được lắm" – ông Khanh chia sẻ.

Chợ cá tại kênh Ruột đang vào mùa

Con nước năm nay đến sớm hơn, nhưng nước tràn về các cánh đồng trong huyện An Phú chưa nhiều, vì thế nguồn thủy sản bản địa cũng chưa dồi dào. Đến lúc này, ông Nguyễn Văn Định, nhà tại xã Phú Hội, làm nghề đặt lọp cá lóc mới soạn lại ít cái lọp nhỏ đem ra đồng đặt. Còn số lọp lớn, nan thưa, ông để cho người cháu mang sang đồng bên Campuchia đặt.

"Năm ngoái nước về nhỏ, cá ít. Năm nay nước có cao hơn nhưng cũng không có cá nhiều. Tôi đặt lọp cá lóc nên mắc lưới lớn, ít chạy được cá. Cháu tôi phải mang vài chục cái lọp sang Campuchia đặt. Nước bên đó cũng hơn 2m rồi, chắc có cá nhiều hơn" – ông Định nói.

Những xe bán rắn, cá, chuột có nhiều trên các tuyến đường huyện An Phú vào mùa nước nổi

Đang bận vác lọp xuống xuồng, anh Nguyễn Văn Lành, cháu ông Định, cũng cho hay: "Tôi phải đặt lọp đồng xa, vì đồng gần nước cạn, ít cá, mà có cá cũng toàn cá nhỏ. Phía đồng ở Campuchia nước sâu, nguồn cá nhiều, tôi đặt lọp cá lóc nên phải mang lọp lên đó đặt mới có cá. Đóng thuế cũng vài chục triệu, nhưng nếu may thì cũng kiếm được chút tiền, vì con nước này cũng còn kéo dài hơn 2 tháng nữa".

Người làm công tại các vựa ốc luôn khẩn trương

Những người làm nghề đánh bắt cá vào mùa nước nổi ở An Phú chưa bao giờ cảm thấy nhàm chán, bởi con cá là động lực để họ có cuộc sống tốt hơn. Riêng tại Phú Hội, mỗi mùa nước nổi đến, người dân lại có nhiều việc để làm. Những người đàn ông thì rủ nhau đánh bắt cá, phụ nữ ở nhà bán cá, quán xuyến việc nhà. Những ai tranh thủ được thì làm thêm nghề lãi ốc. Mỗi vựa ốc trong những ngày này đều có từ hơn 10 lao động làm việc liên tục. Mỗi ngày hơn 10 tấn ốc được các lao động lãi lấy ruột, sau đó chủ vựa đưa đi tiêu thụ nhiều nơi.

Ông Khanh và chiến lợi phẩm của mình sau khi đổ vài cái dớn gần nhà

Giờ đây, đối với người dân xã Phú Hội nói riêng, người dân huyện An Phú nói chung, mùa nước nổi chính là mùa lao động kiếm được thu nhập tốt. Họ đã quá quen thuộc với mùa nước nổi; vì thế, mùa nước nổi đối với họ như một niềm cảm hứng thân thương.

Ông Nguyễn Văn Định soạn lại ít lọp cá lóc (loại nhỏ) để đặt trên cánh đồng xã Phú Hội

Anh Nguyễn Văn Lành (áo xanh) chuẩn bị lọp để đem lên các cánh đồng ở Campuchia bắt cá lóc

Họ chưa bao giờ trách mùa nước nổi, mà họ thương, họ yêu và gắn bó với mùa nước nổi, thích nghi bằng nhiều cách để mưu sinh và phát triển. Đó là cái cách của người dân An Phú đối với mẹ thiên nhiên, họ tự biến mùa nước nổi thành mùa vui, mùa hạnh phúc trong cuộc mưu sinh của mình.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020