Startup cuối cùng đến với "bể cá mập" tuần này là Ngọc Nguyễn – Nhà sáng lập và điều hành của đồ uống sức khỏe Luminus. Nhà sáng lập này chỉ ra một thực tế rằng, 85% thực phẩm chúng ta sử dụng hàng ngày là đồ công nghiệp, hơn 65% người dân thành thị dễ gặp những vấn đề về tiêu hóa, dạ dày. Bên cạnh đó, giữa mùa đại dịch, việc tăng cường hệ miễn dịch, tăng đề kháng, bảo vệ sức khỏe là vấn đề mà mọi người quan tâm. Khắc khoải với việc tìm ra một giải pháp cho những người xung quanh mình và xa hơn là nhận thấy mình cần có một trách nhiệm xã hội, Ngọc Nguyễn đã tạo ra các loại đồ uống tốt cho sức khỏe với thương hiệu Luminus.
Chị giới thiệu, các đồ uống của Luminus được tạo ra từ "100% trái cây tự nhiên, không dùng thêm đường sữa, chất bảo quản vào đồ uống, tận dụng độ ngọt của trái cây miền nhiệt đới". Theo đó, Ngọc Nguyễn đã đến Shark Tank Việt Nam để gọi số vốn 4,5 tỷ cho 20% cổ phần công ty.
Shark Bình liền thắc mắc, đây là sản phẩm đơn giản, ai cũng có thể làm được, chỉ cần nhà có máy xay sinh tố thôi, thậm chí chỉ cần học công thức trên mạng. Giải đáp băn khoăn của Shark Bình, Ngọc Nguyễn cho biết, đặc thù sản phẩm của mình "là công thức có định lượng, những định lượng này sẽ giải quyết và đáp ứng nhu cầu từ bên trong của mỗi người". Bên cạnh đó, đồ uống không có chất bảo quản, có thể detox, thải độc, cung cấp năng lượng sống.
Tuy nhiên, Shark Phú cho rằng, mô hình này thủ công, là mô hình kinh doanh nên Shark quan tâm đến năng suất lao động và tính quy mô. Nếu mô hình này nhân rộng lên thì sẽ khó duy trì ổn định và quản lý chất lượng.
"Em vẫn dùng máy xay sinh tố để bán kiểu bán quán như thế này á?", Shark Phú đặt câu hỏi.
Shark Hưng cũng tiếp nối hỏi về giá trị tạo ra trong sản phẩm này, "bạn có bí quyết công nghệ, bạn có công thức đặc biệt hay bạn có một loại nguyên liệu mà chỉ có bạn có, hay có máy móc công nghệ chế biến, ép chậm, ép tươi hay giữ vitamin?".
"Mấy bạn nhân viên của em học công thức được ngay, mai họ mở ngay ra cái quán y như vậy thì em sẽ làm thế nào?", Shark Phú tiếp tục vặn.
Founder của Luminus chia sẻ, nếu mô hình không thành công thì công ty đã sập từ năm 1, năm 2 chứ không trụ lại đến năm 4 như bây giờ, doanh thu 1 năm 2020 đạt 3,6 tỷ đồng, lãi 300 triệu
Nhà sáng lập Luminus chia sẻ, thương hiệu của mình đã có mặt hơn 4 năm với 60 loại đồ uống tốt cho sức khỏe. Luminus cũng có những công thức riêng cân bằng về dinh dưỡng, tối ưu hóa công dụng, hiểu được nhu cầu từ bên trong của khách hàng. "Việc hiểu được nhu cầu từ bên trong của khách hàng thậm chí còn có thể hiểu hơn các thương hiệu có mặt trên thị trường. Mình giải quyết được vấn đề và tiên phong trong những vấn đề đó" – Ngọc Nguyễn nói.
Shark Liên tiếp tục hỏi thêm về sản phẩm, những khác biệt của Luminus so với thị trường và lý do của việc đi gọi thêm vốn. Ngọc Nguyễn giải thích, chị gọi vốn để làm những mobile vending booth (quầy hàng di động) mang concept "Healthy Fast" phục vụ cho người dân thành thị và những người văn phòng, độ tuổi trung bình là từ 22 đến hơn 35 tuổi. Những quầy này sẽ ở trong trung tâm và cung ứng nhanh được các khẩu phần uống tốt cho sức khỏe cho những người bận rộn mỗi ngày. Ngọc Nguyễn cho biết các sản phẩm này có hạn sử dụng từ 1-3 ngày.
Sau chia sẻ của startup, Shark Liên đã quyết định từ chối đầu tư vì Shark nhận thấy sản phẩm không có gì đặc biệt, không có tính đột phá về sức khỏe, những công thức làm đồ uống như thế này đã rất nhiều trên các trang mạng. Bên cạnh đó, Shark cũng cho rằng mô hình không phù hợp với lĩnh vực mình mà mình đang theo đuổi.
"Gia đình nào cũng có một máy xay sinh tố hoặc máy ép trái cây, chị thấy không có gì đặc biệt cả", Shark Liên từ chối đầu tư.
Tiếp lời Shark Liên, Shark Phú tiếp tục phân tích mô hình kinh doanh và hỏi thêm cách mà nhà sáng lập sẽ quản lý khi "nhân viên có thể tự mua trái cây, tự bán mà không báo cáo về", đặc biệt là khi Luminus mở được 1.000 quầy hàng. "Mô hình này rất khó nhân rộng", Shark Phú nhận định.
Ngọc Nguyễn chia sẻ, Luminus có dây chuyền sản xuất barista (pha chế) xay theo công thức, định lượng với những trái cây chuẩn bị sẵn theo ngày. Chị cũng chia sẻ ý kiến cá nhân của mình rằng "bất kỳ sản phẩm nào hay mô hình nào cũng đều có thể copy (sao chép) được, không riêng gì mô hình của em".
Shark Phú cho rằng, khi quyết định đầu tư, các Shark luôn muốn quy mô của startup phải được nhân lớn nhưng mô hình làm sản phẩm tươi như Luminus muốn nhân lớn thì rất khó
Tuy nhiên Shark Phú cho rằng đây là hai việc hoàn toàn khác nhau. Với các thương hiệu chuỗi, thông thường để quản lý, họ thường nắm giữ các bí quyết, ví dụ như bếp trung tâm. "Người ta tự làm và cấp cho thì sẽ quản lý được đầu vào và đầu ra. Còn như em, tự người ta muatrái cây tại điểm bán đấy và tự xây bán thì khả năng quản trị, quản lý để nhân rộng sẽ gặp vấn đề" – Shark Phú nói.
Shark Bình cho rằng đây là mô hình bán sinh tố thông thường, còn Ngọc Nguyễn cho rằng mô hình của mình là "bán đồ uống sức khoẻ - bán giải pháp sức khoẻ cho khách hàng".
Các Shark và startup tiếp tục trao đổi nhiều thêm về mô hình, giá trị sản phẩm, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, cách quản lý và quản trị khi nhân rộng mô hình. Ngọc Nguyễn cho biết thêm, trước đây mình có một điểm bán hàng ở quận 2 (TP. HCM) nhưng đã đóng vào đợt dịch, còn 1 điểm đang hoạt động ở quận 3. Doanh thu của năm 2020 là hơn 3,6 tỷ và lợi nhuận là 300 triệu, tăng trưởng từ 12% lên 15%.
"Có 2 điểm em đóng 1 rồi thì em cần gì gọi vốn nhỉ?", Shark Phú đặt câu hỏi.
Nhưng trước những câu hỏi về cách quản trị khi mở rộng mô hình, Ngọc Nguyễn có vẻ hơi lúng túng và chưa trả lời chính xác được những thắc mắc của các Shark.
Lúc này Shark Phú lên tiếng chia sẻ, khi quyết định đầu tư, các Shark luôn muốn quy mô của startup phải được nhân lớn nhưng mô hình làm sản phẩm tươi như Luminus muốn nhân lớn thì rất khó. "Để quản lý những điểm mà mình chưa bao giờ đến, chất lượng, đầu vào, đầu ra rất khó khăn" – Shark Phú nói. Shark Phú cũng cho rằng, Luminus hoàn toàn không cần vốn, chỉ cần lấy lời điểm bán hàng này để mở điểm bán hàng khác. Chính vì vậy, Shark quyết định không đầu tư.
Startup cũng cho biết, mức độ phần trăm lợi nhuận từ các năm kinh doanh thì cao nhất là 15% vì "khi có lãi, lại dùng lãi đó xoay vòng vốn. Mình cải thiện về máy móc và mình cải thiện về công ty" – Ngọc Nguyễn giải thích.
Tuy nhiên, Shark Hưng không đồng ý với ý kiến này của startup vì "2 chuyện này khác nhau. Lãi vận hành là lãi vận hành. Tái đầu tư là tiền đầu tư là chuyện khác". Vì vậy, theo Shark Hưng, startup không thể bảo vì tái đầu tư nên lỗ.
Shark Hưng cũng đánh giá, startup có xu hướng tốt, Shark cũng thường xuyên sử dụng sản phẩm tương tự. Nhưng vấn đề chính là startup không trả lời được câu hỏi của Shark để thuyết phục về giá trị mang lại. "Bạn có công nghệ... để đảm bảo và cam kết với tôi rằng là dùng một lộ trình của bạn thì kết quả mang lại là cái gì. Bạn có bí quyết công nghệ hay quy trình chế biến hay nguồn nguyên liệu hay là công thức, để giám sát và vận hành các thứ, để khiến mô hình này có thể mở rộng ra được… Bán ly nước ở quy mô một cái quầy thì được nhưng mô hình kinh doanh và hệ thống là một câu chuyện hoàn toàn khác. Vận hành được nó, kiểm soát được nó và quản lý được nó. Khách hàng tin cậy và dễ dàng chấp nhận nó, trả tiền cho nó là một câu chuyện hoàn toàn khác. Bạn cũng có doanh số 3 tỷ 6, lợi nhuận 300 triệu 1 năm và vẫn sống tốt là tôi khuyên bạn cứ tiếp tục duy trì mô hình này, đừng nhân rộng nữa. Tôi không đầu tư" – Shark Hưng kết luận.
Tiếp theo Shark Hưng, Shark Louis cũng cho rằng startup đã có hướng đi tốt cho sức khỏe và môi trường nhưng không thấy rõ sự khác biệt và không có gì rào cản. Vì vậy Shark cũng quyết định không đầu tư.
Shark Bình nhận định, startup có một ước mơ tốt đẹp nhưng cảm quan về kinh doanh thì chưa tốt:
"Em vẫn còn non và xanh. Em đang gọi vốn làm chuỗi thì năng lực quan trọng nhất là năng lực quản trị chứ không phải sản phẩm, kể cả em bán nước đường có ga vẫn bán được trên toàn thế giới", Shark Bình nhận định.
Dù đánh giá rất cao đồ uống nhưng Shark Bình cho rằng startup đã thất bại trong việc gọi vốn. Vì vậy Shark Bình cũng không đầu tư.
"Bán điện máy có mấy chục năm nay, nhưng có anh 5-10 cửa hàng cũng sập, nhưng cũng có anh có 1000 cửa hàng và định giá công ty tỷ USD trên sàn chứng khoán, quan trọng là hệ thống quản trị", Shark Bình đưa ra ví dụ.
Lúc này, startup giải thích thêm rằng, với số vốn 4,5 tỷ mình gọi, chị sẽ dùng 1,2 tỷ để mở 4 quầy hàng trong năm nay. "Em không tính nhân rộng hàng loạt" – Ngọc Nguyễn nói.
Shark Phú cho rằng, nếu startup không nhân rộng quy mô thì các Shark sẽ không bao đầu tư: "Bọn anh đầu tư thì phải nhìn thấy em làm được 1.000 điểm như vậy. Nếu em đầu tư chỉ 10 cái bọn anh cũng không đầu tư. Mô hình của em phải nhân lên 1.000 điểm mà em vẫn quản lý được". Đồng tình với Shark Phú, Shark Louis cũng khuyên startup nên tìm được lời giải cho câu hỏi về cách xây dựng, quản trị được 1.000 điểm bán hàng và bảo vệ nhà đầu tư.
Trước những lời từ chối đầu tư của các Shark, Ngọc Nguyễn cho rằng mình hơi buồn với kết quả này vì rất cần vốn để mở rộng được tốt hơn. Chị cũng xin thêm ít thời gian để nghe thêm chia sẻ của các Shark.
Shark Phú liền đưa thêm những lời khuyên chân thành cho startup: "Các nhà đầu tư thường tìm kiếm mô hình kinh doanh, có thể nhân rộng tạo ra tiền và profit (lợi nhuận) cho nhà đầu tư. Khi mở rộng được nó cũng có ý nghĩa xã hội. Còn mô hình business (kinh doanh) theo kiểu gia đình, vài ba điểm bán, không nên gọi vốn ở các nhà đầu tư lớn để tránh mất thời gian cho mình và cho các nhà đầu tư".
Bổ sung thêm ý kiến của Shark Phú, Shark Bình cũng gửi lời khuyên rằng các startup lên Shark Tank phải chuẩn bị kế hoạch kinh doanh có tiềm năng tăng trưởng cao và chứng minh năng lực của founder có thể thực hiện được kế hoạch kinh doanh đó.
Châu Cao
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị