Được mệnh danh là "bông hồng thép" trong ngành logistics, doanh nhân Phạm Thị Bích Huệ nhà sáng lập và Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Western Pacific và cũng là Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã chia sẻ góc nhìn về chuỗi cung ứng logistics nội địa, cùng với những định hướng cho các bài toán mà ngành logistics tại Việt Nam đang và sẽ đối mặt trong thời điểm dịch bệnh tái bùng phát nghiêm trọng tại Talk show Nguy Cơ do VnExpress tổ chức.
Chị Bích Huệ tự nhận mình là một con người có tư duy tích cực, trong mọi hoàn cảnh đều luôn có cơ hội và động lực đi tới. Chị Huệ chia sẻ, nếu trong trường hợp mất hết tất cả, thứ cuối cùng chị muốn giữ lại đó là "ý chí": "Từ lúc khởi nghiệp cho đến bây giờ, Huệ không nghĩ rằng Huệ là giỏi, là thông minh mà Huệ nghĩ cái mà cá nhân mình có được đó chính là ý chí mình luôn đeo bám và quyết tâm với con đường của mình".
Tình trạng đứt gãy của chuỗi cung ứng ngành logistics Việt Nam trong đại dịch
Mở đầu Talkshow, host Nguyễn Phi Vân cho rằng ngành logistics quốc tế nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang bị gián đoạn và chịu nhiều ảnh hưởng, đặc biệt sau nhiều đợt bùng phát của đại dịch COVID-19. Đồng ý với nhận định này, chị Bích Huệ bổ sung rằng ngành logistics đang chịu thiệt hại lớn, nhưng cũng là một ngành biến đổi và thích nghi rất nhanh.
"Trong 10 năm trở lại đây, mọi người đều nghĩ khái niệm logistics là một ngành phục vụ cho hàng hóa giao thương, xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện nay, ngành logistics đã từ từ chuyển dịch khi có đến trên 50 % phục vụ cho thị phần tiêu thụ nội địa, cụ thể là đi theo sự tăng trưởng đột biến của thương mại điện tử. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức, vì nó đặt ra những bài toán như tốc độ đổi mới công nghệ, chi phí vốn lớn, chi phí đầu tư các trung tâm logistics phát triển cùng với các trung tâm thương mại điện tử", Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ chia sẻ về sự biến đổi của ngành logistics hiện nay.
Nhận định về khó khăn của ngành logistics, chị Bích Huệ cho rằng: "Chúng ta có một điểm yếu là việc quy hoạch không đồng bộ dẫn đến các cơ sở hạ tầng của logistics đi theo rất khó. Một thách thức nữa là vốn, thị phần logistics của Việt Nam đang ngày càng bị thu nhỏ lại khi phải chia sẻ thị phần cho các tập đoàn đa quốc gia vì họ có kinh nghiệm, có vốn lớn. Ngành logistics hiện tại của Việt Nam hoàn toàn thụ động. Việt Nam không có đội tàu, vì vậy trong thời gian biến động vừa qua, việc đặt được một container giống như "một phần thưởng rất lớn", vì tất cả các đội tàu đều đang được chi phối bởi các tập đoàn đa quốc gia của nước ngoài. Việt Nam chưa tham gia vào thị trường đội tàu quốc tế nên việc tăng, giảm trong tổng chi phí logistics liên quan đến các cước phí vận chuyển của tàu rất cao. Chỉ cần có một quốc gia hay một chính phủ can thiệp vào đội tàu, thị phần giao thương hàng hóa của Việt Nam sẽ lập tức gặp nhiều khó khăn".
Theo chị Huệ chúng ta đã nhìn thấy một bức tranh rõ nét về đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Cước phí booking có thể tăng 1000% chỉ sau một tuần, tức là hơn 10 lần. Điều đó làm ảnh hưởng đến những hợp đồng kinh doanh với đối tác, và làm gãy toàn bộ những hoạch định và đàm phán trước đó. Vì vậy, doanh nghiệp logistics khó có thể đề ra những chiến lược lớn và ký kết các hợp đồng dài hạn với đối tác như trước đây, tất cả đều phải nghe ngóng, thăm dò thị trường và thích nghi với tính thực tế.
Chia sẻ về tổng quan của ngành logistics Việt Nam, chị Bích Huệ cho biết: "Trong đại dịch vừa qua ngành logistics có chỉ số tốt hơn các ngành khác. Đối tượng logistics phục vụ xuất khẩu ảnh hưởng rất nhiều, còn những doanh nghiệp phục vụ cho cả nội địa và thương mại điện tử phát triển rất tốt. DN Việt Nam phát triển tương đối nhỏ lẻ. Các doanh nghiệp vận tải cũng gọi là công ty logistics, hay một công ty đi khai thuê hải quan cũng gọi là công ty logistic. Hầu như DN Việt Nam đi vào thị phần này là phần lớn, trong khi các DN nước ngoài và doanh nghiệp lớn thì họ coi đây chỉ là một phần trong chuỗi mà họ cung cấp chứ họ không tách rời. Một thị phần nữa là các doanh nghiệp sở hữu các tài sản hạ tầng logistics lớn thì hầu như các DN này đi lên từ doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hoá, đó có thể là cảng hay những công ty về kho vận. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì việc chuyển đổi chậm và không thích nghi được với thị trường".
Đối diện rủi ro - giữ lấy ngọn lửa của ý chí
Thừa nhận doanh nghiệp Western Pacific của chị cũng không nằm ngoài nỗi đau chung toàn ngành, doanh nhân Bích Huệ xúc động nhớ lại vụ hỏa hoạn đã thiêu hủy toàn bộ hệ thống kho 30.000m2 của Western Pacific vào năm 2019. Chị đã đối diện với khủng hoảng này với một tâm thế bình tĩnh và đầy nghị lực. Ngọn lửa đã thiêu hủy cơ sở hạ tầng nhưng cũng đã tiếp thêm cho chị ý chí để cố gắng hơn nữa. Trong nguy vẫn luôn có cơ, chị Huệ cho rằng trung tâm này là cơ sở đầu tiên nên có nhiều khiếm khuyết vì chị chưa được trải nghiệm thực tế, vì vậy chị đã xem đây là dịp để "khởi động lại" một trung tâm mới, hoàn thiện hơn và khắc phục lại những điều thiếu sót trước đây chưa tính toán được. Với góc nhìn thực tế của một doanh nhân, chị đã tái cấu trúc hệ thống và tự tin cho rằng doanh nghiệp Western Pacific của thời điểm hiện tại đã vượt qua thử thách, tạo được "kháng thể" cần thiết để đối mặt với đại dịch.
Chị Huệ tự nhận xét bản thân là một người luôn đi tìm "giải pháp". Khi được hỏi về những giải pháp khả quan cho ngành, chị Huệ chia sẻ, nếu chỉ xét về góc độ cung ứng cho xuất nhập khẩu thì logistics đang gặp rất nhiều khó khăn và thử thách, các chỉ số đều giảm. Dù vậy, nếu doanh nghiệp nghiêm túc chuyển hướng phục vụ cho thị trường tiêu thụ nội địa thông qua thương mại điện tử thì các chỉ số đã có sự tăng trưởng.
Các trung tâm logistics và thương mại điện tử đang nổi lên đều đòi hỏi các vị trí đất đẹp để hình thành hạ tầng thiết yếu cho ngành. Nếu các doanh nghiệp logistics và thương mại điện tử liên kết được với nhau và có những kiến nghị với Chính phủ để tiếp cận các quy hoạch sớm nhất và đồng bộ từ ban đầu, Việt Nam có thể đi nhanh hơn các tập đoàn đa quốc gia nước ngoài vì chúng ta đang có thế mạnh trong khâu thực hiện thủ tục pháp lý, các thủ tục để tiếp cận với đất đai, với các nguồn tài nguyên. Chị Bích Huệ cho rằng, cần phải có những doanh nghiệp "sếu đầu đàn" để tạo ra những hiệu ứng, những trung tâm mới để điều tiết thị phần, thị trường một cách thích hợp nhất.
Chuyển đổi số và cải tiến để thích nghi - chìa khóa bước vào cánh cửa tương lai
Doanh nhân Bích Huệ hoàn toàn tự tin vào một tương lai màu hồng của ngành logistics vì chính phủ Việt Nam đang đặt nhiều sự quan tâm cho ngành. Bên cạnh đó, các lãnh đạo địa phương khi quy hoạch các vùng, các khu công nghiệp đều có đặt vấn đề cho logistics đồng hành. Nhìn chung, mọi người đã nhìn nhận và đánh giá được vai trò quan trọng của logistics trong nền kinh tế. Nhu cầu thuê dịch vụ logistics của các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đang ngày càng tăng. Rõ ràng logistics đang phát triển theo một chiều hướng sâu hơn.
Bên cạnh đó, chị Bích Huệ có lời khuyên dành cho các startup muốn đầu tư chuyển đổi số cho ngành logistics. Nếu muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực này, startup cần phải am hiểu thật sâu về ngành. Việt Nam có một chuỗi logistics từ mức thấp nhất đến mức cao nhất. Nếu các startup công nghệ có được các giải pháp kết nối được tất cả các chuỗi cung ứng, chuỗi logistics thì đây sẽ là một tín hiệu tốt cho tương lai của ngành. Ngoài ra, cảng biển là một trong những ngành cốt lõi của mọi quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, nhưng hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có một doanh nghiệp công nghệ nào phát triển được một hệ thống phần mềm quản lý cảng biển quốc tế. Nếu startup công nghệ có thể khai thác được vấn đề này, "đo ni đóng giày’’ sản phẩm cho từng chuỗi cung ứng, liên kết các chuỗi lại với nhau và bắt kịp xu thế mới thì thị phần logistics sẽ bớt được gánh nặng chuyển đổi số để cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia.
Nữ doanh nhân Phạm Thị Bích Huệ là "đại bàng lửa" đã hồi sinh từ đống tro tàn. Đối với chị, Covid-19 không phải là rủi ro lớn nhất mà chị đã trải qua. Qua đó buổi Talkshow, chị Huệ cũng đã chia sẻ những từ khóa rất hữu ích trong quá trình khởi nghiệp, phát triển và phục hồi của Western Pacific.
Thứ nhất, đó là sự tích cực, tâm thế luôn luôn hướng về những điều tốt hơn, đứng lên làm lại từ những thất bại và luôn nghĩ về bài toán của tương lai.
Thứ hai, đó là câu chuyện về ý chí. Chúng ta có rất nhiều rủi ro trong cuộc sống, COVID-19 có thể là một trong những rủi ro đó, và điều đó không có nghĩa là nó có thể ngăn cản chúng ta có được những kế hoạch, những hành trình và những dự định tốt hơn cho tương lai. Do đó, chúng ta hãy giữ vững ý chí, tiếp tục bắt đầu những hành trình mang mới nhiều hy vọng hơn sau đại dịch.
Và từ khóa cuối cùng là niềm tin. Dù sao đi chăng nữa, tất cả "nguy" rồi cũng sẽ qua đi và chúng ta đều cũng sẽ có những "cơ" xán lạn đang chờ ở phía trước nếu như chúng ta giữ vững niềm tin.
Châu Cao
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị