Chiều 9-2, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan đã có buổi họp mặt công tác đầu năm 2022 với giám đốc Sở NN-PTNT của 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL tại tỉnh Bạc Liêu.
Cần thành lập trung tâm liên kết chế biến, tiêu thụ
Tại buổi họp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết đây là dịp để lãnh đạo 13 Sở NN-PTNT chia sẻ thực trạng sản xuất, những thuận lợi, khó khăn của năm 2021 vừa qua, cũng như kế hoạch hành động, đề xuất các giải pháp thực hiện nhằm đạt các mục tiêu và kế hoạch của năm 2022 của ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, khẳng định mô hình sản xuất lúa - tôm hiện nay là mô hình bền vững mà địa phương này đang quan tâm phát triển, đồng thời đẩy mạnh liên kết bao tiêu, xây dựng chứng nhận chất lượng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (bìa phải) trò chuyện với nông dân trồng quýt hồng ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: NGỌC TRINH
"Khó khăn hiện nay chính là hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ, rủi ro cao do xâm nhập mặn. Địa phương kiến nghị Bộ NN-PTNT cần xác định ranh giữa các vùng sản xuất trong vùng, đầu tư mạnh cho hệ thống thủy lợi giúp người dân thuận lợi trong sản xuất" - ông Sử phát biểu.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết hiện tại tỉnh này có vùng sản xuất tôm - lúa hữu cơ hơn 60.000 ha. Đây là mô hình đã khẳng định tính bền vững. Sắp tới, tỉnh sẽ mở rộng diện tích sản xuất lên hơn 100.000 ha. Tỉnh Kiên Giang kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm triển khai giai đoạn 2 dự án Cái Lớn - Cái Bé để chuyển nước ngọt về huyện Vĩnh Thuận, An Biên và các tỉnh vùng ĐBSCL…
Nhiều lãnh đạo ngành nông nghiệp kiến nghị cần có trung tâm kết nối liên kết chế biến, tiêu thụ nông sản của vùng. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng mong muốn bộ tiếp tục hỗ trợ ngành nông nghiệp địa phương, đặc biệt là về điều kiện thủy lợi, hạ tầng, liên kết tiêu thụ sản phẩm… Đồng thời cũng đề xuất cần có bộ phận liên kết vùng để dẫn dắt, định hướng cho sản xuất nông nghiệp 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, nhất là trong những lúc khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản do dịch bệnh vừa qua.
Đã đến lúc có một nền nông nghiệp tự chủ
Tại buổi họp mặt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh, thành ĐBSCL phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Ngành nông nghiệp các tỉnh phải làm sao nhanh chóng lan tỏa tinh thần, tư duy đó. Trong đó, thiết thực nhất là thực hiện thông qua các mô hình, nổi bật như lúa thơm - tôm sạch ở vùng ĐBSCL.
"Đã đến lúc ĐBSCL phải tự tin 10 năm, 20 năm nữa thương hiệu vùng được xây dựng từ chính những khó khăn trong điều kiện khắc nghiệt. Chúng ta cùng nhau phải vượt qua khó khăn và trở thành hình mẫu là một trong những đồng bằng thích ứng với biến đổi khí hậu trên thế giới" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan làm việc với lãnh đạo ngành nông nghiệp 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Ảnh: DUY NHÂN
Sau khi lắng nghe báo cáo, đề xuất và hiến kế từ giám đốc Sở NN-PTNT các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: "Chúng ta cần thoát dần tư duy mùa vụ, từng năm. Ngành nông nghiệp cần có chiều dài trong tư duy, định hướng để có những chiến lược giải quyết được các vấn đề nội tại. Bên cạnh đó chúng ta cần có nền nông nghiệp xanh, bền vững. Xu thế tiêu dùng trên thế giới chính là sử dụng nông sản khi được sản xuất không có sự tác động đến môi trường".
Bộ trưởng cũng lưu ý các tỉnh ĐBSCL cần nhận thức rõ rằng đất đai vùng đồng bằng lớn nhất nước giờ đang manh mún nhưng tư duy của con người thì không được manh mún. Có những loại nông sản có mặt ở nhiều tỉnh trong vùng, trùng lặp nhưng lại nhỏ lẻ, chưa có vùng sản xuất. Vấn đề là cần sự liên kết trong cả sản xuất và tiêu thụ. Việc phát triển thị trường, kêu gọi doanh nghiệp cần được các địa phương làm cùng lúc với việc chuẩn hóa vùng sản xuất.
"Tái cơ cấu nông nghiệp thực chất là cuộc cách mạng về tư duy tổ chức sản xuất, sau đó mới là khoa học kỹ thuật, hạ tầng, thị trường… Đã là cách mạng thì không phải ngồi trong phòng lạnh mà phải lội bùn, lội ruộng với nông dân. Đã đến lúc chúng ta cần có một nền nông nghiệp tự chủ, trong đó tính tổ chức là rất quan trọng. Đặc biệt, chúng ta phải đi vào chuẩn hóa, thoát khỏi nền nông nghiệp dễ dãi" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan kết luận.
Mỗi tỉnh nên xây dựng slogan
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói rằng khi đến Bạc Liêu, ông đã ấn tượng một câu quen thuộc như là: "Bạc Liêu giấc mơ tình yêu" và rất tiếc là Bạc Liêu không lấy câu đó làm khẩu hiệu cho riêng mình. Theo Bộ trưởng, mỗi tỉnh nên xây dựng khẩu hiệu (slogan) cho riêng mình, thay vì dùng một câu đơn điệu là "Bạc Liêu kính chào quý khách". Từ thương hiệu, hình ảnh địa phương dẫn đến cảm tình, cảm xúc khó quên cho khách. Điều đó không chỉ gây ấn tượng với khách mà còn là niềm tự hào của người dân địa phương.