Sau khi tăng giá điên cuồng, hôm qua thị trường tiền số đã "chìm trong biển lửa" với gần như toàn bộ các mã đều lao dốc không phanh. Một loạt yếu tố tiêu cực, từ những bình luận của Elon Musk cho đến quy định mới siết chặt quản lý tiền số của chính phủ Trung Quốc, đã nhấn chìm thị trường vốn biến động cực mạnh suốt từ khi ra đời đến nay.
Có lúc Bitcoin đã giảm xuống dưới 30.000 USD, tương đương giảm hơn 30%. Đồng tiền số lớn thứ hai là Ether cũng lao dốc mạnh và có lúc thủng mốc 2.000 USD, tương đương giảm hơn 40% chỉ trong chưa đến 24 giờ.
Mặc dù đến thời điểm hiện tại đã hồi phục, thậm chí quay lại mốc 40.000 USD, cú sập hôm qua đảo ngược đà tăng như vũ bão mà thị trường đã chứng kiến từ nửa cuối năm ngoái. Tính từ tháng 9 đến nay, giá Bitcoin vẫn tăng hơn 200% mà nguyên nhân chính là nhờ sự quan tâm của các nhà quản lý quỹ, các ngân hàng và các doanh nghiệp đối với tiền số.
"Số người sở hữu tiền số đã tăng lên rất nhiều. Tiền số đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của xã hội và chúng ta vừa có một loạt sự kiện trùng hợp xảy ra cùng lúc: các biện pháp kích thích bơm tiền vào túi những người dân nhàn rỗi vì dịch bệnh, các dòng tweet của Elon Musk, các tổ chức cũng nói về tiền số… Và cuối cùng chúng ta lại cùng tham gia vào 1 đợt bán tháo", Mike Novogratz, người lâu nay vẫn đặt cược lớn vào tiền số, phát biểu trong chương trình "Squawk Box" của CNBC.
Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến cú sập của thị trường, theo CNBC.
Sự ủng hộ của các định chế tài chính suy giảm
Ít nhất thì ở thời điểm hiện tại và trong ngắn hạn, lý thuyết cho rằng tiền số đang được chấp nhận rộng rãi hơn đã không còn đúng.
Đầu năm nay, Elon Musk thông báo Tesla chi hơn 1 tỷ USD để mua Bitcoin và liệt kê ngay trên bảng cân đối kế toán. Một số công ty thanh toán cũng cho biết đang nâng cấp công nghệ để cho phép khách hàng giao dịch bằng Bitcoin, và nhiều ngân hàng lớn phố Wall cũng bắt đầu triển khai các nhóm trading tiền số phục vụ khách hàng. Sàn giao dịch tiền số hàng đầu thế giới Coinbase chính thức lên sàn từ giữa tháng 4.
Tuy nhiên, tuần trước Musk đột ngột thông báo Tesla sẽ không còn chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin do những lo ngại về môi trường. Và sau khi tăng vọt lên mức hơn 400 USD trong phiên giao dịch đầu tiên hôm 14/4, cổ phiếu Coinbase đã liên tục giảm giá và hiện ở mức gần 220 USD/cổ phiếu. Ngày cổ phiếu này lên sàn cũng là ngày Bitcoin lập đỉnh gần nhất.
Thêm vào đó, 1 báo cáo mới nhất từ JPMorgan nhận định dựa trên các hợp đồng tương lai có thể thấy các nhà đầu tư định chế dường như đang quay lưng với Bitcoin và quay trở lại với vàng. Bitcoin thường được mệnh danh là "vàng kỹ thuật số", có thể thay thế vai trò nơi cất giữ giá trị của vàng.
Nhà đầu tư quay lưng với tài sản rủi ro
Không chỉ thị trường tiền số đỏ lửa mà những tuần gần đây các cổ phiếu công nghệ và nhóm cổ phiếu tăng trưởng - vốn đem lại hiệu suất vượt trội so với toàn thị trường trong suốt đại dịch – cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Ark Innovation ETF, quỹ theo dõi các cổ phiếu tăng trưởng mạnh do "ngôi sao đầu tư" Cathie Wood dẫn dắt – đã giảm hơn 30% so với mức đỉnh lập hồi tháng 2. Tính đến sáng hôm qua 19/5, chỉ số Nasdaq đã giảm 6,9% so với đỉnh lập ngày 26/4. Cùng kỳ, chỉ số Russell 2000 giảm 5,6%.
Đợt giảm điểm này trùng hợp với thời điểm hết hạn chính sách hoãn thuế - điều khiến không ít nhà đầu tư gặp áp lực phải bán ra để thu về tiền mặt nộp thuế.
Những lo ngại về pháp lý
Càng lớn mạnh và trở thành thành phần đóng vai trò to lớn trên thị trường tài chính, Bitcoin và các tài sản liên quan càng gặp nhiều áp lực từ các cơ quan quản lý trên khắp thế giới.
"Chúng tôi tin rằng chiến dịch đàn áp tiền số của các chính phủ có thể kích hoạt 1 "mùa đông" bao trùm tiền số và khiến khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh. Nhiều khả năng các nước đang phát triển sẽ hà khắc hơn với tiền số vì họ coi đây là 1 nguy cơ đe doạ các đồng tiền pháp định và hệ thống tiền tệ", chuyên gia Harshita Rawat của Bernstein nhận xét.
Trung Quốc, quốc gia cũng đang phát triển đồng tiền kỹ thuật số do chính phủ phát hành, hôm qua đã ban hành luật mới nhằm siết chặt quản lý thị trường tiền số, cấm các công ty tài chính cung cấp dịch vụ phục vụ giao dịch tiền số.
Ở Mỹ, tân Chủ tịch SEC Gary Gensler cho rằng các nhà quản lý nên giữ thái độ "trung lập về công nghệ" nhưng vẫn cần phải bảo vệ người tiêu dùng trên thị trường tiền số.
Sự trỗi dậy điên cuồng của Dogecoin, đồng tiền khởi đầu chỉ là 1 trò đùa trước khi được Elon Musk bơm thổi, cũng ảnh hưởng tiêu cực đến mức độ tin cậy của thị trường tiền số. Có nhiều dấu hiệu cho thấy đà tăng vừa qua xuất phát từ hoạt động đầu cơ hơn là mối quan tâm của các định chế tài chính.
Biến động giá Dogecoin.
Tham khảo CNBC
Thu Hương
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị