Chuyên mục  


dpvacxinsotxuathuyet-11a-read-only-1726879539160958490296.jpg

Bé Nguyễn Bảo Khánh Ngân (5 tuổi, quận Gò Vấp) là em bé đầu tiên được tiêm vắc xin ngừa sốt xuất huyết tại Trung tâm tiêm chủng VNVC - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chiều 20-9, mưa không ngớt nhưng cả gia đình chị Nguyễn Thị Kim Yến (34 tuổi, ở Gò Vấp, TP.HCM) gồm chị, chồng chị và con gái 5 tuổi vẫn sắp xếp đến Trung tâm tiêm chủng VNVC (đường Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận) để tiêm vắc xin sốt xuất huyết.

Con gái chị Yến - bé Khánh Ngân - là khách hàng đầu tiên của Hệ thống tiêm chủng VNVC được tiêm ngừa vắc xin sốt xuất huyết này.

Vui mừng khi có vắc xin sốt xuất huyết

Hai năm trước, bé Khánh Ngân từng mắc sốt xuất huyết. Gia đình chị Kim Yến thay nhau chăm con nằm trong bệnh viện cả tuần lễ. Chứng kiến con gái từng mắc bệnh, cộng thêm nỗi lo những người xung quanh cũng có người mắc bệnh nên cả gia đình chị Kim Yến cũng tiêm vắc xin sốt xuất huyết để phòng bệnh.

Anh Trần Minh, 45 tuổi, cũng là một trong những khách hàng được tiêm vắc xin sốt xuất huyết sớm nhất. Anh Minh kể lúc 6 tuổi anh từng bị sốt xuất huyết một lần. Từ đó đến nay chưa từng mắc lại nhưng thấy tình hình dịch bệnh phức tạp, anh cũng đã chủ động đi tiêm phòng. 

Ngoài việc tiêm vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết, anh Minh cho hay anh vẫn giữ vệ sinh môi trường sống để ngăn muỗi sinh sản và truyền bệnh.

Nghe tin có vắc xin sốt xuất huyết, anh P.T.L. (41 tuổi, ngụ ở Q.Bình Thạnh) cho biết sẽ thu xếp thời gian đưa cả gia đình đi tiêm vào cuối tuần. Từng có cả vợ, con cùng mắc bệnh sốt xuất huyết, anh L. hiểu rõ căn bệnh này "đáng sợ" thế nào. "Tôi chờ đợi vắc xin này lâu lắm rồi!", anh L. nói.

Tương tự, anh V.H.P. (37 tuổi, ngụ ở Bình Dương) vừa có con gái 8 tuổi mắc bệnh sốt xuất huyết nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, cũng bày tỏ niềm vui khi biết tin đã có vắc xin sốt xuất huyết. Anh P. cho hay cũng sẽ sắp xếp để đưa cả nhà đi tiêm vắc xin này. 

Từng chăm con gái sốt cao, li bì trong nhiều ngày, với anh có vắc xin sốt xuất huyết để tiêm sẽ mang lại sự an tâm cho gia đình anh, nhất là khi xung quanh nhà anh ở vẫn đang có nhiều người mắc bệnh sốt xuất huyết.

Chị N.T.D. (40 tuổi, ngụ ở Đồng Nai) mới có con mắc bệnh sốt xuất huyết cũng chia sẻ chị sẽ đưa cả nhà đi tiêm ngừa vắc xin sốt xuất huyết, thậm chí còn chia sẻ thông tin này với họ hàng, những người quen để biết đi tiêm ngừa. Chị D. kể mới đây chỉ trong họ hàng nhà chị đã có 7 người mắc sốt xuất huyết.

Vắc xin là thành quả rất lớn, sẽ góp phần hiệu quả trong công tác khống chế dịch. Việc sử dụng vắc xin sẽ giảm số ca mắc bệnh, những ca mắc nặng và ca tử vong.
PGS Trần Đắc Phu

Người dân thành phố có nguy cơ cao mắc sốt xuất huyết

Trong chiều 20-9, Hệ thống tiêm chủng VNVC đã chính thức ra mắt và triển khai tiêm vắc xin sốt xuất huyết của Takeda, Nhật Bản cho trẻ em từ 4 tuổi và người lớn. VNVC cũng là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam tiêm vắc xin này cho người dân.

Phát biểu tại buổi ra mắt, PGS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đánh giá đây là một sự kiện quan trọng và rất phấn khởi. Ông Phu hy vọng vắc xin sốt xuất huyết sẽ giảm được số ca mắc, số ca nhập viện và như vậy sẽ giảm được số ca tử vong, khống chế được dịch sốt xuất huyết đang lưu hành.

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, giám đốc y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, vắc xin sốt xuất huyết của Takeda, Nhật Bản được đưa vào sử dụng lần đầu tiên trên thế giới từ năm 2018. Đến nay, vắc xin này đã được sử dụng rộng rãi tại hơn 40 quốc gia, đặc biệt ưu tiên sử dụng cho các nước thường xuyên có dịch phức tạp.

Vắc xin sốt xuất huyết có hiệu quả phòng cả 4 type vi rút sốt xuất huyết gây bệnh (DEN-1, DEN-2, DEN-3, DENV-4). Vắc xin này có hiệu quả phòng bệnh lên đến hơn 80% và ngăn ngừa nguy cơ nhập viện lên đến 90%.

Đặc biệt, loại vắc xin này có hiệu quả phòng tái nhiễm cho người từng mắc sốt xuất huyết, điều này rất có ý nghĩa đối với Việt Nam bởi hiện số người từng mắc sốt xuất huyết ít nhất một lần khá cao.

 Với tình trạng lần mắc bệnh sau thường nặng hơn lần trước, việc tiêm vắc xin kịp thời giúp người bệnh được bảo vệ tốt sức khỏe và tính mạng.

Một câu hỏi đặt ra là "Vắc xin sốt xuất huyết tiêm cho trẻ từ 4 tuổi trở lên. Vậy trẻ dưới 4 tuổi sẽ phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết như thế nào?". Trước câu hỏi này, bác sĩ Chính cho biết vắc xin sốt xuất huyết có thể tiêm cho phụ nữ trước khi mang thai.

Khi đó, một lượng kháng thể truyền sang nhau thai sẽ bảo vệ cho em bé ít nhất đến khi em bé được 6 tháng tuổi. Còn sau đó, các gia đình phải diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Vắc xin sốt xuất huyết có lịch tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng, có thể tiêm đồng thời với nhiều vắc xin khác tùy chủng loại.

Phụ nữ nên hoàn thành lịch tiêm vắc xin tốt nhất trước 3 tháng và ít nhất 1 tháng trước khi mang thai. Giá tiêm là 1.390.000 đồng/mũi vắc xin.

Theo ông Phu, trong khuyến cáo của vắc xin sốt xuất huyết, trước tiên tiêm ở vùng có nguy cơ cao mắc sốt xuất huyết và tiêm càng sớm càng tốt trong độ tuổi được chỉ định để không bị mắc bệnh.

Ông Phu thông tin: "Vùng có nguy cơ cao mắc sốt xuất huyết nhất là ở thành phố do thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều vật phế thải, các dụng cụ chứa nước. Sau đó mới đến các vùng đồng bằng như miền Tây, ven biển miền Trung, đồng bằng miền Bắc là những nơi lưu hành sốt xuất huyết".

dpvacxinsotxuathuyet-5-read-only-17268795391561071136862.jpg

Vắc xin ngừa sốt xuất huyết do Takeda sản xuất được bảo quản tại kho đông lạnh của Trung tâm tiêm chủng VNVC - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bệnh phức tạp, khó kiểm soát

Bệnh sốt xuất huyết vào Việt Nam từ năm 1959, hiện vẫn là căn bệnh lưu hành ngày càng phức tạp, lan rộng. Hằng năm vẫn có từ hàng trăm nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, có từ vài chục đến vài trăm trường hợp tử vong.

Sốt xuất huyết không những lan rộng về quy mô, không còn tính chu kỳ, thay đổi về độ tuổi mắc và càng thể hiện sự khó kiểm soát do đô thị hóa, sự đi lại, các vấn đề xã hội...

Dù đã có vắc xin phòng chống sốt xuất huyết, ông Phu vẫn khuyến cáo người dân bên cạnh việc tiêm vắc xin sốt xuất huyết phải tiến hành diệt lăng quăng/bọ gậy vì không phải 100% người dân đều được tiêm vắc xin, không phải vắc xin nào cũng có hiệu quả 100%, không phải cứ tiêm vắc xin thì không bị mắc bệnh mà có thể vẫn bị mắc nhưng bị nhẹ...

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020