Chuyên mục  


"Ứng dụng hẹn hò giúp kết nối và mở rộng cơ hội gặp gỡ nhanh chóng, dễ dàng hơn bao giờ hết, thiết lập các mối quan hệ tạm thời, có thể dẫn đến gia tăng số lượng bạn tình, từ đó tăng khả năng lây truyền bệnh qua đường tình dục", BS.CK2 Nguyễn Thị Phan Thúy, Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TP HCM, nói tại hội nghị khoa học do bệnh viện tổ chức, ngày 1/12.

Theo bác sĩ Thúy, nhiễm khuẩn qua đường tình dục gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng toàn cầu, gia tăng gánh nặng cho hệ thống y tế, tăng sự kỳ thị và bạo lực gia đình. Nếu không điều trị đúng và thích hợp, bệnh có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như vô sinh, biến chứng trong thai kỳ như sảy thai, thai lưu, dị tật bẩm sinh. Nhiễm khuẩn tình dục như herpes, lậu và giang mai có thể làm tăng nguy cơ mắc HIV gấp 5 lần. Ngoài ra, khuẩn HPV, viêm gan B làm tăng nguy cơ mắc ung thư...

Bên cạnh sự phổ biến ứng dụng hẹn hò và mạng xã hội, một số yếu tố tác động làm tăng các bệnh lây truyền đường tình dục là sự gia tăng tỷ lệ nam quan hệ đồng tính (MSM), việc sử dụng ma túy làm tăng các hành vi tình dục nguy cơ, ảnh hưởng của dịch HIV/AIDS làm suy giảm miễn dịch. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 làm suy giảm nguồn lực y tế cho các phòng khám và chương trình kiểm soát bệnh lây truyền đường tình dục, góp phần khiến số ca mắc tăng cao.

BS.CK2 Nguyễn Thị Phan Thúy, Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TP HCM, báo cáo tại hội nghị khoa học ngày 1/12. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận mỗi ngày toàn cầu có khoảng một triệu ca nhiễm mới các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đa số không có triệu chứng. Bệnh viện Da Liễu TP HCM tiếp nhận hơn 75.000 ca mắc bệnh tình dục trong năm 2023, có sự tăng nhanh hàng năm, đặc biệt là sau dịch Covid-19.

"Nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục tưởng đã được kiểm soát tốt trước đây đang có sự bùng phát trở lại", bác sĩ Thúy nói. WHO báo động bệnh giang mai đang gia tăng đáng kể, đặc biệt là ở các khu vực như châu Mỹ và châu Phi, với số ca mắc giang mai ở người lớn vượt quá 8 triệu vào năm 2022. Đáng chú ý là số ca mắc giang mai bẩm sinh đã ghi nhận hơn 700.000 ca. Các nhà dịch tễ học ước tính số ca mắc giang mai sẽ tăng trong thập kỷ tới.

Số ca nhiễm lậu ở nhóm đồng giới nam cũng tăng, chiếm khoảng 60% số ca mắc, đa số không có triệu chứng. Điều gây lo ngại là vi khuẩn lậu đang kháng lại gần như mọi loại thuốc từng được sử dụng để điều trị. Một số bệnh khác như hột xoài vốn không phổ biến ở Việt Nam, nay đã bắt đầu ghi nhận nhiều ca.

Bác sĩ Bệnh viện Da Liễu TP HCM khám cho nam bệnh nhân mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

PGS.TS Nguyễn Trọng Hào, Chủ tịch trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Liên chi hội Da Liễu TP HCM, cho rằng sự gia tăng của các bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra nhiều thách thức trong chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa. Mô hình bệnh tật đang có nhiều thay đổi, có những bệnh trước đây rất hiếm giờ đã xuất hiện nhiều, trong đó nhiều tác nhân không gây triệu chứng, khiến bệnh càng dễ lây lan.

Cụ thể, trong chẩn đoán, nhiều xét nghiệm có chi phí cao, rất khó triển khai rộng trên cộng đồng, đặc biệt là ở những nước thu nhập trung bình và thấp, có nguồn lực y tế chưa cao như Việt Nam. Trong khi đó, nếu chỉ tiếp cận theo triệu chứng, dựa vào lời khai của người bệnh, sẽ rất dễ bỏ sót các trường hợp không triệu chứng. Chưa kể, không ít trường hợp mắc nhiều loại bệnh tình dục cùng lúc, cũng như nhiều bệnh nhiễm trùng tình dục lại xảy ra ở các vị trí ngoài sinh dục, gây nhiều khó khăn trong chẩn đoán.

Với điều trị, các hướng dẫn chưa thống nhất, dẫn đến việc áp dụng còn nhiều lúng túng. Nguy cơ thiếu nguồn thuốc điều trị đang xảy ra tại nhiều nơi. Tình trạng kháng thuốc trên toàn cầu đang rất đáng báo động, dẫn đến việc điều trị khó hiệu quả.

Trong phòng ngừa, vấn đề đáng chú ý là sự hiệu quả của thuốc PrEP chống lây nhiễm HIV đã làm giảm đáng kể tỷ lệ sử dụng bao cao su, thói quen tình dục cởi mở hơn, dẫn đến tăng nguy cơ các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Một nghiên cứu của châu Âu cho thấy người dùng PrEP có tỷ lệ mắc bệnh tình dục tăng 24% so với người không dùng.

Ngoài ra, vẫn còn xảy ra tình trạng bị kỳ thị, khó tiếp cận cơ sở y tế công của cộng đồng đồng tính nam, chuyển giới. Điều này khiến bệnh nhân ngại đi khám, hoặc tìm đến những phòng khám trái phép, không uy tín, khiến bệnh càng khó kiểm soát.

Ở nhiều nước phát triển, thai phụ được tầm soát giang mai khi khám thai lần đầu. Người có hành vi nguy cơ được xét nghiệm lúc thai 28 tuần và trước sinh để tầm soát giang mai bẩm sinh cho trẻ. Một số nơi còn xét nghiệm tầm soát giang mai tất cả bệnh nhân vào cấp cứu ở bệnh viện. Hiện, chương trình tầm soát ở Việt Nam chưa phát triển, bỏ sót nhiều ca bệnh trong cộng đồng, đặc biệt là giang mai ở trẻ sơ sinh.

Lê Phương

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020