Chuyên mục  


hinh-anh-24-1-25-luc-1952-1737723194011661746392.jpeg

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: REUTERS

Trong một tài liệu nội bộ gửi tới nhân viên hôm 23-1, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus thừa nhận WHO đang phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng về tài chính sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi tổ chức này.

Để giải quyết khó khăn, WHO dự kiến cắt giảm chi phi đi lại và tạm dừng tuyển dụng nhân sự mới, ngoại trừ những khu vực thật sự cần thiết, như một phần trong nỗ lực “thắt lưng buộc bụng”, theo Hãng tin Reuters.

Ngoài ra tài liệu này tiết lộ WHO đã thực hiện các chính sách cải tổ, thay đổi cách thức nhận tài trợ đối với các quốc gia thành viên từ năm 2024. Tuy nhiên để duy trì tổ chức, họ vẫn cần thêm các khoản đóng góp.

Bên cạnh đó, ông Tedros cho biết WHO rất lấy làm tiếc trước quyết định rời đi của Mỹ và “hy vọng chính quyền mới sẽ xem xét lại quyết định này”, theo Hãng tin AFP.

“Chúng tôi sẵn sàng tham gia đối thoại mang tính xây dựng để duy trì và củng cố mối quan hệ lịch sử giữa WHO và Mỹ”, ông Tedros nói thêm.

Cùng ngày 23-1, Liên hợp quốc xác nhận Mỹ sẽ chính thức rút khỏi WHO từ ngày 22-1-2026.

Trước đó ngày 20-1, ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi WHO và cho rằng cơ quan này đã xử lý không tốt đại dịch COVID-19 và các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.

Tổng thống 47 của nước Mỹ cho rằng WHO đã bị tác động bởi “sức ảnh hưởng chính trị không thích đáng từ các quốc gia thành viên”, cũng như yêu cầu Mỹ trả các khoản đóng góp “bất công và nặng nề”, vượt xa khoản đóng góp của những nước lớn khác như Trung Quốc.

“WHO đã lợi dụng chúng ta, ai cũng lợi dụng nước Mỹ. Điều đó sẽ không còn xảy ra nữa”, ông Trump nói khi đang ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi WHO ngày 20-1.

Mỹ là quốc gia đóng góp tài chính lớn nhất của WHO, chiếm khoảng 18% tổng ngân sách của cơ quan này.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020