Chuyên mục  


Từ nhỏ, Hoàng chưa từng suy nghĩ mình sẽ theo đuổi ngành nghề nào. Khi có kết quả thi đại học, nam sinh đăng ký học quản trị kinh doanh bởi ngành này phù hợp với điểm số và mong muốn của bố mẹ. "Khi đó tôi chỉ nghĩ đậu đại học để bố mẹ tự hào, không mất mặt với mọi người xung quanh", nam sinh kể.

Tuy nhiên, khi học, Hoàng nhanh chóng nhận ra ngành này không hợp. Anh cố gắng bổ sung kiến thức ngoài giờ học, song vẫn không hiệu quả. Những ngày vùi đầu trong sách vở khiến Hoàng không có thời gian gặp gỡ bạn bè, ngày càng cô đơn.

Chật vật thời gian dài, ra trường với tấm bằng loại khá nhưng suốt 2 năm, Hoàng không xin được việc làm phù hợp, chỉ có thể làm việc bán thời gian với thu nhập ít ỏi. Nhìn bạn bè cùng lứa liên tục khoe thành quả được tăng lương, tài khoản nhiều số, sắm vàng, đưa gia đình đi du lịch... trên mạng xã hội khiến anh không thể ngủ ngon.

Lâu dần, anh nhịn đói, tự nhốt mình trong bóng tối, cuối cùng uống rượu bia say mèm mới cảm thấy ổn hơn. "Tôi thấy mọi người đều phát triển, chỉ có mình dậm chân tại chỗ mà áp lực, chạnh lòng quá, chỉ muốn buông bỏ tất cả", Hoàng nói. Tình trạng này kéo dài ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Anh hay bị đánh trống ngực, nhớ nhớ, quên quên, rối loạn tiêu hóa, thường xuyên ốm vặt.

Tương tự, Minh, 29 tuổi, mới bắt đầu học Trung cấp ngành ngôn ngữ Trung vào 2 năm trước vì hoàn cảnh gia đình không cho phép. Sau đó, anh nhận công việc dịch thuật ở một công ty với mức lương hơn 10 triệu đồng nhưng nhanh chóng thấy bản thân thụt lùi về phía sau vì đồng nghiệp trẻ xung quanh đều giỏi và nhanh nhạy.

"Tôi luôn lo sợ bản thân sẽ mau bị đào thải vì chậm chạp, không đủ tài chính lo cho bố mẹ đã già", anh nói.

Chưa kể, mỗi khi gặp gỡ bạn bè, Minh đều nghe mọi người khoe thành quả của bản thân. Người thu nhập trăm triệu nhờ biết 2, 3 ngôn ngữ; người được thăng chức cao; người mua nhà lầu, tậu xe sang khi chưa đầy 30 tuổi... khiến Minh càng thêm áp lực, hoài nghi chính mình.

"Tôi luôn tự hỏi vì sao bằng tuổi mình mà người ta thành công còn mình thì không thể", Minh nói. Có những ngày Minh chỉ ngồi cả ngày, lấy ghế làm giường, bật tivi nhưng không xem, mông lung suy nghĩ về tương lai. Minh cố gắng làm việc để vơi đi cảm giác cô đơn, áp lực nhưng tâm lý ngày một tồi tệ. Anh dần xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực như muốn buông bỏ, trốn tránh, không muốn làm việc.

Cả hai người trên được chuyên gia tâm lý chẩn đoán bị rối loạn lo âu do áp lực đồng trang lứa, phải điều trị bằng liệu pháp tâm lý, thuốc, kết hợp sinh hoạt lành mạnh.

Độ tuổi bộc lộ áp lực đồng trang lứa rõ ràng nhất rơi vào từ 20-25 tuổi. Ảnh minh họa: Health Affairs

Theo từ điển tâm lý học thuộc Hiệp hội Tâm lý học Mỹ, áp lực đồng trang lứa là khi cá nhân chịu ảnh hưởng của những người thuộc cùng một nhóm xã hội và phải thay đổi thái độ, giá trị và hành vi để phù hợp với các chuẩn mực của nhóm. Nói đơn giản hơn, đó chính là cảm giác tự ti của bản thân khi không đạt được những điều giống với bạn bè xung quanh.

Áp lực đồng trang lứa xảy ra ở hầu hết lứa tuổi. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, độ tuổi bộc lộ áp lực đồng trang lứa rõ ràng nhất rơi vào từ 20-25 tuổi (gen Z hiện nay) bởi đây là tuổi phải bắt đầu cuộc sống độc lập, chưa có nhiều kinh nghiệm sống và chịu khá nhiều ảnh hưởng từ xung quanh. Bên cạnh đó, độ tuổi này còn đang khao khát thành công trong học tập cũng như công việc. Ngoài ra, gen Z mang áp lực nặng hơn bởi sự tác động, bùng nổ của công nghệ số, truyền thông số.

Theo Thạc sĩ Vương Nguyễn Toàn Thiện, Giám đốc chuyên môn Trung tâm tham vấn và trị liệu tâm lý Lumos, áp lực đồng trang lứa ở giới trẻ ngày nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó sự ảnh hưởng của mạng xã hội là một yếu tố quan trọng gây ra tình trạng này. Khi tham gia các nền tảng này, người dùng thường thúc đẩy sự so sánh bản thân với người khác và tạo ra cảm giác cần phải tuân theo các tiêu chuẩn.

Kỳ vọng từ gia đình là nguyên nhân ẩn sâu thường được tìm thấy khi giới trẻ hoặc người lớn cảm thấy cần phải đạt thành tích để đáp ứng mong đợi từ gia đình hoặc nhận được tình yêu thương, sự ghi nhận. Bên cạnh đó, trong độ tuổi vị thành niên, ảnh hưởng từ nhóm bạn có thể làm tăng áp lực khi các cá nhân cố gắng "ép mình" phù hợp với hành vi và sở thích chung của nhóm để được chấp nhận.

Đồng thời, sự thiếu tự tin, chưa chắc chắn ở hình ảnh bản thân và khát khao được ghi nhận khiến giới trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi áp lực từ bạn bè và xã hội. Tất cả yếu tố này kết hợp lại, tạo ra một môi trường mà giới trẻ cảm thấy cần phải thay đổi bản thân để phù hợp, được chấp nhận dẫn đến sự gia tăng áp lực đồng trang lứa.

Ngoài ra, những cá nhân từng có khó khăn tâm lý như bị bạo hành, lạm dụng, thiếu thốn kết nối gia đình hay đang có những rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm có thể gia tăng cảm giác tự ti, tự so sánh và áp lực này.

Thạc sĩ Thiện cho biết người bị áp lực đồng trang lứa thường có các biểu hiện rõ rệt về hành vi, cảm xúc và nhận thức. Họ có thể có hành vi thu rút, suy giảm tương tác với bạn cùng lứa hoặc thay đổi thói quen, sở thích và cố tham gia các hoạt động mà trước đó họ không quan tâm để phù hợp với nhóm bạn. Nhiều trường hợp thường có cảm xúc lo âu, căng thẳng, và cảm giác không hài lòng với bản thân khi phải so sánh giá trị bản thân với người khác, hay đánh đổi những giá trị cá nhân để được chấp nhận.

Việc phải chịu áp lực đồng trang lứa ở mức độ cao có thể gây ra lo lắng, căng thẳng và cảm giác không hài lòng với bản thân, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần. Điều này có thể dẫn đến giảm khả năng tập trung và hiệu suất ở trường học hoặc công việc. Sự bất ổn về mặt tâm lý cũng có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe thể chất như rối loạn giấc ngủ hoặc các vấn đề về tiêu hóa.

Ngoài ra, áp lực từ bạn bè, đồng nghiệp có thể làm giảm sự tự tin và khả năng đưa ra quyết định độc lập, ảnh hưởng đến khả năng đạt được các mục tiêu cá nhân. Bên cạnh đó, sự thu rút một mình, suy giảm tương tác xã hội làm giảm khả năng kết nối và các nguồn lực xã hội, từ đó cả sức khỏe tinh thần, học tập và phối hợp trong công việc đều suy giảm.

Hoạt động tham vấn tâm lý tại Trung tâm Lumos. Ảnh: Trung tâm cung cấp

Theo thạc sĩ Thiện, để vượt qua áp lực đồng trang lứa, trước tiên, cần phát triển sự tự tin và nhận thức rõ về giá trị và mục tiêu cá nhân. Trong đó, việc thiết lập ranh giới rõ ràng và học cách từ chối các yêu cầu không phù hợp rất quan trọng.

Nên xây dựng, duy trì các mối quan hệ tích cực với những người hỗ trợ và đồng cảm, giúp giảm bớt sự áp lực từ nhóm bạn. Học cách quản lý căng thẳng thông qua các phương pháp như thiền, thể dục, hoặc tham gia hoạt động yêu thích có thể giúp cải thiện sức khỏe tâm lý. Tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý nếu cảm thấy áp lực đồng trang lứa ảnh hưởng nhiều đến bản thân.

Bên cạnh đó, tự thực hành kỹ năng giao tiếp, tự nhận thức và hiểu rõ giá trị cá nhân sẽ giúp duy trì sự tự tin và giảm ảnh hưởng của áp lực đồng trang lứa.

Với trẻ ở độ tuổi học đường, phụ huynh cần tạo một môi trường hỗ trợ và khuyến khích, nơi trẻ cảm thấy an toàn, được đón nhận, chấp nhận để chia sẻ cảm xúc cũng như những khó khăn trẻ gặp phải.

Khuyến khích trẻ phát triển sự tự tin bằng cách tập trung vào những điểm mạnh, ghi nhận sự nỗ lực thay vì điểm số hay thành tích, đồng thời tránh so sánh các em với người khác.

Gia đình nên duy trì sự giao tiếp cởi mở và lắng nghe tích cực, giúp trẻ hiểu rằng có thể từ chối các yêu cầu không phù hợp từ bạn bè mà không bị phê phán, hay suy giảm giá trị bản thân. Đồng thời, giáo dục trẻ về kỹ năng quản lý căng thẳng và xử lý áp lực, cũng như khuyến khích con tham gia vào các hoạt động yêu thích và cảm thấy thoải mái.

"Bố mẹ cũng cần được chăm sóc sức khỏe tinh thần, tự yêu thương bản thân, để có thể an yên, tự tin, có một nội tâm vững chãi và từ đó truyền những năng lượng tích cực đến với con trẻ", thạc sĩ Thiện nhấn mạnh.

Mỹ Ý

*Tên nhân vật được thay đổi

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020