Ngày 20-1, ông Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi WHO và cáo buộc cơ quan này đã "lợi dụng" Mỹ - Ảnh: AFP
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng WHO đã bị tác động bởi “sức ảnh hưởng chính trị không thích đáng từ các quốc gia thành viên”, cũng như yêu cầu Mỹ trả các khoản đóng góp “bất công và nặng nề”, vượt xa khoản đóng góp của những nước lớn khác như Trung Quốc, theo Hãng tin Reuters.
“WHO đã lợi dụng chúng ta, ai cũng lợi dụng nước Mỹ. Điều đó sẽ không còn xảy ra nữa”, ông Trump nói khi đang ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi WHO ngày 20-1.
Hiện WHO chưa đưa ra phản hồi trước vụ việc trên.
Trước thông tin Mỹ rút khỏi WHO, các chuyên gia y tế đánh giá động thái này sẽ làm suy yếu vị thế của Mỹ với tư cách là quốc gia đi đầu về y tế toàn cầu, đồng thời khiến việc đối phó những đại dịch mới trong tương lai trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên đây không phải là điều bất ngờ. Ông Trump đã liên tục chỉ trích WHO từ năm 2020 trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình về việc ứng phó với đại dịch COVID-19, đồng thời đe dọa sẽ cắt nguồn tài trợ, theo New York Times.
Thế nhưng ông đã thua cựu tổng thống Biden trong cuộc bầu cử năm 2020, vì vậy lời đe dọa này bị hoãn tới tận 4 năm sau.
Sau tuyên bố của ông Trump, Mỹ sẽ rút khỏi WHO trong vòng 12 tháng và ngừng mọi khoản đóng góp tài chính cho cơ quan này. Theo luật pháp Mỹ, việc rút khỏi WHO phải được thông báo trước một năm và Mỹ cần thanh toán mọi khoản phí còn nợ.
Ông Lawrence O. Gostin - chuyên gia luật y tế công cộng từ Đại học Georgetown, nhận định việc Mỹ rút khỏi WHO là “một vết thương nghiêm trọng” đối với hệ thống y tế công cộng, nhưng “là một vết thương sâu hơn nữa đối với lợi ích và an ninh quốc gia Mỹ”.