Chuyên mục  


photo1702026320914-17020263215181962859012-1702100716071-17021007161451100660052.jpg

Gia tăng trẻ nhập viện do bị bệnh tiêu hóa

Khoảng 1 tháng nay, số trẻ đến khám và điều các bệnh lý liên quan đến tiêu hóa tại các cơ sở y tế gia tăng. Riêng tại Bệnh viện Nhi Đồng Nai, trung bình mỗi ngày có khoảng 70-100 ca đến khám bệnh tiêu hóa, trong đó có khoảng 20 ca nặng phải nhập viện điều trị, tăng hơn 30% so với những tháng trước.

Có con bị rối loạn tiêu hóa nặng phải nhập viện điều trị nhiều ngày, chị Trần Thị Mỹ Duyên (ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) cho biết: "Con em mới 1 tuổi, vợ chồng em làm công nhân nên phải gửi trẻ, do người trông cho ăn uống không đảm bảo vệ sinh nên bé bị tiêu chảy, nôn ói nhiều. Lên đây bác sĩ vừa cho thuốc, vừa phải truyền dịch do mất nước nghiêm trọng. Trước đó, em có cho con đi khám phòng khám tư nhưng không đỡ nên phải cho bé lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai".

  • Gia tăng trẻ nhập viện do viêm đường hô hấp

Theo BS.CKI Mạc Quốc Dũng, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, các ca bệnh tiêu hóa đến khám và nhập viện mùa này chủ yếu là viêm ruột, nhiễm khuẩn ruột do virus. Trẻ nhập viện điều trị thường có các biểu hiện như: sốt cao, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Ngoài ra, có một số ca nặng phải cấp cứu hồi sức tích cực do: hạ đường huyết gây tím tái co giật, mất nước nặng tụt huyết áp, sốc không mạch.

Chị Nguyễn Thị Út Huệ (ngụ xã Phú Lợi, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) có con nhập viện tại BV Nhi Đồng Nai chia sẻ: "Tôi cũng không biết con ăn phải cái gì nhưng bị sốt, ói nhiều, ăn vô là ói, uống nước cũng ói không giảm, bé mệt lả, đừ người nên phải cho nhập viện".

Ngoài viêm ruột, hiện Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cũng đang điều trị cho một số trẻ nhập viện do xuất huyết tiêu hóa, viêm loét dạ dày, tiêu máu, ói chu kỳ, viêm tụy cấp.. Trẻ mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa thường kéo dài khoảng 5 - 7 ngày, nặng nhất là vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 5, với tình trạng mất nước, suy dinh dưỡng.

BS Dũng khuyến cáo, trẻ bị bệnh tiêu hóa thường nôn nói và tiêu chảy nhiều, nếu không được theo dõi và điều trị phù hợp thì rất dễ mất nước nghiêm trọng, dẫn đến tụt huyết áp, hạ đường huyết, sốc không mạch. Với những trường hợp nặng như vậy nếu không được cấp cứu kịp thời thì có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Phòng trị bệnh tiêu hóa đúng cách

Theo BSCKI. Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm CDC Đồng Nai, hiện nay, thời tiết đang bước vào mùa nắng, do đó, bên cạnh các bệnh lý về đường hô hấp và các bệnh do virus gây ra thì các bệnh về đường tiêu hóa cũng có xu hướng tăng. Nguyên nhân là do mùa nắng thức ăn thường dễ bị ôi thiu hơn, nếu không bảo quản và chế biến hợp lý thì rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Ở trẻ em, sức đề kháng còn yếu và hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện nên sẽ là đối tượng dễ bị mắc các bệnh về đường tiêu hóa nhất.

Các bệnh về đường tiêu hóa được coi là bệnh theo mùa, vì vậy, phụ huynh không nên quá lo lắng mà tự ý dùng các loại thuốc chống nôn, cầm tiêu chảy hay kháng sinh chưa được bác sĩ chỉ định cho trẻ. Thay vào đó, cha mẹ cần tham khảo ý kiến làm theo hướng dẫn của các bác sĩ.

BSCKI. Mạc Quốc Dũng, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai lưu ý: Khi trẻ bị tiêu chảy hoặc nôn ói nhiều cơ thể sẽ bị mất nước, do đó, chúng ta phải bù nước cho trẻ. Có thể bù nước bằng nhiều cách như: uống các chất điện giải, bù trong cháo, thức ăn. Lúc này, hệ tiêu hóa của trẻ cũng yếu và nhạy cảm, nên tránh cho trẻ ăn các thực phẩm khó tiêu, thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, chất xơ dễ gây dễ ói và khó hấp thu.

Nếu thấy tình trạng trẻ nôn tất cả mọi thứ, sốt cao, mệt lả, hoặc kèm những dấu hiệu nguy hiểm như: co giật, hôn mê, bỏ bú, bỏ ăn, thì bắt buộc phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

Để phòng tránh các bệnh về đường tiêu hóa cho trẻ, cha mẹ cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không nên cho trẻ ăn thức ăn đã để qua ngày. Đồng thời, vệ sinh môi trường sạch sẽ, hướng dẫn và thường xuyên nhắc nhở trẻ rửa tay sát khuẩn để tránh các tác nhân gây bệnh.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020