Chuyên mục  


Kết quả thử nghiệm lâm sàng về liệu pháp tế bào gốc trung mô trong điều trị lão hóa viêm tại Việt Nam, được bác sĩ Phan Thanh Hào, Giám đốc Bệnh viện DNA, chia sẻ ở hội nghị Ghép tế bào gốc TP HCM, ngày 8/12.

Nghiên cứu được thực hiện trên 12 bệnh nhân lão hóa do viêm và có 2-3 bệnh (tiểu đường, rối loạn mỡ máu và béo phì), gồm 7 nam 5 nữ, tuổi từ 40 đến 64. Mô mỡ tự thân của bệnh nhân được tách chiết tế bào gốc trung mô, sau đó nuôi cấy, truyền lại chính người bệnh đó. Không trường hợp nào ghi nhận tác dụng phụ. Xét nghiệm cho thấy các yếu tố cytokine gây viêm giảm hẳn, triệu chứng lâm sàng cải thiện rõ, tinh thần người bệnh thoải mái, tươi trẻ hơn.

Hiện, Bộ Y tế đã phê duyệt kết quả thử nghiệm giai đoạn một này, đồng ý cho nhóm thực hiện nghiên cứu giai đoạn hai trên 60 bệnh nhân, dự kiến hoàn thành đầu năm tới. "Kết quả này hứa hẹn là một biện pháp can thiệp tiềm năng để ngăn ngừa tình trạng viêm liên quan đến tuổi tác ở bệnh nhân", bác sĩ Hào nói.

Lão hóa do viêm, còn gọi lão hóa liên quan hệ miễn dịch, liên quan đến tốc độ lão hóa và các bệnh như Alzheimer, Parkinson, xơ vữa động mạch, bệnh tim và các bệnh thoái hóa do tuổi tác như tiểu đường, loãng xương. Vấn đề này đã nhiều nhà khoa học trên thế giới tập trung nghiên cứu từ đầu những năm 2000.

PGS.TS.BS Trần Công Toại, Chủ tịch Hội Tế bào gốc TP HCM, cho rằng những năm qua, lĩnh vực tế bào gốc có nhiều bước tiến lớn trong ứng dụng điều trị bệnh và y học tái tạo, trong đó có vấn đề lão hóa. Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc là một lĩnh vực còn khá mới không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới. Đây được gọi là "phát hiện của thế kỷ" với rất nhiều ứng dụng hiệu quả vào y sinh học và thẩm mỹ.

Gần đây, nhiều căn bệnh nguy hiểm liên quan đến đường hô hấp, một số loại ung thư như ung thư máu, các chứng bệnh về xương khớp... đã được ứng dụng tế bào gốc để điều trị thành công. Tế bào gốc ngày cũng mở ra nhiều cơ hội trong điều trị các bệnh vốn được xem là nan y như xơ gan, tiểu đường, đột quỵ... Đánh giá bước đầu ở những bệnh nhân đã điều trị ghi nhận hiệu quả rất khả quan.

Nuôi cấy, tách chiết tế bào gốc tại bệnh viện TP HCM. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ngoài việc điều trị bệnh, tế bào gốc đã được ứng dụng hiệu quả tại Việt Nam trong việc trẻ hóa da, chống lão hóa, nâng cao hệ miễn dịch phòng bệnh, kéo dài tuổi thọ..., theo bác sĩ Phạm Xuân Khiêm, Hội Tế bào gốc TP HCM. Một số cơ sở y tế tại Việt Nam đã đưa công nghệ từ châu Âu, Nhật Bản về để triển khai, giúp người có nhu cầu không phải ra nước ngoài tiêm tế bào gốc.

Nguồn tế bào gốc sử dụng cho bệnh nhân hiện nay thường gồm các loại như từ máu, mô mỡ tự thân, nhập từ nước ngoài... Trong đó, tế bào gốc tự thân được nuôi cấy, tách chiết từ chính tế bào của người bệnh, thường có độ an toàn, tương thích cao. Tế bào gốc khi vào cơ thể sẽ biệt hóa thành nhiều tế bào khác để thay thế các tế bào bị mất đi do lão hóa hoặc tổn thương.

"Mỗi bệnh nhân sẽ có liệu trình điều trị riêng, do bác sĩ chỉ định, tại những cơ sở đã được cấp phép, với hệ thống công nghệ chiết tách tế bào gốc đạt chuẩn, công nghệ đẩy tế bào gốc vào mô đích...", bác sĩ Khiêm phân tích. Người dân cần tỉnh táo lựa chọn những cơ sở uy tín, được cấp phép, tránh nghe những quảng cáo "thổi phồng" về công dụng của tế bào gốc tràn lan trên thị trường, thực hiện bởi những người không có chuyên môn.

Phó giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP HCM Lê Thanh Minh cho biết TP HCM có chính sách thúc đẩy hình thành, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo với những lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực gene và tế bào gốc. Ứng dụng trong lĩnh vực này đặt ra nhiều thách thức lẫn cơ hội, từ việc nắm bắt khả năng chữa trị các bệnh lý di truyền đến khả năng tái tạo mô cơ thể.

Dịp này, Hội Ghép tế bào gốc TP HCM ra mắt Chi hội chống lão hóa TP HCM, do bác sĩ Phan Thanh Hào làm chủ tịch.

Lê Phương

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020