Chuyên mục  


Thông tin được PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, chia sẻ tại hội nghị hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2023 với chủ đề Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước, ngày 10/12.

Các cặp đôi này là công nhân, người lao động trẻ có hoàn cảnh khó khăn, được bệnh viện phối hợp Thành Đoàn TP HCM, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tổ chức khám miễn phí.

Tuổi trung bình của nam giới khám sức khỏe tiền hôn nhân là 27, phù hợp với tuổi khuyến cáo kết hôn về cả y tế cũng như chính sách. Trong số nam giới có tinh dịch đồ bất thường, 54 người ở mức độ nhẹ, 23 trung bình, 27 nặng và một trường hợp vô tinh. Đây là những trường hợp cần khám hiếm muộn, tư vấn, xét nghiệm để có thể thực hiện được thiên chức làm cha trước khi làm kết hôn, bởi tinh trùng bất thường là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh ở nam giới.

Ngoài ra, 7 trường hợp nam giới nhiễm viêm gan siêu B, cần thăm khám về bệnh lý gan mật để được theo dõi chức năng gan và điều trị nhằm ngăn ngừa, xơ gan, ung thư gan trong tương lai. Đặc biệt người phối ngẫu cần khám, tiêm ngừa để phòng lây truyền qua đường tình dục cũng như tránh nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con.

Ở nữ đến khám, tuổi trung bình là 26, lứa tuổi dễ mang thai khi quan hệ tình dục. Trong đó, 10 trường hợp phát hiện bệnh tiểu đường, là bệnh không lây và đang có xu hướng gia tăng. 10 người nhiễm viêm gan siêu vi B, cũng cần thăm khám, theo dõi về chức năng gan, quá trình mang thai cần dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con. 32 người thiếu máu, nếu không được điều trị có thể dễ sẩy thai, sinh non, ảnh hưởng quá trình thụ thai.

Với bệnh lý phụ khoa, 7 trường hợp bị xơ tử cung cần theo dõi, 4 người polyp lòng tử cung cần xử lý trước khi có kế hoạch mang thai vì đây là một trong những nguyên nhân cản trở việc làm tổ của thai tại tử cung. 5 trường hợp bị giảm dự trữ buồng trứng, cần thực hiện việc mang thai khẩn trương vì trong tương lai có thể tiếp tục giảm dẫn đến suy buồng trứng, không còn trứng để thụ thai, buộc phải xin trứng làm thụ tinh trong ống nghiệm.

"Kết quả thăm khám không phải đại diện song là một hồi chuông cảnh báo để chúng ta cùng chung tay cho vấn đề khám tiền hôn nhân", phó giáo sư Tuyết nói, thêm rằng khám và tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn rất quan trọng, giúp các cặp đôi tự tin hơn khi bước vào cuộc sống gia đình, phát hiện các vấn đề bệnh lý để theo dõi, can thiệp kịp thời.

Các cặp đôi khám, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân tại Bệnh viện Hùng Vương. Ảnh: Thiên Chương

Năm nay, TP HCM ghi nhận 1.177 cặp thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn tự nguyện tham gia thực hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân, tăng 24% so với năm 2022, vượt chỉ tiêu giao. Ngành Y tế - Dân số đã duy trì hoạt động của 310 câu lạc bộ Tiền hôn nhân tại các quận huyện, tổ chức sinh hoạt hàng tháng.

Ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng phụ trách Dân số, Bộ Y tế, cho rằng tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn là bước dự phòng cấp một trong nâng cao chất lượng dân số và là chìa khóa vàng để mở ra cánh cửa hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, đất nước. Điều này giúp các cặp bố mẹ tránh được một số bệnh di truyền thường gặp cho con như bệnh mù màu, bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia, hội chứng Down, Turner, Edward..., từ đó tránh những gánh nặng cho bản thân đứa trẻ, gia đình và xã hội.

Vấn đề khám sức khỏe tiền hôn nhân từng được bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nêu ra tại phiên thảo luận ở Quốc hội hồi đầu tháng 11, với đề xuất nên ban hành quy định bắt buộc, nhằm luật hóa việc công khai, minh bạch về tình trạng sức khỏe và tâm thần của người dân trước khi kết hôn, từ đó có thể chuẩn bị chu đáo cả về tâm lý và sức khỏe, tránh những hệ quả đáng tiếc sau này.

Những năm qua, số cặp nam nữ khám sức khỏe trước khi kết hôn tại TP HCM và Hà Nội tăng dần, song vẫn còn "rất khiêm tốn". Nhiều cặp đôi hiện vẫn coi nhẹ, tâm lý e dè, ngại ngùng; hoặc không có sự đồng nhất tư tưởng giữa nam và nữ. Không ít nam giới cho rằng đối tác nghi ngờ "bản lĩnh đàn ông", coi thường, xúc phạm nên mới đề nghị đi khám. Đặc biệt, nếu trường hợp bị phát hiện ra bệnh tật, họ sợ tình yêu của người kia không đủ mạnh để có thể vượt qua cú sốc, nguy cơ tan vỡ hôn nhân.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế gồm khám thể lực như đo chiều cao, cân nặng, vòng ngực trung bình, chỉ số BMI, mạch, nhiệt độ, huyết áp và nhịp thở. Thứ hai là khám cận lâm sàng, gồm chụp X quang tim, phổi; xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, soi tươi dịch âm đạo và dịch niệu đạo.

Các cặp đôi được khám lâm sàng theo các chuyên khoa, trong đó ở nữ giới là khám phát hiện các dấu hiệu cơ năng (bệnh nội về sản khoa, phụ khoa), khám vú, khám bộ phần sinh dục ngoài, thăm khám âm đạo khi có yêu cầu chẩn đoán xác định và được sự đồng ý; ở nam giới là khám phát hiện các dấu hiệu cơ năng (bệnh nội, ngoại về chấn thương, viêm tinh hoàn, bệnh lây truyền qua đường tình dục, sự xuất tinh, sự cương cứng của dương vật), khám bộ phận sinh dục và thăm khám trực tràng khi cần thiết.

Trường hợp nghi ngờ có vấn đề, nhân viên y tế hướng dẫn tiếp tục khám chuyên khoa sâu để xác định bệnh và hướng dẫn điều trị.

Lê Phương

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020