Chuyên mục  


edit-giau-dang-thon-gon-2read-only-1719341738420804231632.jpeg

Tập thể dục cũng là cách để giữ dáng thon gọn hơn - Ảnh: DUYÊN PHAN

Giảm cân để đẹp lại làm ảnh hưởng sức khỏe. Hiện nay nữ giới có xu hướng tập trung vào việc giảm cân để có thân hình đẹp, nhưng không chú ý đến dinh dưỡng đầy đủ, dẫn đến việc ốm đi nhưng cơ thể lại không có sức sống, thậm chí gầy yếu, phát sinh bệnh tật.

Làm thế nào để cơ thể cân đối, hài hòa nhưng cũng khỏe mạnh, có sức sống? Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với TS. BS Trần Đức Sĩ - phó trưởng bộ môn y học gia đình Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM).

Cần lưu ý thể trạng của mỗi người đều khác nhau, không nên để bị ám ảnh bởi một khuôn mẫu chung về sắc đẹp mà nên hướng đến một vẻ đẹp tự nhiên, khỏe mạnh.

Giảm cân thiếu khoa học, thiếu nữ suy dinh dưỡng

* Tỉ lệ nữ giới theo xu hướng "gầy để đẹp" có tập trung vào một nhóm tuổi nào nhất định không?

edit-ts-bs-tran-duc-si-5read-only-17193417886501722604308.jpeg

TS. BS Trần Đức Sĩ - phó trưởng bộ môn y học gia đình Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

- Thật ra khái niệm về "người phụ nữ đẹp" không phải là bất biến. Có những nơi, người ta quan niệm phụ nữ có cân nặng càng cao càng đẹp.

Tiêu chí đẹp cũng thay đổi theo mỗi thời kỳ. Xu hướng ốm đẹp xuất hiện và phổ biến hơn trong thế kỷ 20, đặc biệt là ở phương Tây vào những năm 1960 và 1970.

Hình ảnh những người mẫu cao, gầy, mảnh mai được truyền thông phương Tây tuyên truyền như là tiêu chuẩn thẩm mỹ.

Gần đây, xu hướng này phát triển mạnh ở phương Đông do cộng hưởng bởi sở thích phim ảnh, cosplay (người hâm mộ các nhân vật) cổ trang hướng đến hình ảnh liễu yếu đào tơ. Do đó, nhiều phụ nữ ở nhiều độ tuổi khác nhau cùng nghĩ gầy là đẹp. Quan niệm này tác động nhiều nhất đến nhóm phụ nữ trẻ, đặc biệt là các thiếu nữ.

* Đây là một trào lưu, hay có góc độ nào liên quan đến cả yếu tố tâm lý không, thưa bác sĩ?

- Quan niệm "gầy là đẹp" chỉ là một trong nhiều nguyên nhân khiến một người bị gầy gò, suy nhược. Nếu tâm lý không quá méo mó hoặc không có bệnh lý kết hợp, có lẽ tác hại của việc giảm cân sẽ không dễ nhận ra. Tuy nhiên, thực tế cũng có những trường hợp rất nguy kịch.

Ví dụ như một ca sĩ nổi tiếng người Mỹ, Karen Carpenter, đã mất vì suy dinh dưỡng. Nhiều người nổi tiếng từng bị cho là quá gầy và mắc chứng rối loạn ăn uống, phải được điều trị như Nicole Richie, Victoria Beckham, và gần đây là nhà thiết kế nổi tiếng Vera Wang bị chê trách vì quá gầy, mang lại hình ảnh thiếu lành mạnh.

Thật ra, nếu không gặp áp lực về chuẩn mực cân nặng trong ngành công nghiệp giải trí, ít ai bắt buộc phải được điều trị tâm lý.

Dù vậy, nếu người thân nhiều lần góp ý, chị em cũng nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng hoặc các nhà trị liệu tâm lý. Việc mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu chất dù ít nhưng trong thời gian dài cũng sẽ có nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Cần có lối sống cân bằng để vừa đẹp vừa khỏe

* Tác hại nói chung của việc ăn uống kiêng khem, thiếu chất chỉ để giữ thân hình mảnh mai là gì, đặc biệt ở lứa tuổi đang phát triển?

- Thiếu dinh dưỡng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động chức năng của cơ thể nói chung, cũng như đối với các thiếu nữ, đặc biệt là trong giai đoạn tuổi dậy thì khi cơ thể đang có nhu cầu dinh dưỡng cao để phát triển toàn diện.

Đầu tiên là sự tác động lên sức khỏe tổng thể. Thiếu dinh dưỡng dẫn đến hay mệt mỏi, thiếu sức sống, sức đề kháng kém, dễ bị bệnh. Việc giảm cân chỉ dựa vào nhịn ăn mà không phối hợp với tập luyện sẽ không làm giảm, mà thậm chí tăng tỉ trọng mỡ trong cơ thể.

Một số người chỉ ăn mỗi ngày 1 - 2 bữa ăn, nhưng lại thấy cơ thể mập ra. Những người này nếu cố gắng ép cân hơn nữa có thể sẽ thật sự gầy, nhưng cơ thể sẽ nhão, xệ, không có được sự săn chắc bình thường, do giảm khối lượng cơ. Người có tuổi sẽ lão hóa nhanh hơn, đặc biệt là về da và thần kinh trung ương.

Ngoài ra, còn có tác động đến sự phát triển thể chất ở người trẻ. Dinh dưỡng không đầy đủ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, khiến cho các thiếu nữ không đạt được chiều cao tiềm năng của mình. Cơ thể không đủ dinh dưỡng sẽ không phát triển đầy đủ về mặt cơ bắp và xương, dẫn đến một hình dáng chung không cân đối, yếu kém.

Ngoài ra, sự phát triển tâm lý và trí tuệ, khả năng tập trung và năng suất học tập cũng có thể bị ảnh hưởng. Thiếu dinh dưỡng cũng có thể góp phần vào các vấn đề tâm lý như lo âu, trầm cảm, ám ảnh tâm lý về ngoại hình.

Bí quyết vừa khỏe, vừa đẹp

* Các bạn nữ cần xây dựng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt ra sao để vừa đẹp, vừa khỏe?

- Để đạt được cơ thể "gầy - khỏe", cần cân bằng giữa ăn uống và tập luyện; cần chú ý đến cả hai mặt này một cách cân đối và hợp lý.

Về chế độ ăn uống, cần tiêu thụ vừa đủ calo và đúng chất. Để giữ cân một cách lành mạnh, bạn cần tiêu thụ nhiều calo hơn lượng calo tối thiểu mà cơ thể tiêu thụ hàng ngày. Tuy nhiên, lượng calo tăng thêm này sẽ tùy thuộc vào mức độ tập luyện, hoạt động thể lực.

Cần cân bằng các nhóm thực phẩm bao gồm tinh bột (lúa mạch, khoai tây, ngô), chất béo (dầu ô liu, dầu dừa, bơ), protein (thịt, cá, trứng, đậu, sữa) và rau quả (chuối, dâu tây, nho).

Cần phân bố chế độ ăn uống hợp lý, kiểm soát lượng calo trong mỗi bữa ăn nhưng phải đảm bảo ăn uống đủ và đúng từng bữa nhằm giúp cung cấp năng lượng liên tục cho cơ thể, duy trì hoạt động và tập luyện thể dục.

Tuyệt đối không giảm cân bằng cách bỏ bữa vì sẽ kích thích cơ thể ưu tiên tích trữ lượng calo ít ỏi (tạo mỡ) thay vì sử dụng cho hoạt động trong ngày và phát triển cơ bắp.

Bên cạnh đó, còn cần tập thể dục với cường độ vừa phải. Chọn các bài tập như tập thể dục aerobics, đi bộ, chạy bộ, bơi lội hoặc các bài tập tăng cường cơ bắp. Tránh tập luyện quá mức có thể dẫn đến mệt mỏi hoặc làm mất hình ảnh nữ tính.

Để duy trì sự cân bằng giữa ăn uống và tập luyện, nên tập luyện ít nhất 3 - 4 lần mỗi tuần, với mỗi buổi tập từ 30 phút đến 1 giờ. Hãy nghỉ ngơi đủ, đảm bảo cơ thể có đủ thời gian để phục hồi sau khi tập luyện để tránh các chấn thương và mệt mỏi quá mức.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020