Mới đây, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Theo đó, trong gần 3.200 nạn nhân của bạo lực gia đình thì nữ là 2.600, nam 565. So với 2022, số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, song tỉ lệ nạn nhân là nam giới có dấu hiệu tăng. Số ca bạo lực tinh thần cũng chiếm tỷ lệ khá cao.
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ nội trú Vũ Thu Thủy, khoa sức Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện E), chia sẻ trong quá trình thăm khám, bác sĩ đã tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân (khoảng gần 70 tuổi, tại Hà Nội) đi khám do mất ngủ. Bệnh nhân luôn mang vẻ mặt trầm, buồn, ít nói, buồn chán, không có động lực làm gì. Bệnh nhân không bao giờ cười.
Trong quá trình khai thác bệnh sử, nam bệnh nhân chia sẻ sau khi nghỉ hưu ở nhà, vợ thường xuyên nói to tiếng, chỉ trích chồng "giả bệnh, lười không muốn làm việc nhà".
Nam giới bị bạo lực gia đình tăng (ảnh minh họa).
Nam bệnh nhân cho biết ở nhà dù không làm gì nhưng cũng cảm thấy người mệt mỏi, không có sức lực làm việc. Những lời cằn nhằn của vợ lặp đi lặp lại trong một thời gian dài khiến cho hai vợ chồng khó có thể nói chuyện với nhau. Bản thân người bệnh cũng tự đặt ra câu hỏi về sự kém cỏi của bản thân.
Một món ngon của Ninh Bình là "thuốc" chữa yếu sinh lý, nhiều người chưa biết tận dụng
Theo bác sĩ Thủy, bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn trầm cảm. Trong quá trình điều trị, bác sĩ Thủy cũng đã gặp gỡ vợ bệnh nhân, giải thích để cho người vợ hiểu vấn đề chồng đang gặp phải.
Bác sĩ chỉ ra người vợ thấy cần phải thay đổi hành vi. Những lời nói, sự chỉ trích cũng được xem là một kiểu bạo lực lời nói (tâm lý). Khi người vợ nhận ra vấn đề của bản thân, cô cũng đã thay đổi.
Nam bệnh nhân cũng được bác sĩ giải thích bệnh lý đang mắc phải. Bệnh nhân được tư vấn dùng thuốc, tư vấn tâm lý và liệu pháp hành vi để bệnh nhân thấy mình không quá tệ như vậy.
Nhờ điều trị tích cực mà 2 vợ chồng đã kết nối được với nhau. Nam bệnh nhân đã ngủ được, vui vẻ cười nhiều, nói chuyện nhiều hơn...
Bạo lực tâm lý có tác động thế nào?
Bạo lực gia đình không chỉ đơn thuần là tác động vật lý mà còn bao gồm tâm lý.
Bác sĩ Thủy cho biết: "Bạo lực tâm lý là dùng ngôn ngữ, lời nói, hành vi tác dụng tới tâm lý của đối phương. Hệ quả của việc này khiến cho người bị bạo lực tâm lý trở nên tự ti, nhút nhát. Có một số trường hợp sẽ có cảm xúc bùng nổ hơn như gây hấn, kích động. Ở mức độ nặng có thể dẫn tới những rối loạn tâm thần (trầm cảm, lo âu), lạm dụng chất".
Bạo lực về tâm lý thường gặp ở phụ nữ là nhiều, tỷ lệ lớn ở phụ đang nuôi con nhỏ và phụ nữ có thai (đối tượng nhạy cảm dễ bị tổn thương). Tuy nhiên, hiện nay bạo lực tâm lý có xu hướng tăng ở nam giới với độ tuổi trung bình trên 40 tuổi.
Để tránh bạo lực tâm lý nói riêng và bạo lực gia đình nói chung thì vợ chồng cần ngồi lại nói chuyện với nhau, cùng nhau tháo gỡ tìm cách giải quyết vấn đề. Hai bên phải tôn trọng, thấu hiểu nhau.
Bác sĩ Thủy tư vấn: "Khi nhận biết được gia đình đang có vấn đề bạo lực tâm lý thì cần phải có sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè. Nếu có vấn đề tâm lý tâm thần kèm theo thì phải có sự hỗ trợ của bác sĩ tâm lý, tâm thần".
Ngoài ra, để tránh bạo lực tâm lý, bác sĩ Thủy cho rằng cần phải có sự tuyên truyền hơn nữa về bình đằng giới để mọi người cùng biết và phòng tránh. Không phải là cứ con trai thì sẽ chịu gánh nặng kiếm tiền nuôi gia đình, cứ con gái thì chỉ ở nhà nội trợ.