Chuyên mục  


u-quai-1716454432341103496544.png

Khối u quái trên phim chụp - Ảnh: BVCC

Loại bỏ khối u quái kích thước lớn sau phúc mạc

Ngày 23-5, khoa ngoại tổng hợp - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết vừa phẫu thuật điều trị thành công u quái sau phúc mạc đè đẩy các mạch máu lớn cho bệnh nhi C.T.K.D. (8 tháng tuổi, Kỳ Sơn, Nghệ An).

Gia đình bệnh nhân cho biết bé có biểu hiện bụng trướng dần, gia đình đưa trẻ đi khám siêu âm phát hiện khối u ổ bụng kích thước lớn và quyết định cho bệnh nhi đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thăm khám, điều trị.

Tại bệnh viện, trẻ được khám, xét nghiệm, siêu âm và chụp cắt lớp vi tính. Các bác sĩ khoa ngoại tổng hợp xác định bé có một khối u, theo dõi là khối u quái (một khối u được tạo thành từ nhiều loại mô khác nhau, chẳng hạn như tóc, cơ, răng hoặc xương, chứa dịch, máu, sụn…), kích thước tương đối lớn.

Khối u ở sau phúc mạc, ngay sau vị trí của tĩnh mạch chủ dưới (là mạch máu quan trọng nhất vận chuyển máu phần dưới cơ thể về tim) và đè ép tĩnh mạch chủ dưới ra trước, đè đẩy động tĩnh mạch thận, thận sang phải và các tạng khác trong ổ bụng.

Tính chất của khối u trên phim CT scan và các xét nghiệm về chỉ điểm ung thư cho biết khối u này khả năng cao là khối u lành tính, nhưng vị trí của khối u gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bệnh nhi, nên quyết định phẫu thuật là cần thiết.

U quái nguy hiểm sao?

TS.BS Phan Lê Thắng - trưởng khoa ngoại yêu cầu, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - cho hay u quái (Teratoma) là một khối u bao gồm nhiều loại tế bào xuất phát từ một hoặc nhiều trong 3 lá mầm của phôi thai.

Các tế bào này tùy theo mức độ biệt hóa, có thể là lành tính và có thể ác tính tùy theo thành phần mô không trưởng thành. Mặc dù cái tên nghe đáng sợ nhưng u quái thường là u lành tính. U quái trưởng thành lành tính chứa nhiều loại mô khác nhau như lông, tóc, móng, cơ, răng hoặc xương...

Xương cụt, buồng trứng, tinh hoàn là những nơi dễ tìm thấy u quái nhất, chúng cũng có thể xuất hiện ở những nơi khác trong cơ thể nhưng hiếm hơn.

Loại u này có thể tồn tại trong cơ thể của bất kỳ độ tuổi nào, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ đến người trưởng thành, người cao tuổi.

U quái có thể lành tính (không ung thư) hoặc ác tính (ung thư). Tuy nhiên, ngay cả u quái ung thư cũng có thể được điều trị thành công nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Do vậy, khi có những triệu chứng bất thường, nên đi khám ngay.

Theo Cleveland Clinic, u quái được chia thành hai loại chính: Trưởng thành và chưa trưởng thành.

- Trưởng thành: Loại u quái này thường không phải ung thư. Tuy nhiên, u quái trưởng thành có nhiều khả năng phát triển trở lại sau khi được phẫu thuật cắt bỏ.

- Chưa trưởng thành: Loại u quái này có nhiều khả năng phát triển thành ung thư. U quái chưa trưởng thành có thể chứa các yếu tố của ung thư soma (không phải tế bào mầm), chẳng hạn như sarcoma, ung thư biểu mô hoặc bệnh bạch cầu.

Ban đầu, những người bị u quái có thể không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Một khi các triệu chứng phát triển, chúng có thể thay đổi đáng kể tùy thuộc vào vị trí của khối u. Các triệu chứng u quái chung có thể bao gồm:

- Đau.

- Chảy máu.

- Sưng tấy.

- Tăng nhẹ nồng độ hormone BhCG.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo khi phát hiện trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường như: đau bụng, trướng bụng, tự sờ thấy khối bất thường vùng bụng, cha mẹ không nên chủ quan, mà nên đưa trẻ đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa nhi để được khám và điều trị kịp thời.

Bệnh u quái ở trẻ sơ sinh có thể phát hiện bằng cách siêu âm trong thời kỳ mang thai và phải chủ động mổ đẻ, sau đó đưa trẻ tới những trung tâm phẫu thuật nhi chuyên sâu sớm để tiến hành phẫu thuật, nếu không khi thời gian kéo dài thì nguy cơ ác tính càng cao.

Theo các tác giả, 97% u quái cùng cụt ở trẻ sơ sinh là lành tính, phẫu thuật lấy trọn u và không cần hóa trị được chọn lựa ưu tiên. Khi phát hiện và phẫu thuật u sau 2 tháng tuổi thì tỉ lệ ác tính dao động 50% - 60% và sau 1 năm là 75%.

Vì vậy, chẩn đoán và phẫu thuật sớm có ý nghĩa rất quan trọng trong điều trị cũng như tiên lượng bệnh u quái.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020