Chuyên mục  


Hamas và Israel vừa nhất trí về thỏa thuận mới có thể giúp chấm dứt giao tranh đẫm máu, giải thoát con tin Israel và tù nhân Palestine. Đây là lệnh ngừng bắn thứ hai mà hai bên đạt được trong 15 tháng xung đột, sau thỏa thuận kéo dài khoảng một tuần hồi tháng 11/2023.

Thỏa thuận chi tiết mà hai bên đã ký chưa được công bố. Chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 16/1 hoãn phiên họp phê duyệt thỏa thuận, cáo buộc Hamas thay đổi một số điều khoản. Đại diện Hamas trong khi đó tuyên bố họ sẽ tuân thủ thỏa thuận mà các bên trung gian đã tuyên bố.

Dù còn một số điều khoản chưa đạt đồng thuận, thỏa thuận ngừng bắn vẫn được đánh giá là bước đột phá lớn, với ba giai đoạn tách biệt.

Giai đoạn một

Giai đoạn một dự kiến bắt đầu từ ngày 19/1 và kéo dài 6 tuần, bao gồm các điều khoản như ngừng giao tranh, Israel rút binh sĩ, trao đổi con tin và tù nhân, cũng như tăng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza.

Quân đội Israel sẽ bắt đầu rút khỏi các trung tâm dân cư đông đúc, nhưng duy trì hiện diện dọc biên giới giữa Ai Cập và Dải Gaza, nơi được gọi là Hành lang Philadelphi. Israel cũng sẽ thiết lập vùng đệm rộng khoảng một km bên trong Gaza và chạy dọc theo biên giới với Israel, song quy mô vùng đệm được cho là một trong những điểm mà hai bên chưa đạt đồng thuận khi đàm phán.

Việc Israel rút quân sẽ cho phép những người Palestine sơ tán được trở về nhà, gồm cả ở Gaza City và các thành phố ở phía bắc. Hầu hết người dân ở Dải Gaza đang phải sống chen chúc trong các lều trại tồi tàn sau khi phải di tản vì giao tranh. Họ rất muốn được trở về nhà, dù nhiều nơi đã bị phá hủy nghiêm trọng.

Người dân Palestine di tản từ khu tị nạn Beit Hanoun về Jabalia ở miền bắc Gaza ngày 12/11/2024. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng điều khoản này cũng đối mặt nhiều thách thức. Israel nhiều lần nhấn mạnh họ phải kiểm soát dòng người trở về phía bắc Gaza để đảm bảo các thành viên Hamas không trà trộn và mang vũ khí trở lại khu vực này.

Trong thời gian xung đột, quân đội Israel đã chia cắt miền bắc Gaza với phần còn lại bằng cách kiểm soát Hành lang Netzarim cắt ngang khu vực miền trung dải đất. Điều đó cho phép họ kiểm tra bất cứ ai di chuyển từ phía bắc Dải Gaza tới miền trung và cấm bất kỳ ai muốn quay trở lại khu vực.

Dự thảo thỏa thuận ngừng bắn mà AP xem được cho thấy quân đội Israel sẽ từ bỏ kiểm soát Hành lang Netzarim. Trong tuần đầu tiên, họ sẽ rút khỏi tuyến đường ven biển Rasheed Street, mở đường cho người Palestine trở về nhà. Đến ngày thứ 22 của lệnh ngừng bắn, quân đội sẽ rút hoàn toàn khỏi hành lang này.

Tuy nhiên, khi một số điều khoản đang được đàm phán, một quan chức Israel khẳng định quân đội vẫn kiểm soát Hành lang Netzarim và người Palestine muốn trở về miền bắc sẽ phải qua các trạm kiểm soát chặt chẽ.

Một phần quan trọng trong giai đoạn một là Hamas và các nhóm vũ trang khác ở Dải Gaza đồng ý thả 33 con tin, gồm thường dân, nữ quân nhân, trẻ em, người già và người bệnh để đổi lấy một số lượng tù nhân Palestine chưa được tiết lộ. Theo thỏa thuận, các con tin mang hai quốc tịch Mỹ và Israel cũng sẽ được thả đợt này.

Hamas và lực lượng đồng minh ở Gaza hiện giữ 94 người đã bắt cóc trong cuộc tấn công miền nam Israel hồi tháng 10/2023, sau khi hơn 100 người được thả trong thỏa thuận đầu tiên. Quân đội Israel cho biết ít nhất 34 người trong số con tin còn lại ở Gaza đã chết.

Ít nhất 10.000 tù nhân Palestine đang bị giam trong các nhà tù ở Israel, nhưng con số này không bao gồm những người Palestine bị bắt ở Dải Gaza, theo Ủy ban Các vấn đề về tù nhân và Hiệp hội Tù nhân Palestine. Trong số tù nhân Palestine, hơn 3.300 người bị giam dù không bị kết tội hoặc phải hầu tòa.

Giai đoạn đầu của thỏa thuận ngừng bắn cũng sẽ tạo điều kiện cho hàng trăm xe tải chở hàng viện trợ vào Dải Gaza mỗi ngày, gồm thực phẩm, thuốc men, vật tư và nhiên liệu, nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khu vực. Con số này lớn hơn nhiều lượng hàng nhân đạo mà Israel cho phép đi vào Gaza trong suốt thời gian xung đột vừa qua.

Các nhóm viện trợ trước đó gặp rất nhiều khó khăn để chuyển hàng viện trợ cho người dân Gaza dù số lượng nhỏ. Họ đối mặt nhiều hạn chế từ quân đội Israel và tình trạng cướp xe tải viện trợ tràn lan. Lệnh ngừng bắn có thể giúp giảm bớt tình trạng đó.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng việc thực hiện điều khoản này cũng có thể gặp nhiều khó khăn. Trước khi xung đột bùng phát, Israel đã hạn chế chuyển một số mặt hàng, thiết bị vào khu vực với lý do chúng có thể được Hamas sử dụng cho mục đích quân sự. Một quan chức Israel khác cho biết hai bên đang tiếp tục đàm phán thêm về hỗ trợ nhân đạo, nhưng mục tiêu của Tel Aviv là ngăn Hamas có bất kỳ vai trò nào trong quá trình phân phát hàng viện trợ.

Một thách thức khác là chính phủ Israel đã cấm cửa, cắt đứt mọi quan hệ với UNRWA, cơ quan điều phối viện trợ của Liên Hợp Quốc cho Dải Gaza.

Vị trí hành lang Philadelphi và hành lang Netzarim ở Gaza. Đồ họa: AP

Giai đoạn hai

Đến ngày thứ 16 của giai đoạn một, hai bên sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán cho giai đoạn hai. Giai đoạn này dự kiến giúp trả tự do cho tất cả con tin còn lại mà Hamas và lực lượng đồng minh giam giữ. Đổi lại, Israel rút quân hoàn toàn khỏi Dải Gaza và khu vực sẽ bước vào thời kỳ "yên bình lâu dài".

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng những cuộc thảo luận về giai đoạn này dự kiến đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn hơn.

Israel từng tuyên bố không đồng ý rút quân hoàn toàn nếu chưa loại bỏ được năng lực quân sự và chính trị của Hamas, nhằm đảm bảo nhóm không còn kiểm soát Gaza nữa. Trong khi đó, Hamas tuyên bố sẽ không trao trả những con tin cuối cùng đến khi Israel rút quân hoàn toàn khỏi Gaza.

Do đó, cuộc đàm phán sẽ phải khiến cả hai đồng ý về một giải pháp thay thế để quản lý Gaza. Hamas phải đồng ý loại bỏ năng lực của nhóm, điều mà họ tuyên bố sẵn sàng chấp nhận. Tuy nhiên, nhóm có thể tìm cách giữ vai trò nào đó trong chính quyền tương lai ở Gaza, điều mà Israel kịch liệt phản đối.

Dự thảo thỏa thuận hiện tại nêu rõ giai đoạn hai phải được thực hiện vào cuối giai đoạn đầu tiên. Hai bên sẽ chịu rất nhiều áp lực để đạt thỏa thuận, song nhiều người tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu họ không thể tìm được tiếng nói chung.

Hamas muốn có sự đảm bảo bằng văn bản rằng lệnh ngừng bắn sẽ được duy trì tới khi nào cần thiết để có thể thống nhất về thỏa thuận giai đoạn hai. Họ đã chấp nhận đảm bảo bằng lời nói từ Mỹ, Ai Cập và Qatar, ba bên trung gian đàm phán.

Tuy nhiên, Israel không đưa ra bất kỳ đảm bảo nào. Do đó, Israel có thể đe dọa phát động chiến dịch tấn công mới để gây sức ép đối với Hamas trong các cuộc đàm phán, hoặc có thể tiếp tục chiến dịch hiện tại như Thủ tướng Netanyahu từng cảnh báo.

Hamas và các bên hòa giải hiện đặt cược rằng động lực từ giai đoạn đầu sẽ khiến ông Netanyahu không làm như vậy. Việc tái khởi động chiến dịch tấn công sẽ khiến Israel mất những con tin còn lại, điều này có thể làm dấy làn sóng phẫn nộ trong nước đối với ông Netanyahu. Tuy nhiên, dừng mục tiêu xóa sổ Hamas cũng có thể khiến các đối tác chính trị của Thủ tướng Israel không hài lòng.

Nhiều người ăn mừng lệnh ngừng bắn ở Tel Aviv, Israel ngày 15/1. Ảnh: Reuters

Giai đoạn ba

Các nhà phân tích cho rằng hai đoạn ba có thể ít gây tranh cãi hơn. Trong giai đoạn này, Hamas dự kiến trao trả thi thể các con tin để đổi lấy kế hoạch tái thiết Gaza kéo dài 3-5 năm, được thực hiện dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani nói Mỹ, Ai Cập và Qatar sẽ thành lập nhóm giám sát với thành viên từ ba nước hòa giải để đảm bảo các bên không vi phạm thỏa thuận.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm mọi thứ có thể để cùng với các đối tác đảm bảo thỏa thuận được thực hiện như đã thống nhất để mang lại nền hòa bình khu vực. Tôi tin rằng tất cả phụ thuộc vào việc các bên có hành động một cách thiện chí để đảm bảo không khiến thỏa thuận sụp đổ", ông nói.

Thùy Lâm (Theo CNN, BBC, AP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020