Củ ấu, còn gọi là ấu trụi, ấu nước, lãng thực... Là món ăn tuổi thơ quen thuộc của nhiều người. Loại củ này có tên khoa học là Trapa bicornis thuộc họ củ ấu Trapaceace.
Cây ấu thuộc loại cây thủy sinh, sống dưới nước, thân cây ngắn có lông, có hoa màu trắng, mọc đơn lẻ ở kẽ lá. Quả thường gọi củ ấu có hai sừng, đầu sừng có hình mũi tên và sừng của củ ấu do các lá đài phát triển thành.
Nhìn bề ngoài, củ ấu có màu đen sì, hình dạng lạ lùng, nhưng phần thịt bên trong trắng phau, thơm bùi và vô cùng bổ dưỡng. Củ ấu, một loại thực phẩm quen thuộc, không chỉ có hương vị thơm ngon mà còn ẩn chứa nhiều giá trị dinh dưỡng đáng kể. Trong củ ấu có hàm lượng tinh bột chiếm khoảng 49% và hàm lượng protein chiếm 10,3%. Đối với các thành phần khác, trong 100g củ ấu chứa 4,5g albumin; 0,1g chất béo; 19,7g chất đường các loại; 0,19g vitamin B1; 0,06g vitamin B2; 13 mg vitamin C; 0,7mg sắt…
Trong Đông y, củ ấu là vị thuốc quen thuộc, nó có vị ngọt, tính mát. Tất cả các thành phần của cây củ ấu đều có thể tận dụng để làm thuốc trị bệnh. Công dụng ích khí kiện tỳ (ăn chín); thanh thử giải nhiệt lương huyết, trừ phiền chỉ khát (ăn sống).
Vì thế, nhiều người coi loại củ này là "nhân sâm của người nghèo", tuy bề ngoài giản dị nhưng lại có thể chữa được nhiều bệnh từ đơn giản đến phức tạp.
Theo PGS.TS. Lê Thị Huyền, Khoa Hóa học, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, các nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Hàn Quốc và Pakistan chỉ ra sự có mặt của các hợp chất alkaloids, flavonoids, glycosides, saponins và đặc biệt rất giàu các hợp chất tannin thủy phân. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng dịch chiết methanol của củ ấu có tác dụng chống co thắt, nên được dùng để chữa đi ngoài tốt. Ngoài ra củ ấu còn là một dược liệu tiềm năng trong điều trị hội chứng ruột kích thích trong thử nghiệm trên loài thỏ. Đặc biệt trong thử nghiệm độc tính cấp tính, chiết xuất này an toàn với liều lượng lên tới 10 g/kg thể trọng.
PGS.TS. Lê Thị Huyền, Giảng viên cao cấp, Phó trưởng PTN Hóa dược, khoa Hóa học, trường ĐHKHTN, ĐHQGHN
Với nguồn dinh dưỡng phong phú, dồi dào, củ ấu có nhiều công dụng đối với sức khỏe:
Tăng cường miễn dịch cho cơ thể
Vitamin C và B6 trong củ ấu giúp tăng cường hệ thống miễn dịch cho người dùng. Đồng thời cũng giúp nâng cao sức đề kháng để sẵn sàng chống lại sự tấn công của các virus gây bệnh. Các triệu chứng như sổ mũi, sốt, cảm lạnh, mệt mỏi,... cũng sẽ giảm bớt nếu bạn dùng loại củ này thường xuyên.
Tốt cho dạ dày
Nhờ vào thành phần vitamin C và acid ferulic, ăn củ ấu thường xuyên hỗ trợ đường ruột người dùng chống viêm, kháng khuẩn hiệu quả. Đối với người bị các vấn đề về dạ dày, rối loạn hay bị viêm tá tràng, củ ấu càng phát huy nhiều lợi ích.
Mặt khác, củ ấu cũng rất giàu chất xơ, cung cấp nhiều lợi khuẩn rất tốt cho hệ tiêu hóa nói chung và dạ dày nói riêng.
Hỗ trợ trị bệnh Eczema
Eczema hay bệnh chàm là tình trạng khô da, rát, ngứa ngáy khó chịu đi kèm là các vết ban đỏ. Bệnh gây sự ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống, khiến người bệnh cảm thấy tự ti về ngoại hình. Nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng chống viêm, kháng khuẩn của củ ấu có hiệu quả với người bị Eczema.
Chỉ cần nấu chín củ ấu với nước, sau đó cho thêm một ít nước chanh vào hỗn hợp này và thoa đều lên da sẽ giúp làm mềm làn da và giảm đi tình trạng ngứa, khô rát khó chịu. Bài thuốc này giúp các triệu chứng ngứa ngáy, khô rát da giảm đi hiệu quả.
Thanh lọc, giải độc gan, giảm tiêu chảy
Theo Đông y, củ ấu có vị ngọt thanh, tính mát, mang nhiều tác dụng giúp ích khí kiện tỳ, thanh khử, giải độc gan, giải độc say rượu và loại bỏ rôm sảy, giúp cơ thể bù lại chất điện giải đã mất khi bị tiêu chảy. Củ ấu được dùng trong các bài thuốc tỳ hư tiết tả, chu kỳ kinh nguyệt không đều, trĩ xuất huyết hay chống suy nhược cơ thể.
Theo PGS Huyền, củ ấu có dinh dưỡng dồi dào, có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe, tuy nhiên cũng có những tác dụng phụ nếu dùng sai cách. Chị nhấn mạnh 1 số lưu ý khi dùng loại củ này như sau:
1. Không nên ăn quá nhiều củ ấu cùng lúc vì loại củ này có tính mát, nhiều tinh bột dễ gây ra tình trạng đầy hơi, trướng bụng và đau bụng. Khuyến cáo nên dùng 50 – 200g/ngày dưới dạng ăn sống hoặc nấu canh, cháo…
2. Người tỳ vị hư nhược, đại tiện tiêu lỏng không nên ăn củ ấu sống.
3. Sau khi ăn củ ấu, không nên uống nước luôn vì sẽ có cảm giác khó chịu.
4. Củ ấu là thực phẩm có hàm lượng tinh bột cao, ăn nhiều dễ khiến đường huyết tăng cao, hàm lượng kali trong củ ấu cũng nhỉnh hơn hẳn các loại rau khác, bệnh nhân tiểu đường và bệnh thận rất dễ bị tăng kali máu nếu cố tình ăn vào.