Chuyên mục  


Hai tuần sau ca mổ ghép gan, cậu bé có thể ăn uống, vui cười trong phòng cách ly tại Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM. Sau nhiều lần phải hoãn mổ nhận gan từ mẹ vì tình trạng sức khỏe không đảm bảo, lá gan hỏng của Minh đã được thay mới.

Ngay từ khi chào đời, Minh đã vàng da nặng, sau đó da đen sạm khiến nhiều người lầm tưởng là con lai. Gia đình từ Đắk Lắk đưa bé đến TP HCM, nơi bác sĩ chẩn đoán teo đường mật bẩm sinh và khuyên phẫu thuật Kasai – một giải pháp tạm thời để kéo dài sự sống trong khi chờ ghép gan. Tuy nhiên, vì gia đình chần chừ, bé bỏ lỡ thời điểm vàng để mổ. Khi tình trạng ngày càng nặng, Minh được đưa ra Hà Nội, nhưng lúc này đã quá muộn để thực hiện Kasai. Ghép gan trở thành hy vọng duy nhất.

Người mẹ trẻ sẵn sàng hiến gan cho con, nhưng mỗi lần chuẩn bị mổ, Minh lại bị viêm phổi nặng, không đủ sức khỏe để thực hiện. Khi bé 9 tháng tuổi, bác sĩ tiên lượng không qua khỏi, gia đình đưa bé về nhà. Thật kỳ diệu, Minh bất ngờ hồi phục, có thể cai oxy. Nhờ đó, mẹ bé quyết định đưa con đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, tiếp tục nuôi hy vọng.

Dự kiến ghép gan vào tháng 12, nhưng sức khỏe Minh không đảm bảo. Các bác sĩ hy vọng bé có thể "trụ" qua Tết để tiến hành phẫu thuật. Người mẹ, dù nhiều lần suy sụp vì ca mổ bị hoãn, vẫn kiên trì chờ đợi. Chị thậm chí năn nỉ bác sĩ, "sẵn sàng ký các giấy tờ nếu xảy ra chuyện gì cũng sẽ chấp nhận", sợ qua Tết con sẽ không còn cơ hội sống để ghép.

Các y bác sĩ chuẩn bị cho một ca mổ ghép gan. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Tối 19/12, điều dưỡng dặn không cho bé ăn uống để hy vọng có thể nhận được gan từ người đàn ông 47 tuổi chết não hiến tạng, có cùng nhóm máu với bé. Người mẹ "mừng run không ngủ được", ngóng chờ tin tức. May mắn lúc này, tình trạng sức khỏe của bé cũng tiến triển tốt hơn, có thể đáp ứng ca ghép.

Rạng sáng 20/12, lá gan của người đàn ông được êkíp bác sĩ Long chia đôi trong cơ thể, sau đó mang từ Bình Dương về TP HCM ghép cho bé Minh và một bệnh nhân ung thư gan 60 tuổi, quê Trà Vinh. Đây là kỹ thuật chia gan để ghép khá mới mẻ tại Việt Nam, đã áp dụng cho khoảng 5 trường hợp, giúp thêm cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân.

Vượt qua ca đại phẫu, chức năng gan của Minh hồi phục tốt, các chỉ số dần trở về bình thường. Từ lúc Minh bệnh, gia đình phải vay mượn nhiều để chạy chữa. Nhờ nhận gan từ người hiến chết não, gia đình đỡ tốn phần chi phí phẫu thuật lấy gan từ người mẹ.

Ghép gan là một trong kỹ thuật phức tạp nhất trong chuyên ngành tiêu hóa - gan mật, mang lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh gan giai đoạn cuối. Việt Nam có 9 bệnh viện thực hiện kỹ thuật này và đã ghép cho hơn 600 ca, chủ yếu từ nguồn hiến từ người cho sống.

Việt Nam ghi nhận 39 ca hiến tạng từ người chết não trong năm 2024 - mức kỷ lục từ trước đến nay. Tỷ lệ tạng ghép từ nguồn hiến này tăng lên 12%, trước đây chỉ khoảng 5%, song vẫn thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Tỷ lệ hiến tạng từ người cho chết não còn khá thấp so với nhu cầu người đăng ký nhận tạng, danh sách những người chờ ghép tạng vẫn còn rất dài và mỗi ngày có rất nhiều người không có tạng để ghép.

Lê Phương

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020