Giáo sư Trần Trung Dũng, Giám đốc Chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình và Cơ xương khớp, Hệ thống Y tế Vinmec, cho biết như trên chiều 7/1, thêm rằng hiện tình trạng của nam cầu thủ ổn định. Anh sẽ nằm viện ít nhất 4 tuần nữa để theo dõi chuyên sâu, sau đó có thể trở về câu lạc bộ tập hay các cơ sở phục vụ quá trình tập luyện.
"Son bị tổn thương gãy thân xương còn dây chằng và khớp gối không ảnh hưởng, nếu điều trị và tập luyện phục hồi tốt thì có thể quay trở lại với bóng đá với sức mạnh đôi chân 100% như trước", bác sĩ Dũng nói.
Bác sĩ Dũng cho hay ca mổ nối kết xương của Son đêm qua đã thành công song quá trình điều trị mới được 1/10 chặng đường. Các chặng đường tiếp theo, Son cần có chương trình tập phục hồi chức năng chuyên biệt cho vận động viên. Với bệnh nhân bình thường, nhu cầu chỉ cần đi lại, sinh hoạt vận động tốt. Còn với vận động viên thi đấu đỉnh cao, cần bài toán tổng thể từ phẫu thuật trị liệu, dinh dưỡng, tập luyện giúp bệnh nhân liền xương, phục hồi vận động, duy trì sức cơ, kiểm soát cân nặng.
"Đây là vấn đề không hề dễ dàng", ông Dũng nói thêm. Cân nặng, chỉ số hiện tại của Son đang ở đỉnh cao của một vận động viên bóng đá. Vì thế, quá trình tập luyện, phục hồi chức năng, dinh dưỡng cần hết sức lưu ý để đảm bảo giữ cân nặng, tránh tăng cân do giảm cường độ luyện tập đột ngột. Đặc biệt, chương trình tập luyện chuyên biệt, dinh dưỡng chuyên biệt được tính toán kỹ cho Xuân Son để đảm bảo quá trình liền xương hồi phục nhanh nhưng vẫn giữ được khối cơ.
Đến chiều nay, Son có thể tự đi nạng được trong phòng, dự kiến 2-3 ngày nữa bắt đầu chương trình tập luyện tại chỗ, với thời gian lên đến 6-8 giờ/ngày. "Cháu cảm thấy tốt hơn rồi, sẽ sớm quay trở lại", Son nói với Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn chiều 7/1, tại bệnh viện.
Xuân Son vui vẻ khi Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn (áo trắng, giữa) đến thăm chiều 7/1. Ảnh: Lê Nga
Xuân Son, tên gốc Brazil là Rafaelson, sinh năm 1997, nhập quốc tịch Việt Nam vào tháng 9/2024. Anh trở thành cầu thủ nhập tịch không có gốc gác Việt Nam đầu tiên được gọi lên ĐTQG kể từ năm 2009. Xuân Son bị chấn thương trong trận đấu chung kết ASEAN Cup trên sân Rajamangala, Thái Lan tối 5/1, khi đi bóng rồi cố rướn người chuyền vào cấm địa Thái Lan. Kết quả khám và chụp chiếu ban đầu tại Thái Lan xác định Son bị gãy xương mác và xương chày chân phải.
Theo bác sĩ Dũng, ngay sau khi Xuân Son gặp chấn thương, các bác sĩ đã hội chẩn xuyên đêm, trao đổi cùng đồng nghiệp Thái Lan về phương án mổ tại Bangkok hay về nước, hoặc chuyển đến Nhật Bản hay Hàn Quốc. Cuối cùng nguyện vọng của Son và gia đình cùng câu lạc bộ nơi Son thi đấu là về Việt Nam mổ để đảm bảo "thời gian vàng" trong khoảng 24 giờ sau chấn thương.
Về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội), Son được đội ngũ y tế đưa thẳng vào Bệnh viện Vinmec. Kết quả chụp chiếu xác định anh bị gãy kín phức tạp 1/3 giữa thân hai xương cẳng chân, có hai mảnh rời lớn. Bác sĩ quyết định phẫu thuật kết hợp xương kín bằng đinh nội tủy có chốt dưới màn hình tăng sáng. Đây là giải pháp phẫu thuật ít xâm lấn, giúp giảm thiểu tổn thương mô mềm và đảm bảo phục hồi nhanh chóng.
Bác sĩ Dũng cho biết kỹ thuật điều trị kết xương này là cơ bản, không khó, song bệnh nhân là một vận động viên chuyên nghiệp nên đòi hỏi êkíp phẫu thuật thao tác tỉ mỉ chính xác đến 100%. Đặc biệt, cần giảm thiểu can thiệp đến vị trí gãy xương, không tác động, giảm làm hư hại đến các cấu trúc nội xương như màng xương, cơ...
"Chúng tôi đóng đinh xuyên qua chỗ gãy, cố định lại mà không xâm lấn đến da, cơ, màng xương, tính toán đến từng mm của con vít làm sao bắt vào vừa khít mặt xương, không bị nhô ra, đảm bảo khi xương liền Son tập lại, thi đấu lại không bị ảnh hưởng", bác sĩ Dũng giải thích.
Lê Nga