Nhiều bệnh viện đề xuất thanh toán BHYT cho nhiều loại thuốc điều trị ung thư mới - Ảnh: NAM TRẦN
Ngày 5-12, Bộ Y tế tổ chức hội thảo phổ biến thông tư 37 và lấy ý kiến về danh mục thuốc BHYT.
Đề xuất bổ sung thuốc điều trị ung thư
Để xây dựng danh mục thuốc mới, Bộ Y tế đã đề nghị các cơ sở y tế dựa vào tình hình thực tế có những đề xuất xây dựng danh mục thuốc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Toản - Vụ BHYT, Bộ Y tế - cho hay đã nhận được đề xuất hồ sơ của hàng trăm cơ sở y tế, sở y tế các tỉnh thành, hãng dược… gửi về.
"Theo thống kê, hầu hết các đơn vị đề xuất bổ sung các thuốc điều trị ung thư, tim mạch, nội tiết. Trong đó nhiều nhất là thuốc điều trị đích điều trị ung thư bao gồm 28 loại thuốc.
Tiếp đến là các loại thuốc kháng sinh, insulin và nhóm thuốc hạ đường huyết. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị đề xuất thay đổi cấp chuyên môn, điều kiện, tỉ lệ thanh toán với 35 loại thuốc, 16 nhóm tác dụng", ông Toản chia sẻ.
Theo ông Toản, để bổ sung các loại thuốc mới vào danh mục thuốc BHYT cần đánh giá về tác động lên quỹ BHYT, hiệu quả của thuốc… Sau khi tổng hợp, những đề xuất này sẽ được hội đồng chuyên môn đánh giá các tiêu chí để đưa vào danh mục thuốc mới.
"Các loại thuốc mới ngoài đảm bảo hiệu quả điều trị, thuốc tốt, còn phải đảm bảo cân bằng quỹ về tài chính. Đặc biệt, các loại thuốc điều trị đích thường có chi phí cao, vì vậy tùy thuộc vào tình hình thực tế có thể sẽ đồng chi trả một phần tùy thuộc vào khả năng cân đối của quỹ BHYT. Dự kiến trong quý 1 năm 2025 sẽ ban hành danh mục thuốc mới", ông Toản nói.
Sẽ cập nhật thuốc mới, bỏ thuốc không còn phù hợp
Theo bà Trần Thị Trang, vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, nhiều năm qua danh mục thuốc BHYT chưa được cập nhật thường xuyên. Một trong những nguyên nhân đó là các quy định về vấn đề tiêu chí, nguyên tắc để cập nhật danh mục thuốc chưa được xây dựng dưới hình thức là văn bản quy phạm pháp luật.
Chính vì thế mỗi khi phải cập nhật danh mục thuốc đều phải xem xét rà soát và xây dựng lại tiêu chí. Điều này dẫn đến việc không bảo đảm tính kịp thời và làm cho quy trình xây dựng và cập nhật danh mục thuốc bị kéo dài thời gian.
"Do đó, việc triển khai thông tư 37 tạo hành lang pháp lý để việc cập nhật danh mục thuốc được thường xuyên hơn. Khi đã có hành lang pháp lý, các hội đồng chuyên môn và cơ quan của Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ nhanh chóng chủ động xây dựng được danh mục thuốc BHYT một cách nhanh chóng, cập nhật và đảm bảo được tính khách quan. Đây được xem là điểm đột phá về mặt thể chế", bà Trang cho biết.
Cũng theo bà Trang, việc xây dựng các tiêu chí, nguyên tắc đưa thuốc mới vào danh mục thuốc BHYT sẽ thuận lợi, minh bạch.
Dựa vào quy định sẽ có thể đưa thuốc tốt, có hiệu quả điều trị cao, chi phí hợp lý bổ sung vào danh mục. Bên cạnh đó, có thể đưa ra khỏi danh mục những thuốc không đáp ứng tiêu chí về an toàn và hiệu quả.
Danh mục này sẽ được cập nhật thường xuyên, hằng năm để tăng cường tiếp cận thuốc mới hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
Bỏ quy định phân chia danh mục thuốc theo hạng bệnh viện
Nhiều cơ sở y tế đề xuất bổ sung thuốc điều trị ung thư vào danh mục thuốc BHYT chi trả - Ảnh: D.LIỄU
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trang cho hay danh mục thuốc, chế phẩm điều trị bệnh đang được phân bổ theo hạng bệnh viện, phù hợp năng lực chuyên môn của các cơ sở khám, chữa bệnh.
"Hiện nay danh mục thuốc BHYT chi trả hiện hành gồm 1.037 hoạt chất. Tuy nhiên quyền sử dụng các hoạt chất này lại có sự khác biệt rõ rệt giữa các hạng bệnh viện.
Trong khi bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 được sử dụng toàn bộ, bệnh viện hạng 2 chỉ được 991 hoạt chất, còn trạm y tế chỉ dừng lại ở con số 356.
Danh mục thuốc này được xây dựng theo hướng phù hợp với trình độ kỹ thuật chuyên môn của cơ sở y tế. Trong đó một số loại hoạt chất, chế phẩm không được đưa vào sử dụng tại các bệnh viện tuyến dưới do các đơn vị chưa đáp ứng được chuyên môn, dịch vụ kỹ thuật", bà Trang nói.
Lãnh đạo Vụ BHYT cũng cho hay thông tư 37 về danh mục thuốc BHYT vừa được ban hành đã sửa đổi cấu trúc danh mục thuốc.
Cụ thể, bỏ phân hạng bệnh viện trong danh mục thuốc hóa dược và sinh phẩm. Các cơ sở y tế sẽ được sử dụng toàn bộ danh mục thuốc phù hợp với chuyên môn, không phân biệt cấp hạng bệnh viện. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ 1-1-2025.