Chuyên mục  


1tim-mach--1728178024259298405984.png

Nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh tim mạch, huyết áp - Ảnh minh họa

Dấu hiệu trên mặt cảnh báo tim đang gặp nguy

Bác sĩ Nguyễn Văn Thái, Viện Y học phóng xạ và Ung bướu quân đội, cho biết gương mặt của chúng ta có thể là tấm gương phản ánh tình trạng sức khỏe tim mạch.

Có nhiều dấu hiệu mà cơ thể chúng ta gửi đến, nhưng đôi khi chúng ta không để ý.

Trái tim là "động cơ" không ngừng nghỉ của cơ thể, vì thế việc chú ý đến các dấu hiệu bất thường trên gương mặt có thể giúp bạn phát hiện sớm các vấn đề về tim mạch và có biện pháp phòng ngừa kịp thời.

- Môi tái nhợt hoặc xanh xao: Nếu bạn nhìn vào gương và thấy môi mình trông nhợt nhạt, thậm chí xanh xao thì đây là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo rằng tim của bạn có thể đang gặp vấn đề. Môi xanh tái là biểu hiện của việc thiếu oxy trong máu, vấn đề thường gặp ở những người bị suy tim hoặc bệnh tim mạch.

Khi tim không bơm đủ máu và oxy đến các cơ quan, cơ thể sẽ thể hiện ra ngoài qua màu sắc của môi và da. Nếu bạn thấy tình trạng này xảy ra thường xuyên, đừng chủ quan, hãy nhanh chóng đi khám bác sĩ để kiểm tra tình trạng tim mạch của mình.

- Bọng mắt sưng to: Bạn có thể nghĩ bọng mắt sưng chỉ là do thiếu ngủ hay mệt mỏi, nhưng thực tế, nếu tình trạng này kéo dài, nó có thể là dấu hiệu của các vấn đề về tim mạch. Khi tim không hoạt động hiệu quả, quá trình tuần hoàn máu bị ảnh hưởng, dẫn đến tích tụ chất lỏng trong cơ thể.

Kết quả là vùng da quanh mắt dễ bị sưng phù. Nếu bọng mắt xuất hiện cùng với các triệu chứng khác như mệt mỏi, khó thở, bạn nên chú ý vì đây có thể là lời cảnh báo sớm về bệnh tim.

- Da mặt đỏ bừng: Một khuôn mặt đỏ ửng thường có thể xuất hiện khi chúng ta xấu hổ, giận dữ hay sau khi vận động mạnh. Tuy nhiên, nếu da mặt đỏ bừng mà không có lý do rõ ràng, đây có thể là một dấu hiệu của huyết áp cao - yếu tố nguy cơ dẫn đến các vấn đề tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Huyết áp cao khiến máu lưu thông với áp lực lớn, làm các mạch máu dưới da giãn nở, dẫn đến hiện tượng da đỏ bừng. Nếu điều này diễn ra liên tục, hãy đi khám và kiểm tra huyết áp của mình nhé!

- Nếp nhăn trên dái tai: Có một dấu hiệu rất đặc biệt mà ít ai để ý là nếp nhăn chéo xuất hiện trên dái tai. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếp nhăn này có thể liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim.

Điều này xảy ra do quá trình tuần hoàn máu bị ảnh hưởng, các mô không nhận đủ máu và oxy dẫn đến hình thành nếp nhăn chéo. Nếu bạn nhận thấy nếp nhăn này trên dái tai của mình, hãy đi kiểm tra sức khỏe tim mạch để được chẩn đoán chính xác.

- Mạch máu nổi rõ trên mặt: Khi bạn thấy các mạch máu nổi lên rõ rệt trên mặt, đặc biệt là quanh vùng mũi và má, đây có thể là dấu hiệu của rối loạn tuần hoàn máu hoặc tim đang gặp vấn đề.

Tim hoạt động kém hiệu quả khiến máu lưu thông khó khăn hơn, gây áp lực lên các mạch máu nhỏ, khiến chúng phình to và hiện rõ dưới da. Nếu kết hợp với các triệu chứng khác như đau ngực, khó thở, mệt mỏi, hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức để tránh những biến chứng nguy hiểm.

duong1tieu--1728178024252644737952.png

Bệnh tim mạch, tiểu đường gia tăng nhanh chóng cần phát hiện sớm - Ảnh tầm soát tiểu đường tại Bệnh viện Nội tiết trung ương

Triệu chứng không rõ ràng nhưng biến chứng nguy hiểm

Bác sĩ Đinh Minh Trí, Đại học Y Dược TP.HCM cảnh báo các triệu chứng của bệnh đái tháo đường giai đoạn đầu rất khó xác định và dễ nhầm lẫn với triệu chứng các bệnh khác mà người bệnh thường bỏ qua. Nếu quan tâm và biết cách kiểm soát tốt sức khỏe, thì có thể phát hiện được bệnh đái tháo đường từ rất sớm:

- Khát nước liên tục và khô miệng: Cảm giác khát nước, đặc biệt là vào những ngày nóng tưởng chừng bình thường nhưng thường xuyên cảm thấy khát nước dù đã uống đủ nước là một dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Cơ thể mất nước do lượng đường trong máu cao khiến bạn cảm thấy khô miệng và cần uống nước liên tục.

- Thèm ngọt hoặc đói cồn cào: Cảm giác đói vào buổi sáng hoặc sau khi tập luyện tưởng chừng bình thường, nhưng dù ăn đủ bữa vẫn cảm thấy đói và thèm ngọt có thể là dấu hiệu cơ thể không sử dụng đường hiệu quả, đặc biệt là trong giai đoạn sớm của tiểu đường.

- Đi tiểu thường xuyên: Đi tiểu nhiều lần trong ngày, đặc biệt sau khi uống nhiều nước ai cũng coi là bình thường nhưng thực tế nguy hiểm. Tiểu đường làm tăng lượng đường trong máu, khiến thận phải làm việc nhiều hơn để lọc đường dẫn đến tăng nhu cầu tiểu tiện, đặc biệt là ban đêm. Đi tiểu thường xuyên có thể dẫn đến mất nước và mệt mỏi.

- Vết thương lâu lành: Một số vết cắt, trầy xước hoặc nhiễm trùng mất thời gian lâu hơn để lành lại, nhất là ở người cao tuổi có thể do tiểu đường làm ảnh hưởng đến tuần hoàn máu và khả năng tự chữa lành của cơ thể, vết thương nhỏ có thể bị nhiễm trùng nặng, kéo dài quá trình phục hồi và gây ra các biến chứng nghiêm trọng.

- Mệt mỏi: Cơ thể không thể sử dụng đường để tạo năng lượng hiệu quả, dẫn đến cảm giác mệt mỏi dai dẳng, dù có nghỉ ngơi.

- Sụt cân không rõ lý do: Mặc dù ăn uống bình thường hoặc thậm chí ăn nhiều hơn, cơ thể vẫn sụt cân nhanh chóng do không thể hấp thụ đường.

- Mờ mắt: Đường huyết cao có thể ảnh hưởng đến mạch máu trong mắt, gây mờ mắt hoặc thay đổi thị lực tạm thời.

- Tê hoặc ngứa ran ở tay và chân: Đây là tình trạng tê ngứa hay cảm giác nóng rát, tê rần như kiến bò ở tay chân đặc biệt là ngón tay, ngón chân. Tình trạng này là hậu quả của sự tổn thương các dây thần kinh trong bệnh đái tháo đường.

- Nhiễm trùng thường xuyên: Người bị tiểu đường dễ bị nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng da và niêm mạc (như nhiễm nấm).

- Xuất hiện nhiều vết thâm nám: Tiểu đường đồng nghĩa với sức khỏe da bị ảnh hưởng, trên da xuất hiện nhiều vết thâm sẫm màu ở một số vùng, đặc biệt là ở những nơi có nếp nhăn hoặc nếp gấp da.

- Viêm nướu: Khi bạn mắc bệnh tiểu đường, hệ thống miễn dịch sẽ bị tổn thương, khiến cho cơ thể yếu đi và khó chống lại vi khuẩn. Khi đó, lợi sẽ ảnh hưởng nhiều nhất, viêm nướu, viêm họng, nấm… thường xuyên.

- Rối loại cương dương ở nam giới: Thất bại thường xuyên trong quan hệ vợ chồng, trên bảo dưới không nghe một phần nguyên nhân do đường trong máu cao kéo dài mất kiểm soát.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sức khỏe là một trạng thái hoàn toàn sảng khoái về mặt tinh thần và thể chất, chứ không đơn thuần là không có bệnh, không tàn tật.

Như vậy, nếu một người bình thường, không có bệnh cũng chưa phải là người có sức khỏe. Cần biết lắng nghe và nhận biết những dấu hiệu của cơ thể ngay từ khi chưa có bệnh để theo dõi và giữ gìn sức khỏe tốt nhất.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020