Josephine đã hiến 203 đơn vị máu (473 ml một đơn vị) trong gần 6 thập kỷ, bắt đầu từ năm 1965, khi ở tuổi 22. Bà quyết định làm điều này sau lần đầu tiên đến điểm hiến máu cùng chị gái.
"Tôi cảm thấy mình đủ khả năng để hiến máu. Tôi muốn chia sẻ những gì mình có cho người cần", bà cho biết, hôm 25/3.
Kỷ lục Guinness Thế giới về hiến máu trước đó thuộc về Madhura Ashok Kumar, người Ấn Độ, với 117 đơn vị.
Bà Josephine mang nhóm máu O+, phổ biến và được các bệnh viện yêu cầu nhiều nhất. Canada không giới hạn độ tuổi hiến máu, miễn người hiến có sức khỏe tốt. Josephine dự định duy trì thể chất lý tưởng để làm điều này lâu nhất có thể.
Trước khi hiến máu, bà trải qua vài lần kiểm tra sức khỏe, đảm bảo có thể trạng tốt và nồng độ sắt đủ cao. Trong nhiều năm liền, Josephine cho biết bà chưa từng thấy việc hiến máu là đau đớn. Người phụ nữ chia sẻ cảm giác "tràn đầy năng lượng" sau mỗi lần hiến tặng, dù bác sĩ đã rút khoảng nửa lít máu khỏi cơ thể.
Gần đây, khi đã bước vào độ tuổi 80, tần suất hiến máu của Josephine không hề giảm, vẫn đều đặn hơn 4 lần mỗi năm.
Bầ Josephine Michaluk hiến máu lần thứ 203 vào năm 2022. Ảnh: CTV News
Josephine hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho cộng đồng, khuyến khích mọi người đi hiến máu nếu đủ điều kiện. Máu toàn phần có thể được sử dụng cho bệnh nhân đang điều trị ung thư, cấy ghép nội tạng và các bệnh nhân cần truyền máu khẩn cấp.
Sau khi hiến tặng, huyết tương cơ thể sẽ được ổ sung trong vòng một ngày. Tuy nhiên, các tế bào hồng cầu phải mất từ 4 đến 6 tháng để trở lại mức bình thường. Vì lý do này, người hiến máu cần đợi ít nhất 8 tuần cho đến lần hiến tiếp theo, giới hạn tối đa là 6 lần hiến máu mỗi năm.
Josephine cho biết bà chưa từng nghĩ sẽ lập Kỷ lục Guinness Thế giới khi bắt đầu hiến máu vào năm 1965. Bà bày tỏ sự cảm kích đối với danh hiệu, cho rằng đây là điều "ngoạn mục".
"Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có một kỷ lục. Tôi hiến máu không phải vì lý do đó. Dù đã lập danh hiệu, tôi vẫn sẽ tiếp tục làm điều này", bà nói.
Thục Linh (Theo Guinness World Records)