Chuyên mục  


"Tình trạng bệnh nhân rất nặng", bác sĩ Khuất Hồng Nhung, Khoa Hồi sức tích cực Chống độc, kể lại hôm 16/2. Kíp khẩn cấp đặt ống nội khí quản, thở máy, kiểm tra chỉ số sinh tồn. Đây là một trong số 80 người cùng tham gia tiệc liên hoan tại một trung tâm hội nghị ở Long Biên, Hà Nội, trong đó hai bệnh nhân đã tử vong, tối 19/12/2024.

Xác định đây là ca ngộ độc hàng loạt chưa rõ nguyên nhân, bệnh nhân nhập viện muộn, quá thời gian rửa dạ dày. "Phải lọc máu ngay, nếu không sẽ mất bệnh nhân", bác sĩ Nhung cho hay. Tuy nhiên, tình trạng người bệnh tiếp tục trở nặng, nhịp tim nhanh, xét nghiệm khí máu biểu hiện toan chuyển hóa nặng, "chỉ cần ngừng lọc máu là lại lành ít dữ nhiều".

Dù đã được lọc máu, sức khỏe người đàn ông vẫn diễn biến xấu khi nhịp tim nhanh và toan chuyển hóa nặng. Bệnh viện hội chẩn khẩn cấp với Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, quyết định tiếp tục lọc máu kết hợp quả lọc hấp phụ, kháng sinh phổ rộng và điều trị dinh dưỡng. Sau 10 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn.

Ts. Bs Trần Thị Oanh, Phó giám đốc bệnh viện, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, đang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trước và sau Tết là thời điểm số ca ngộ độc rượu tăng đáng kể. Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, thống kê khoảng 3% các vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến rượu, trong khi tỷ lệ tử vong do tình trạng này chiếm hơn 26% tổng số ca tử vong do ngộ độc thực phẩm. Điều này cho thấy nguy cơ cao và mức độ nghiêm trọng của ngộ độc rượu.

Nguyên nhân là uống quá nhiều rượu ethanol trong thời gian ngắn hoặc sử dụng rượu chứa methanol (cồn công nghiệp). Methanol có thể gây tổn thương não, suy hô hấp, suy tim và nhiều biến chứng nguy hiểm khác, thậm chí tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Duy Toản, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đức Giang, chia sẻ số ca ngộ độc rượu tăng mạnh, khiến khu vực cấp cứu luôn "hỗn loạn", bất kể sáng sớm hay tối muộn. Nhiều bệnh nhân nghiện rượu lâu năm nhập viện khi nguy kịch do tổn thương gan, thận, hoặc sức khỏe suy kiệt vì tiêu thụ quá nhiều rượu mà không ăn uống. Một số người uống rượu không rõ nguồn gốc dẫn đến ngộ độc nặng.

"Nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao", bác sĩ Toản nói.

Khó khăn lớn nhất khi cấp cứu bệnh nhân ngộ độc rượu là tình trạng tinh thần của họ không ổn định, thậm chí hôn mê, khiến việc khai thác thông tin bệnh sử trở nên khó khăn. Hầu hết ca ngộ độc rượu là ngộ độc hàng loạt, số lượng bệnh nhân đông, tạo áp lực lớn lên đội ngũ y bác sĩ. Nhiều trường hợp tiến triển nhanh, từ rối loạn nhịp tim, suy đa tạng đến tử vong chỉ trong vài giờ.

Bác sĩ cấp cứu phải đưa ra quyết định nhanh chóng, bởi chỉ cần chậm vài phút, hậu quả có thể rất nghiêm trọng. Đơn cử, một bệnh nhân 30 tuổi bị ngộ độc rượu, hạ huyết áp đột ngột, đã được lọc máu kịp thời để cứu sống.

"Lọc máu là vũ khí quan trọng nhất trong những phút đầu tiên để giành lại sự sống cho bệnh nhân", bác sĩ nhấn mạnh. Đây là quy trình y tế để loại bỏ các chất độc hại như ethanol ra khỏi máu, giảm các biến chứng nguy hiểm.

Khu vực xử lý bệnh án, tiếp nhận thông tin bệnh nhân. Ảnh: Thùy An

Ngoài ra, bệnh nhân thường đi cùng nhóm bạn cũng đang say, dễ kích động, thậm chí có lời nói bạo lực, yêu cầu ưu tiên chữa trị cho mình trước. "Dù vậy, bác sĩ luôn phải giữ bình tĩnh, đưa ra quyết định phù hợp nhất với tình huống", bác sĩ Toản tâm sự. Một sai sót nhỏ không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân mà còn có thể đánh đổi cả sự nghiệp của nhân viên y tế.

Theo bác sĩ Nhung, nguyên tắc cấp cứu ngộ độc rượu là phải xác định thời điểm uống rượu, thời gian nhập viện, triệu chứng ban đầu và nồng độ cồn để đưa ra phương án điều trị. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể thu thập đủ thông tin, đặc biệt khi bệnh nhân đang say. Trong trường hợp này, bác sĩ buộc phải đánh giá tình trạng dựa trên các hậu quả như tri giác, chỉ số sinh tồn và kết quả xét nghiệm.

Ngoài điều trị, nhân viên y tế còn phải xoa dịu tinh thần người nhà bệnh nhân để giảm bớt áp lực. Điều dưỡng Khổng Đình Nghĩa kể khi người bệnh cấp cứu, tâm lý gia đình thường hoảng loạn, lo lắng, thậm chí có lúc giận dữ, lớn tiếng. Do đó, một nhân viên y tế không chỉ cần chuyên môn mà còn phải có kỹ năng giao tiếp, đồng cảm. Những lời nói chân thành, thái độ bình tĩnh và sự giải thích rõ ràng có thể giúp giảm bớt căng thẳng, tạo sự tin tưởng và hỗ trợ tốt hơn cho cả hai bên, điều dưỡng Nghĩa nói.

"Không có công thức chung nào cho các bệnh nhân. Chúng tôi phải vừa chạy đua với thời gian, vừa thận trọng từng bước, nhất là khi đối diện với ranh giới sinh tử", anh chia sẻ.

Bác sĩ đang can thiệp cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Thùy An

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020