Người bệnh được tư vấn cai nghiện thuốc lá tại bệnh viện trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Mặc dù đã phòng chống tác hại thuốc lá bền bỉ trong hơn 10 năm qua, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm quốc gia có tỉ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới (38,9% ở nam giới trưởng thành, cả hai giới là trên 20% năm 2023).
Hiện nhiều nơi quảng bá thuốc lá điện tử như một công cụ hỗ trợ cai nghiện dưới vỏ bọc góp phần kiểm soát việc hút thuốc lá.
Các sản phẩm thuốc lá được thiết kế bắt mắt, đa dạng từ màu sắc đến hình ảnh và với hơn 15.000 hương vị hấp dẫn.
Thực tế tất cả các loại thuốc lá đều độc hại, bao gồm cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều chứa nicotine.
Đây là chất gây nghiện cao, gây hại đến sức khỏe, đặc biệt là sự phát triển não bộ ở trẻ em và thanh thiếu niên.
ThS.BS Đinh Thị Hải Yến - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - cho biết chất nicotine có trong thuốc lá rất dễ gây nghiện và tạo ra sự phụ thuộc.
Khi đã rơi vào trạng thái nghiện, người hút đang lệ thuộc vào chất nicotine, chất này sẽ tác động vào não bộ gây cảm giác hưng phấn, sảng khoái, cảm giác giảm căng thẳng, mệt mỏi, tỉnh táo…
Khi nicotine não bộ đã quen với hàm lượng hằng ngày, không có sẽ dẫn đến cảm giác khó chịu, rất khó bỏ.
ThS.BS Nguyễn Hữu Hoàng - chuyên khoa hô hấp, giảng viên Trường đại học Y Dược TP.HCM - chia sẻ nghiện thuốc lá được định nghĩa là sự lệ thuộc về mặt thể chất và tâm thần đối với nicotine có trong thuốc lá. Tùy vào mức độ nghiện khác nhau mà mỗi người sẽ có biểu hiện cũng như thói quen hút thuốc lá khác nhau.
Nghiện thuốc lá được xác định là bệnh, nằm trong nhóm bệnh rối loạn tâm thần và hành vi do dùng chất hướng thần.
Từ lúc một người bắt đầu tiếp xúc với khói thuốc lá lần đầu thì phải mất hơn 2 năm người đó mới nghiện hoàn toàn cả về thực thể, tư tưởng và hành vi. Đó là một quá trình dài của sự tiếp nhận một thói quen cũng như là hành vi mới.
Theo bác sĩ Hoàng, cai nghiện thuốc lá có thể nói dễ mà cũng có thể nói khó. Tùy thuộc vào đối tượng khác nhau thì việc cai nghiện thuốc lá sẽ dễ hay khó.
Để cai nghiện thuốc lá dễ dàng, chính người nghiện thuốc lá phải trưởng thành trong sự nhận thức về tác hại của thuốc lá. Họ phải là người chủ động trong việc muốn cai thuốc lá.
Muốn có được điều này thì công tác tuyên truyền và tư vấn ban đầu hết sức quan trọng. Nếu người nghiện hiểu rõ vấn đề này thì việc cai nghiện thuốc lá sẽ rất dễ dàng với sự hỗ trợ tích cực của bác sĩ và thuốc cai nghiện thuốc lá nếu cần.
Nếu người nghiện thuốc lá không nhận thấy việc hút thuốc lá là có hại và là chuyện bình thường thì rất khó để cai nghiện thuốc lá.
Đây là quá trình thay đổi nhận thức kéo dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn của những người hỗ trợ xung quanh gồm gia đình, bạn bè và cả nhân viên y tế.
Bên cạnh đó, để có thể cai thuốc lá được thì người nghiện thuốc lá có thể tìm đến các bệnh viện để được hỗ trợ tư vấn cai nghiện thuốc lá.
Tại TP.HCM từ năm 2014, với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (VNTCF), Sở Y tế TP.HCM mở nhiều phòng tư vấn và điều trị cai nghiện thuốc lá.
Các đơn vị này nằm trải đều khắp như ở Bệnh viện quận 1, Bệnh viện TP Thủ Đức, Bệnh viện quận 11, Bệnh viện huyện Bình Chánh, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định…
Hơn 200.000 bệnh nhân được tư vấn cai nghiện thuốc lá
Theo Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), trong 10 năm qua quỹ tiếp tục hỗ trợ tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá miễn phí tại Bệnh viện Bạch Mai (1800-6606), Bệnh viện Nhân dân Gia Định (1800-1224) và Phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá tại 9 bệnh viện trên cả nước.
Tại 10 bệnh viện, đã có hơn 208.000 lượt bệnh nhân được tư vấn cai nghiện thuốc lá gồm cả tư vấn qua tổng đài và tư vấn trực tiếp.
Trong số hơn 50.000 bệnh nhân được tư vấn chuyên sâu cai nghiện thuốc lá, với gần 6.500 người cai nghiện thành công trong 3 tháng, hơn 3.100 người cai nghiện thành công trên 1 năm.